“Nhìn lại 2 năm thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới” (Bài 1): Thành quả bước đầu của giai đoạn mới

Chương trình Phát triển nông nghiệp và Xây dựng Nông thôn mới” (XDNTM) liên tục được xác định là một trong những chương trình phát triển kinh tế – xã hội trọng tâm trong các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây. Ngay đầu nhiệm kỳ 2021-2025, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế – xã hội trong nước và thế giới, rồi thách thức từ bộ tiêu chí mới được nâng cao, nhưng sau hơn 2 năm thực hiện, tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái nhiều thành quả từ chương trình lớn này.

Từ định hướng đến sự đồng lòng

Giai đoạn 2021-2025, Trung ương đã ban hành bộ tiêu chí mới trong XDNTM ở các cấp độ với nhiều yêu cầu cao hơn. Với đa phần các xã đã có kế hoạch về đích, đó chính là thách thức, cần thêm lộ trình. Trước tình trạng nhiều địa phương kêu khó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hàng chục văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình theo tinh thần càng khó càng phải nỗ lực nhiều hơn. Nhiều văn bản mang tính định hướng, làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, như: “Kế hoạch thực hiện CTMTQG XDNTM tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025” để triển khai nghị định của Chính phủ; các quy định nguyên tắc về định mức phân bổ vốn của Trung ương và đối ứng của địa phương cho chương trình; quy định về cơ chế lồng ghép vốn; kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025… Tháng 7-2022 vừa qua, HĐND tỉnh cũng đã quyết nghị thông qua phương án phân bổ vốn trung hạn và hằng năm để hỗ trợ nguồn lực cho các ngành, các địa phương thực hiện chương trình, bảo đảm tiến độ đề ra.

Trên cơ sở định hướng, quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan truyền thông, các ngành, các địa phương đều tăng cường tuyên truyền thúc đẩy XDNTM và phát triển sản phẩm OCOP. Hơn 2 năm qua, MTTQ các cấp đã triển khai nhiều cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, xây dựng và nhân rộng 38 mô hình “Khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp”; vận động hơn 4.000 khu dân cư xây dựng và bổ sung hương ước phù hợp với XDNTM. Hội LHPN tỉnh có cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch trong XDNTM”, “Nhà sạch vườn đẹp”, “Hàng rào xanh”, “Đường hoa phụ nữ”, “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ”, “Mỗi gia đình một vườn rau tại nhà”… Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay XDNTM và đô thị văn minh” với hơn 3.500 hoạt động thiết thực. Theo đó, thanh niên trong tỉnh đã xây dựng được 204 tuyến đường bích họa, 21 tuyến đường “cột điện nở hoa”, 312 đường hàng cây thanh niên, 62 “vườn ươm thanh niên lập nghiệp”…

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp chế biến lúa gạo và 25 doanh nghiệp thu mua, chế biến rau quả. Hình thức chăn nuôi quy mô lớn phát triển mạnh với 39 khu, cụm chăn nuôi tập trung. Các địa phương cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp và các HTX vào các chuỗi liên kết sản xuất…

Hơn 2 năm qua, cả tỉnh cũng có thêm 223 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh.

Các cấp hội nông dân cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực để đồng hành, xây dựng thành công 586 tổ tự quản bảo vệ môi trường, hướng dẫn xây dựng mô hình thu gom và xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón ở 120 xã. Đồng thời, có nhiều hoạt động giúp hội viên nông dân vay vốn, tập huấn kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm để phát triển các mô hình sản xuất. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh trên cơ sở nhiệm vụ được giao cũng triển khai nhiều hoạt động để đồng hành XDNTM liên quan đến các tiêu chí ngành mình phụ trách.

Kết quả từ sự vượt khó

Gần nửa nhiệm kỳ thực hiện chương trình lớn, đúng vào thời điểm giá vật tư nông nghiệp và xăng, dầu tăng cao, dịch bệnh COVID-19 cũng như thế giới có nhiều bất ổn gây ảnh hưởng đến phát triển các tiêu chí sản xuất và xây dựng hạ tầng. Nhưng 2 năm 2021-2022, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 3,62%. Cùng thời gian này, toàn tỉnh thu hút thêm 2 doanh nghiệp lớn thu mua và chế biến lúa gạo, 9 doanh nghiệp thu mua và chế biến rau quả. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp chế biến lúa gạo và 25 doanh nghiệp thu mua, chế biến rau quả. Hình thức chăn nuôi quy mô lớn phát triển mạnh với 39 khu, cụm chăn nuôi tập trung. Các địa phương cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp và các HTX vào các chuỗi liên kết sản xuất. Nhiều ngành nghề nông thôn khác cũng phát triển theo tiêu chí “Sản xuất” trong XDNTM. Chương trình OCOP được triển khai quyết liệt, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, các sở, ban ngành và các địa phương đã triển khai tích cực nên giai đoạn 2021-2022, đã có thêm 223 sản phẩm mới được công nhận và 1 sản phẩm nâng hạng.

