Thực tế đang chứng minh dù Tổng thống tuyên bố bảo vệ ngành sản xuất của nước Mỹ, chính sách của ông lại đang làm tổn hại các công ty đã thích nghi tốt với toàn cầu hóa.
Vấn đề của Blue Ridge Home Fashion là lông vũ. Đối với Empire Today, đó là những tấm ván sàn vinyl. Còn tại Jammy Inc., có rất nhiều thứ, từ đèn hậu ô tô đến băng keo phản quang.
3 công ty nói trên có 1 điểm chung: đang ở bên thua cuộc trong cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc. Chuỗi cung ứng của họ bị gián đoạn, đẩy các kế hoạch và dự báo lợi nhuận vào tình trạng hỗn loạn. Theo như cách nói của CEO Ralph Bradley của Jammy thì những gì họ đang phải trải qua giống như “một cú đá trực diện”.
Cú đánh tiếp theo mà họ phải chịu có thể xảy đến ngay trong tuần này, nếu ông Trump quyết định đánh thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có rất nhiều nguyên vật liệu và linh kiện được mua với số lượng lớn phục vụ cho sản xuất. Chính quyền Trump vẫn né tránh việc đánh thuế các sản phẩm hoàn thiện như smartphone hay giày sneaker vì e ngại vấp phải sự phản đối của người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên thực tế đang chứng minh dù Tổng thống tuyên bố bảo vệ ngành sản xuất của nước Mỹ, chính sách của ông lại đang làm tổn hại các công ty đã thích nghi tốt với toàn cầu hóa.
Khung cảnh tại nhà máy của Blue Ridge. Ảnh: Bloomberg.
Kể từ khi ông Trump khởi xướng xung đột thương mại với nhiều nước, các công ty Mỹ đã phải chật vật tìm đủ cách để hạn chế những thiệt hại về tài chính và thậm chí là vượt qua sự thay đổi chóng mặt trong chính sách thương mại. Ngày hôm nay dường như Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận nhưng ngay ngày mai Tổng thống có thể đe dọa sẽ đánh thuế không sót mặt hàng nào nhập khẩu từ quốc gia châu Á.
“Có quá nhiều điều mông lung, khiến rất khó để đưa ra bất kỳ quyết định chiến lược dài hạn nào”, Bradley nói. “Đó là nguyên nhân khiến tôi mất ngủ”.
Hồi tháng 7, làn sóng thuế quan đầu tiên tác động đến 34 tỷ USD hàng Trung Quốc. Sau đó, đến tháng 8, 16 tỷ USD khác bị đánh thuế. Và số phận của 200 tỷ USD khác bị “treo lơ lửng” suốt nhiều tuần qua.
Doanh nghiệp càng nhỏ thì càng gặp nhiều thách thức hơn. Jammy là nhà nhập khẩu linh kiện ô tô được cha của Bradley lập ra từ cách đây gần 50 năm tại Fort Worth, bang Texas. Chỉ có 11 nhân viên và doanh thu đạt 12 triệu USD trong năm ngoái, công ty này đã tận dụng tốt làn sóng toàn cầu hóa trong những năm 80 của thế kỷ trước, lập liên doanh với 1 nhà máy ở Shaoxing, miền Đông Trung Quốc. Đã chi gần 5 triệu USD vào nhà máy ở Shaoxing, Bradley cho biết công ty của ông gần như không thể thay đổi địa điểm sản xuất.
Trong danh sách các hàng hóa bị đánh thuế từ ngày 23/8 có băng keo phản quang, khiến cách đây vài ngày Bradley phải trả thêm 7.500 USD để vận chuyển 1.700 cuộn bằng đường hàng không. Con số này gấp 10 lần so với chi phí vận chuyển bằng đường thủy, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác. Nếu vòng đánh thuế mới nhất mà Tổng thống Trump đề xuất trở thành hiện thực, 85% các sản phẩm Jammy bán sẽ đột ngột có giá đắt hơn 25%.
Tại Blue Ridge, công ty có trụ sở ở Irwindale, California, câu chuyện cũng diễn ra tương tự. Công ty vừa mở nhà máy thứ hai ở Pennsylvania với quy mô đủ lớn để có thể đặt thêm máy may. Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của ông Trump cho phép CEO Ning He có thêm vốn để mở rộng sản xuất với chi phí hơn 1 triệu USD.
Tuy nhiên lông vũ lại bị liệt vào danh sách các mặt hàng có nguy cơ bị đánh thuế. Trung Quốc hiện là nước sản xuất lông vũ lớn nhất thế giới, loại nguyên liệu được Blue Ridge sử dụng trong khoảng 70% các sản phẩm gối và chăn lông vịt mà nó cung cấp cho các nhà bán lẻ như Macy’s hay Costco.
Công ty của Ning có khoảng 100 nhân công và doanh thu khoảng 100 triệu USD. “Tôi đang gặp rắc rối lớn”, Ning (55 tuổi), người đã nhập tịch vào Mỹ sau khi rời Trung Quốc 30 năm trước cho hay.
Các khách hàng của Blue Ridge muốn sang năm giá vẫn giữ nguyên, và họ có thể dễ dàng chuyển sang mua hàng của các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt với Blue Ridge – những công ty có sản phẩm đã hoàn chỉnh và sẽ không phải chịu thuế. Đó cũng chính là lý do khiến Ning xem xét chuyển nhà máy đến Trung Quốc, trong khi ở thời điểm hiện tại anh chỉ biết cố gắng nhập càng nhiều lông vũ càng tốt và hi vọng cuộc chiến thương mại sẽ bị đẩy lùi.
Ban đầu Keith Weinberger, CEO của Empire Today, không quá lo lắng. Ông nghĩ mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát khi thực hiện bài thuyết trình trước hội đồng quản trị về cách đối phó với mức thuế 10% đánh vào những tấm ván sàn vinyl nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhà cung ứng của Empire đã đồng ý chịu một phần chi phí để đổi lấy cam kết tăng số lượng đơn hàng.
Tuy nhiên kế hoạch của Weinberger đã đổ bể sau khi có tin Tổng thống Trump dự định đánh thuế 25% chứ không phải 10%. Empire Today bán thảm và nhiều loại ván sàn khác được sản xuất ở Mỹ, nhưng loại ván được nhập từ Trung Quốc đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng doanh thu. Ở Mỹ cũng có nguồn hàng nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu.
Không có nhiều lựa chọn, mới đây Empire đã thuê 1 công ty vận động hành lang với hi vọng có thể lọt vào danh sách miễn trừ thuế.
theo Bloomberg