20 năm trước, vào cuối năm 1998, một giáo sư 44 tuổi tại Khoa Mô phỏng sinh học (Cybernetics) của Đại học Reading (Anh) đã thực hiện một cuộc phẫu thuật tự chọn nhằm cấy một con chip nhận diện tần số radio (RFID) vào dưới da cánh tay trái.
Nhờ vào các ăng-ten gắn xung quanh phòng thí nghiệm của mình, Giáo sư Kevin Warwick đã có thể điều khiển nhiều thứ xung quanh thông qua sóng phát ra từ bàn tay chẳng khác gì các hiệp sỹ Jedi trong Star Wars.
“Ở cửa chính phòng thí nghiệm, một chiếc hộp điều khiển bởi máy tính phát ra giọng nói ‘Hello’ khi tôi bước vào” – ông viết – “Máy tính phát hiện tôi đi vào toà nhà, mở cửa phòng thí nghiệm cho tôi khi tôi tiến đến và bật đèn. Trong vòng 9 ngày từ khi cấy chip dưới da, tôi đã thực hiện được những hành động đầy ma thuật chỉ đơn giản bằng cách bước đi theo một hướng nhất định“.
Tại buổi họp báo công bố, mọi thứ diễn ra đúng như những gì bạn có thể nghĩ đến. Cánh phòng viên chẳng thích thú gì hơn một cơ hội để tung hàng loạt tít báo gây sốc. Dù một số tờ báo đánh giá rất nghiêm túc vấn đề này, số khác lại đăng tải nhiều thông tin mang tính giễu cợt. Ở thời điểm 1998, khi mà hầu hết các hộ gia đình tại Mỹ chỉ mới bắt đầu làm quen với Internet và nhà thông minh, thì ý tưởng của Warwick có vẻ là một trò đùa thay vì là một thứ cho thấy công nghệ của tương lai sẽ thế nào.
Ngành công nghiệp chip
“Cười người hôm trước, hôm sau người cười”, đó chính xác là những gì đang diễn ra lúc này. Tháng vừa qua, tờ Guardian và Telegraph đồng loạt đưa tin các công ty trên toàn cầu đang cấy những con microchip kích cỡ bằng hạt gạo vào tay các nhân viên. Những con chip RFID đó có thể cho phép nhân viên truy xuất đến những khu vực giới hạn trong khuôn viên công ty, hay đăng nhập vào các hệ thống máy tính mà không cần phải mang theo hàng tá thẻ đủ loại.
“Không hề sai khi nói rằng lượng người quan tâm là rất lớn” – Tiến sỹ Stewart Southey, Giám đốc Y tế tại Biohax International (Thuỵ Điển) nói. Biohax được thành lập vào 5 năm trước bởi nhà sáng lập Jowan Osterlund sau một thập kỷ rưỡi làm nghề…xỏ khuyên và thay đổi cơ thể. “Các công ty và cá nhân muốn ứng dụng công nghệ và trở thành đối tác của chúng tôi tìm đến chúng tôi nhiều lần mỗi ngày” – Southey nói tiếp.
Ông chuyển sang miêu tả những lợi thế của các con microchip. Đối với các nhân viên, họ có thể đi vào toà nhà và các khu vực an ninh mà không cần phải mang theo thẻ truy xuất, nhớ username hay password cho nhiều tài khoản hệ thống công việc khác nhau, và thậm chí có thể trả tiền thức ăn trong căng-tin mà không cần ví. Đối với các công ty, microchip giúp việc giới thiệu các thành viên mới nhanh gọn hơn, cải thiện quản lý truy xuất, và không phải phát hành lại các thẻ bị mất – có nghĩa là giảm bớt sự phụ thuộc vào nhựa. “Chúng tôi lúc nào cũng đang tập trung tăng cường các chức năng” – Southey nói.
Steven Northam là nhà sáng lập của BioTeq, một công ty tự nhận là chuyên gia cấp ghép công nghệ vào cơ thể người hàng đầu nước Anh. BioTeq từng cấy chip RFID vào tay những người đang làm việc trong ngành tài chính và kỹ thuật tại ANh, và còn cung cấp chip cho các quốc gia châu Âu, Nhật và Trung Quốc.