Tổng nguồn lực huy động thực hiện CTMTQG XDNTM trên địa bàn tỉnh hơn 2 năm qua đã đạt gần 14.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách các cấp phân bổ hơn 7.752 tỷ đồng, vốn lồng ghép khoảng 1.900 tỷ đồng, vốn huy động các cộng đồng dân cư và giá trị đất, tài sản được hiến gần 2.190 tỷ đồng…

Ngành nghề nông thôn và kinh tế phát triển chính là điều kiện để các địa phương huy động nhiều nguồn lực tổng hợp cho XDNTM. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện chương trình nhằm khích lệ sự vào cuộc của các địa phương. Đơn cử như “thưởng” các xã, huyện về đích NTM các cấp độ giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; tăng cường hỗ trợ cho các huyện, xã chưa đạt chuẩn, các xã miền núi dưới 15 tiêu chí để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Tổng nguồn lực huy động thực hiện CTMTQG XDNTM trên địa bàn tỉnh hơn 2 năm qua đã đạt gần 14.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách các cấp phân bổ hơn 7.752 tỷ đồng, vốn lồng ghép khoảng 1.900 tỷ đồng, vốn huy động các cộng đồng dân cư và giá trị đất, tài sản được hiến gần 2.190 tỷ đồng…

2 năm qua, từ nhiều nguồn vốn huy động cho chương trình, toàn tỉnh đã nâng cấp và xây dựng mới gần 2.800 km đường giao thông nông thôn các loại, hơn 930 km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi, gần 1.300 km đường điện, 331 trạm biến áp. Trong các tiêu chí về giáo dục và cơ sở vật chất văn hóa, toàn tỉnh cũng sửa chữa và xây dựng mới gần 2.700 phòng học, 75 trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã, 731 nhà văn hóa cấp thôn. Nhiều công trình hạ tầng được sửa chữa hoặc xây dựng mới cũng được hoàn thiện với tổng số 66 chợ nông thôn, 59 công trình cấp nước sinh hoạt. Hơn 46.000 nhà ở dân cư cũng được khuyến khích kiên cố, sửa chữa và xây dựng mới nhờ tiêu chí NTM, tạo nên diện mạo các vùng quê ngày càng đổi mới.

Nếu so sánh với chỉ tiêu và kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025, thì đến nay, Thanh Hóa đã đạt 63% chỉ tiêu huyện NTM, 85% xã NTM, 80% chỉ tiêu thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM, 41% chỉ tiêu xã NTM nâng cao, 22% xã NTM kiểu mẫu và 91% chỉ tiêu thôn/bản NTM kiểu mẫu.

Từ đầu giai đoạn đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 32 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 45 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã và 247 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hơn 2 năm qua, cả tỉnh cũng có thêm 223 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Hiện bình quân toàn tỉnh đã đạt 17,72 tiêu chí NTM/xã, tăng 0,22 tiêu chí so với năm 2020. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 349 xã, 700 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 65 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã và 309 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện toàn tỉnh đã có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng từ 3 đến 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao quốc gia.

Nếu so sánh với chỉ tiêu và kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025, thì đến nay, Thanh Hóa đã đạt 63% chỉ tiêu huyện NTM, 85% xã NTM, 80% chỉ tiêu thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM, 41% chỉ tiêu xã NTM nâng cao, 22% xã NTM kiểu mẫu và 91% chỉ tiêu thôn/bản NTM kiểu mẫu.

Theo ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, ở nhiệm kỳ này, việc XDNTM không chỉ chú trọng đến phát triển các tiêu chí định lượng, phát triển hạ tầng và đang hướng theo chiều sâu với chỉ tiêu định tính như tình làng nghĩa xóm, cảnh quan môi trường, phong trào văn hóa văn nghệ, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Bài và ảnh: Linh Trường

Bài 2: Lấy xây dựng thôn, bản nông thôn mới làm “gốc rễ”.

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/nhin-lai-2-nam-thuc-hien-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-bai-1-thanh-qua-buoc-dau-cua-giai-doan-moi/179826.htm