Theo Bộ Y tế, trong số những trường hợp nghi ngờ nhiễm virus nCoV (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) thì 82 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng
Tìm kiếm người phụ nữ bỏ trốn khỏi khu cách ly theo dõi virus corona
Tính đến 6h ngày 10/2/2020, ở Việt Nam 14 trường hợp dương tính với nCoV. Trong đó, 3 trường hợp được điều trị khỏi; 745 số xét nghiệm âm tính.
-
Số liệu cập nhật của Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 10/2/2020, về dịch nCoV ở Việt Nam:
14 trường hợp dương tính với nCoV.
3 trường hợp được điều trị khỏi.
745 số xét nghiệm âm tính.
Trong số những trường hợp nghi ngờ nhiễm virus nCoV ( có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) thì 82 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng; 517 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm virus nCoVNguồn: Bộ Y tế
-
-
Theo Tuổi trẻ, tại buổi kiểm tra, làm việc giữa đoàn kiểm tra của Bộ Y tế với TP.HCM về tình hình phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) chiều 9/2, ông Lê Thanh Liêm (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) nói: Thành phố quyết liệt thực hiện phương châm 5 tại chỗ gồm: Lực lượng chống dịch tại chỗ; Chỉ huy tại chỗ; Vật tư, trang thiết bị tại chỗ; Thuốc men, sinh khiết tại chỗ; Nhiệm vụ tại chỗ.
Hiện nay, TP.HCM tập trung thực hiện 3 mục tiêu trong phòng chống dịch bệnh nCoV.
Thứ nhất, tập trung tuyên truyền đến từng hộ dân, cơ sở sản xuất kinh doanh. Sở Thông tin và truyền thông và Trung tâm báo chí TP đã in và phát 5 triệu tờ rơi với nội dung những khuyến cáo phòng chống bệnh do nCoV cho người dân ở 24 quận, huyện. Xây dựng mẫu và in 4,5 triệu bản cam kết giữa các hộ dân và chính quyền trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đã cấp cho các quận, huyện để thực hiện ký cam kết.
Thứ hai, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, đảm bảo người dân biết cách tự phòng dịch bệnh.
Thứ ba, giám sát, cách ly chặt chẽ nhằm đảm bảo kiểm soát không để xảy ra lây lan và hạn chế tối đa số ca tử vong.
-
Trường THPT Quốc học Huế: Tin từ báo Pháp luật Việt Nam cho hay, giáo viên chủ nhiệm và các em học sinh lớp 10 Hóa 1 Trường THPT chuyên Quốc Học Huế (TP Huế, Thừa Thiên Huế) đã tự điều chế ra nước rửa tay diệt khuẩn tặng cho học sinh trong và ngoài trường. Nước rửa tay được điều chế từ các hóa chất như cồn, nước, oxi già và glycerol…, có khả năng sát khuẩn cao, không làm hại đến da tay…
Số nước rửa tay diệt khuẩn đủ để tặng học sinh của 42 lớp học trường THPT Quốc học Huế sau kì nghỉ. Nhà trường cũng đã tặng 60 lít nước rửa tay diệt khuẩn này cho một số cho trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trường Đại học Lạc Hồng: Ghi nhận của Tiền phong cho hay, trường Đại học Lạc Hồng mới đây đã bào chế và cho ra đời 2 dòng sản phẩm là Nước xịt rửa tay nano bạc và Nước rửa tay khô nano bạc có công dụng sát trùng, phòng nhiễm virus để phục vụ cộng đồng nhằm phòng ngừa virus corona. Thành phần chủ yếu của nước rửa tay gồm cồn 70% có tác dụng sát khuẩn, glycerin giữ ấm da, nipagin bảo quản dung dịch đặc biệt và bổ sung nano bạc với hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng.
Nước rửa tay khô do trường ĐH Lạc Hồng bào chế. Ảnh: Tiền phong
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM): Một nhóm cán bộ và sinh viên Bộ môn Kỹ thuật Hoá hữu cơ, khoa Kỹ thuật Hoá học, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đã pha chế nước rửa tay phòng chống virus corona dành cho cán bộ và sinh viên của trường.
