Bị máy cưa xén đứt tay, người đàn ông bình tĩnh cầm nửa bàn tay gần đứt lìa chạy vào viện

Bất cẩn cưa gần đứt lìa nửa bàn tay nhưng bệnh nhân đã bình tĩnh sơ cứu cầm máu và mang nửa bàn tay còn lại vào bệnh viện cấp cứu.

Dứt gần lìa 3 ngón tay

Bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay, khoa đã tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu nối tay cho một bệnh nhân gặp tai nạn do cưa phải tay.

Bệnh nhân N.V.T (Hà Nội) do bất cẩn trong lúc dùng máy cưa đã cưa gần như đứt nửa bàn tay, máu chảy nhiều. Với kinh nghiệm chiến trường, bệnh nhân T đã bấm để động mạch chủ giảm chảy máu, garo và mang theo nửa bàn tay đứt lìa vào bệnh viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Nghĩa, bệnh nhân T vào viện trong tình trạng có vết thương bàn tay, trong đó có 3 ngón đứt gần rời, chỉ còn dính da. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo và có dùng garo để cầm máu. Các ngón tay bị xẹp do đã bị đứt mạch máu nuôi dưỡng.

Ngay sau đó bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu nối lại các ngón tay để đảm bảo mạch máu nuôi dưỡng. Sau hơn 5 tiếng phẫu thuật 3 ngón tay của bệnh nhân đã được nối lại.

Bị máy cưa xén đứt tay, người đàn ông bình tĩnh cầm nửa bàn tay gần đứt lìa chạy vào viện  - Ảnh 1.

Bác sĩ Nghĩa chia sẻ.

“Tuy nhiên, do vết thương của T vào khớp, nát gần hết khớp. Cho nên quá trình phục hồi về sau 100% là bệnh nhân sẽ bị cứng khớp (mặt khớp chưa nối bị phá nát toàn bộ). Chúng tôi đã giải thích cho bệnh nhân cứu ngón là quan trọng, phục hồi chức năng sẽ được làm sau nối chi”, bác sĩ Nghĩa nói.

Bác sĩ Nghĩa cho hay, hiện tại, tình trạng phục hồi ngón tay của bệnh nhân tốt và đã được ra viện trong chiều ngày 30/8.

Cách bảo quản chi đứt lìa sau tai nạn

Bác sĩ Nghĩa cho biết thêm, trong sinh hoạt hàng ngày nếu gặp tai nạn đứt lìa chi hoặc chưa lìa gia đình nạn nhân cần làm như sau:

Đối với chi bị đứt rời:

Bước 1: Rửa sạch chi đứt rời bằng nước sạch bằng, nước nguội, nước muối sinh lý để loại bỏ bẩn bởi dị vật có thể gây ô nhiễm vết thương.

Bước 2: Gói chi đứt rời vào khăn ướt sạch, đặt vào trong túi nilon/túi nhựa đóng kín và đặt vào đá lạnh bảo quản, chuyển tới bệnh viện sớm nhất.

Tuyệt đối không đặt phần tay đứt rời lên đá lạnh, vì gây tê cóng và tổn thương cho các mô chi thể.

Chân tay bị đứt rời nếu được bảo quản, làm mát đúng cách có thể sử dụng phẫu thuật trong vòng 18 giờ. Nếu không được bảo quản và làm mát chỉ có thể sử dụng trong vòng 4 – 6 giờ.

Thời gian kéo dài thì các mô sẽ chết, khó nối thành công. Khi nạn nhân gặp tai nạn cần nhanh chóng gọi ngay cấp cứu 115, nếu có thể hãy sơ cứu cầm máu, kết hợp nâng cao vùng chi bị tổn thương để hạn chế máu chảy.

“Trong trường hợp đứt gần rời thì cần băng cầm máu nhưng không garo. Lưu ý bệnh nhân chỉ nên băng chun chứ không garo (nếu garo chỉ trong vòng 60 phút)”bác sĩ Nghĩa lưu ý.

Sau khi phẫu thuật nối liền bệnh nhân dễ bị co mạch máu, dẫn đến hoại tử. Bệnh nhân cần lưu ý không để chỗ nối va chạm mạnh ảnh hưởng đến vết thương.

Tiếp đến bệnh nhân sẽ có quá trình tập vật lý trị liệu để phần chi nối vận động tốt, sau 3-6 tháng có thể vận động nhẹ nhàng. Tay phục hồi được trở lại bình thường nếu bệnh nhân tập luyện tốt, tuy nhiên đối với những người lớn tuổi thì khả năng phục hồi sẽ không được bằng so với những người trẻ.