Northam nhấn mạnh đến thị trường chip RFID đang tăng trưởng, nhưng cũng chỉ ra rằng công ty của ông để từng cá nhân tự chọn lựa có muốn cấy ghép microchip hay không. “Chúng tôi được người ta hỏi mỗi ngày xoay quanh việc cấy ghép microchip vào con người, chủ yếu từ các cá nhân đang làm cho các công ty sử dụng hệ thống truy xuất RFID/NFS, những người muốn chuyển từ dùng thẻ ID sang chip cấy ghép” – ông nói – “Chúng tôi thấy ít hơn các công ty tìm cách cung cấp dịch vụ này đến nhân viên, và chưa bao giờ nghe đến một công ty yêu cầu hay bắt buộc ai đó phải có một con microchip gắn trong người mới được làm việc. Những xem xét về đạo đức xoay quanh điều đó là rất lớn“.
Thách thức về mặt đạo đức
Không hề ngạc nhiên khi những xem xét về mặt đạo đức khiến nhiều người lo lắng. Quan điểm của chúng ta về công nghệ thường được hình thành từ kiến thức về thế giới trước khi công nghệ xuất hiện. Ví dụ, chúng ta thường gán việc cấy ghép chip RFID với việc nuôi thú vì đó là ứng dụng phổ biến nhất của nó. Khi việc cấy ghép đó được thực hiện trên người, hiển nhiên chúng ta sẽ đặt ra những câu hỏi liệu nó có phải được thực hiện bởi những cưỡng ép về quyền lực và thể hiện tính phi nhân đạo hay không – dù cả hai công ty đều chỉ ra rằng công nghệ này ở thời điểm hiện tại hoàn toàn là một tuỳ chọn.
Southey nói rằng chip RFID hiện nay được cung cấp bởi Biohax không được trang bị GPS, có nghĩa là nó không thể bị lợi dụng để theo dõi vị trí địa lý chính xác của các nhân viên. Việc theo dõi vị trí có thể được thực hiện bằng cách giám sát các lần đăng nhập, nhưng đó là điều mọi người đã biết.
“Các công ty đã và đang ‘theo dõi’ thời gian làm việc, số lần ra vào, và những lần đăng nhập máy tính của các nhân viên thông qua công nghệ hiện tại (thẻ từ). Chúng tôi cung cấp các dịch vụ tương tự, nhưng chỉ là không cần thẻ mà thôi. Bên cạnh đó, chúng tôi đang nghiên cứu áp dụng công nghệ blockchain để giúp người dùng nắm được tính riêng tư, bảo mật dữ liệu, tính nhất quán và khả năng kiểm soát. Chúng tôi có kế hoạch cung cấp một giải pháp ID tự chủ với khả năng cấp quyền chi tiết hơn để bảo vệ người dùng”
Nếu có ai đó vui mừng khi thấy RFID phát triển mạnh mẽ trở lại, đó là Giáo sư Kevin Warwick. “Câu hỏi mà chúng ta đang thảo luận lúc này về cấy ghép microchip – nên làm hay không nên làm – là thứ mà tôi nghĩ chúng ta đã nên thảo luận từ 20 năm trước“.
Warwick đã nghiên cứu các công nghệ bodyhacking trong suốt sự nghiệp của mình và thấy được tiềm năng rất lớn của chip RFID. Dù áp dụng trong kinh doanh là điều tất yếu, ông nghĩ những con chi này nếu trở nên phổ biến, đại trà, có thể cực kỳ hữu dụng với người dùng.
“Một lĩnh vực lớn khác có thể ứng dụng microchip tôi thấy là kiểm soát hộ chiếu tại sân bay. Lúc nào cũng có những hàng người dài, và nếu người ta sử dụng chip cấy ghép, không chỉ bạn chẳng cần xếp hàng nữa mà bạn còn có thể làm thủ tục nhanh hơn. Điều quan trọng cần biết là một con chip như vậy chứa mọi loại dữ liệu, không chỉ số định danh. Do đó nó có tiềm năng lớn trong ngành y tế, có thể được dùng để lưu trữ các bản ghi y tế như chi tiết về các loại thuốc một người cần cho bệnh động kinh chẳng hạn”.
Tại sao việc cấy ghép microchip vẫn còn có vẻ khá mới mẻ? Có lẽ bởi thế giới nói chung vẫn chưa bắt kịp với viễn cảnh những năm 1990 của Warwick. Nhưng rõ ràng chúng ta đang tiến lại viễn cảnh đó ngày một gần hơn. Bạn đã sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống mới dưới dạng một cyborg chưa?
Tham khảo: DigitalTrends