Các loại gel rửa tay được nhóm pha chế gồm: Instant Hand Sanitizer (Gel sát khuẩn nhanh), Surface Sanitizer Spray (Xịt sát khuẩn nhanh) có công dụng làm sạch và kháng khuẩn nhanh không dùng nước và sản phẩm Antibacterial Hand Wash (Rửa tay sát khuẩn) có công dụng rửa sạch và kháng khuẩn tay với nước.
Nhóm cán bộ và sinh viên Bộ môn Kỹ thuật Hoá hữu cơ pha chế nước rửa tay phòng chống virus corona (Ảnh: Hcmut)
Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng: Ngày 05/02/2020, nhóm cán bộ và sinh viên Khoa Hóa học, trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã chế tạo nước rửa tay phòng dịch dành cho sinh viên và cán bộ trong nhà trường.
Dung dịch rửa tay với thành phần gồm Ethanol, glycerol, hydrogen peroxide và tinh dầu, có công dụng làm sạch và kháng khuẩn nhanh. Nhóm đã pha chế trên 150 lít để trang bị tại các vị trí trọng yếu của trường như: đầu các toà nhà, khu vực cầu thang, các phòng làm việc, phòng tiếp khách, ký túc xá sinh viên… Ngoài ra, nhà trường còn trang bị các chai nước rửa tay loại 100ml và 250ml để hỗ trợ cán bộ và giảng viên phòng chống dịch.
Trường Đại học Phenikaa (ĐH Thành Tây cũ): Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, nhóm các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Dược, Khoa Điều dưỡng, Khoa Khoa học cơ bản Trường Đại học Phenikaa đã pha chế nước rửa tay có công dụng làm sạch & kháng khuẩn nhanh không dùng nước.
Hiện tại, nhóm đã pha chế trên 100 lít để trang bị tại các vị trí trọng yếu của trường như: đầu các toà nhà (khu vực cầu thang), các phòng họp, phòng tiếp khách… Riêng các chai loại 370ml và 420ml để hỗ trợ cho cán bộ giảng viên và sinh viên của Trường.
-
Bệnh viện Trung ương Huế hôm qua (9/2) cho biết trên Người lao động, Bộ Y tế đã cho phép bệnh viện này thực hiện xét nghiệm virus corona chủng mới nCoV. Viện thực hiện được xét nghiệm này sau khi Khoa Vi sinh đã đạt chuẩn phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2; Phòng xét nghiệm sinh học phân tử có tủ an toàn sinh học cấp 2 và 3, 2 máy Real time PCR (1 máy hiệu Stratagen Mx 3000 và 1 máy hiệu SaCycler; Nhân viên vi sinh đã được tập huấn chuyển giao kỹ thuật Real time RT-PCR chẩn đoán nCoV tại Viện Pasteur TP HCM, được hỗ trợ Primer/Prope và vật tư, hóa chất đủ thực hiện 20 test chẩn đoán nCoV theo quy trình của Tổ chức Y tế thế giới WHO/Berlin.
Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã đầu tư thêm vật tư, hóa chất từ các công ty để có thể thực hiện thêm 100 mẫu kiểm tra trong 4-5 ngày tới. Đây là đơn vị thứ 5 trong nước và là bệnh viện đầu tiên ở miền Trung thực hiện được xét nghiệm nCoV.
Y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện xét nghiệm nCoV. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Theo TTXVN, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế nói việc thực hiện xét nghiệm ngay tại bệnh viện có ý nghĩa rất quan trọng, có lợi cho việc điều trị bệnh nhân nghi nhiễm cũng như bệnh nhân nhiễm viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, đồng thời có thể giúp ngừng cách ly đối với những bệnh nhân nghi nhiễm có kết quả âm tính, giảm tải số lượng ca cách ly, từ đó giảm gánh nặng cả về nhân lực và vật lực cho bệnh viện.
Bệnh viện chỉ làm xét nghiệm đối với những đối tượng được định nghĩa “Là trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, với các biểu hiện sốt, ho, có thể khó thở và có một trong các yếu tố dịch tễ sau: có tiền sử đến hoặc từ vùng có dịch về trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh; tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.” Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng, đề nghị làm xét nghiệm nCoV khi không cần thiết.
-
Theo TTXVN, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nguyện vọng của công dân, ngày 10/2/2020, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tiến hành đưa về nước 30 công dân Việt Nam (gồm các sinh viên và người thân, khách du lịch Việt Nam…) từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – vùng tâm dịch và không có bất kỳ kết nối giao thông nào với các khu vực khác.
Sau khi chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh lúc 5 giờ 40 sáng 10/2/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm thủ tục khử trùng và kiểm tra y tế theo đúng quy định phòng dịch cho 30 công dân. Hiện nay, toàn bộ số công dân nêu trên (đặc biệt là một nữ hành khách đang mang thai 8 tháng) có tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần tốt và sẽ được cách ly, theo dõi y tế theo quy định.
Công dân Việt Nam được hướng dẫn khử trùng và làm thủ tục dưới sự giám sát của nhân viên y tế. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
(Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Khử trùng hành lý cho du khách trở về từ Vũ Hán. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
(Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
-
Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc thông tin, chiều 9/2, ông Lê Duy Thành (Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh) đi kiểm tra thực tế để có kế hoạch xây dựng Bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.
Theo báo cáo của Sở Y tế, địa điểm Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh rất thuận lợi để xây dựng bệnh viện dã chiến. Tại đây cơ sở vật chất sẵn có, cơ bản đáp ứng yêu cầu của một bệnh viện dã chiến với quy mô lớn phục vụ yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sở Y tế đã bố trí nhân lực cho bệnh viện dã chiến trên cơ sở các tổ phản ứng nhanh, trong đó, nòng cốt và chịu trách nhiệm vận hành là Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Qua kiểm tra thực tế địa điểm Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành nhất trí với phương án xây dựng bệnh viện dã chiến của Sở Y tế.
Theo báo Vĩnh Phúc, tính đến 23h ngày 9/2/2020, việc xây dựng bệnh viện dã chiến tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh đã được triển khai nhanh chóng và hoàn thành việc chuẩn bị mặt bằng. Dự kiến trong ngày 10/2 các đơn vị sẽ tiến hành lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật, bố trí nhân lực cần thiết và phương án vận hành bệnh viện dã chiến, sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Lực lượng công an, bộ đội dọn vệ sinh các phòng dùng làm bệnh viện dã chiến. Ảnh: Hoàng Tùng/TTXVN
Các chiến sĩ thu dọn đồ đạc, chuẩn bị phòng cho bệnh viện dã chiến. Ảnh: Hoàng Tùng/TTXVN
Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc là nơi lập bệnh viện dã chiến. Ảnh: Hoàng Tùng/TTXVN
-
[Video] Điều cần biết về cơ chế lây nhiễm và cách phòng chống nCoV (Nguồn: Vietnamplus)
-
Vietnamplus dẫn thông tin từ từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, chiều nay (10/2), 3 bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV) đang điều trị tại bệnh viện sẽ được xuất viện. Đây là 3 công nhân quê ở Vĩnh Phúc, trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 17/1 rồi khởi phát bệnh.
Sau khi 3 bệnh nhân trên ra viện, các bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn còn điều trị cho 2 bệnh nhân dương tính
-
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến 8h sáng 10/2, trên địa bàn thành phố, tính cộng dồn lại có 53 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Corona (nCoV), trong đó chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với bệnh.
Trong số 53 trường hợp, tính đến sáng nay, có 1 trường hợp nghi ngờ được phát hiện mới tại quận Nam Từ Liêm. Hiện đã có 49/53 trường hợp có kết quả âm tính với virus Corona (nCoV). Hiện còn 4 trường hợp đang tiếp tục được cách ly, theo dõi.
-
Ông Nguyễn Công Trưởng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn) cho biết trên Pháp luật TP.HCM, giới chức tỉnh đang xin ý kiến Bộ Y tế về việc cho lái xe chở hàng qua biên giới mặc đồ bảo hộ chống dịch nCoV để không phải cách ly 14 ngày.
Theo ông Trưởng, để phòng dịch virus corona, tất cả các cặp chợ biên giới, cửa khẩu sang Trung Quốc đều đã bị siết chặt không thể thông quan. Hiện cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã thông quan trở lại, nhưng yêu cầu lái xe đi về qua biên giới phải cách ly 14 ngày gây ra nhiều khó khăn. Các lái xe phản ánh họ không thể làm ăn gì được, chưa kể khi lái xe bị cách ly thì không có người lái xe về, để ở cửa khẩu cũng không còn chỗ.
Vị này nói với PV Pháp luật TP.HCM, cách đơn giản là trang bị cho các lái xe, chủ hàng chở hàng sang biên giới bộ quần áo bảo hộ phòng dịch theo tiêu chuẩn, chất lượng của Bộ Y tế. Trong ngày, lái xe mặc đồ bảo hộ chở hàng sang chợ Bằng Tường (Trung Quốc), lúc về, cơ quan kiểm dịch sẽ khử trùng và thu hồi lại toàn bộ số quần áo đó mang đi tiêu hủy.
-
Chuyến bay chở 30 người Việt Nam từ Vũ Hán về nước(Phạm Anh Tuấn/Kinglive)
-
Hôm nay, lúc14h, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) đã tổ chức lễ xuất viện cho 3 bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) điều trị tại đây. Danh sách gồm N.T.D. (nữ, 24 tuổi, ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); C.P. (nam, 30 tuổi, ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc); V.H.L. (nữ, 29 tuổi, ở xã Gia Khánh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).
3 người này l thành viên trong đoàn 8 công nhân trở về từ Vũ Hán ngày 17/1. Tại buổi lễ cho 3 bệnh nhân xuất viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói, với 14 trường hợp ghi nhận dương tính với corona tại Việt Nam, đã có 6 trường hợp sau điều trị được xuất viện. Đây là những thông tin tích cực trong điều kiện bệnh chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắcxin phòng bệnh.
Hình ảnh 3 bệnh nhân nhiễm nCoV xuất viện
-
Báo Chính phủ cho hay, sáng 10/2, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đã họp triển khai công tác phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã trao đổi các nội dung về: Bảo đảm các điều kiện đón công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước; tổ chức công tác cách ly; bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh; triển khai sản xuất kit thử xét nghiệm; dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh; lưu thông hàng hoá; nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng nCoV; đảm bảo an toàn dịch tễ tại những địa điểm tập trung đông người như danh thắng, cơ sở thờ tự…
Sau khi nghe ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao sáng kiến của Lào Cai trong việc tổ chức đội lái xe trung chuyển (bao gồm các lái xe được trang bị phương tiện bảo hộ chuyên dụng) để tổ chức đưa hàng hóa thông quan qua cửa khẩu và cho rằng đây là giải pháp các cửa khẩu đường bộ có thể vận dụng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam/Ảnh: VGP/Đình Nam
Thông quan nông sản tại Cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai. Ảnh: Báo Chính phủ
-
Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa mới đây có văn bản yêu cầu Giám đốc Bệnh viện đa khoa thị xã Bỉm Sơn nghiêm túc kiểm điểm, vì không có mặt trong cuộc họp trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Ghi nhận của PV Người lao động cho biết, văn bản do ông Trịnh Hữu Hùng (Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa) ký về việc chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu rõ:
Ngày 8-2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra. Thành phần triệu tập gồm các đơn vị y tế các tuyến trong tỉnh (công lập và ngoài công lập). Hội nghị được triển khai tại các điểm cầu các huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Sau Hội nghị của Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế triển khai các nội dung phòng, chống dịch tại Thanh Hóa cho các đơn vị. Tuy nhiên, tại điểm cầu thị xã Bỉm Sơn, thời điểm 12 giờ 30 phút ngày 8/2 không có mặt các thành phần triệu tập.
Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn là ông Phùng Quốc Kỳ nghiêm túc kiểm điểm và báo cáo về Sở Y tế (qua Phòng Nghiệp vụ Y) trước ngày 11-2; giao Phòng Nghiệp vụ Y chủ trì, phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ tham mưu biện pháp, hình thức xử lý (nếu có).
-
Đại tá Hà Văn Thiết, Phó chỉ trưởng Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn nói với PV Tiền phong, khi thăm nom, kiểm đếm số người đang sinh sống, cách ly theo dõi virus corona tại Trung đoàn 123 ở thành phố Lạng Sơn thì đơn vị phát hiện một phụ nữ đã trốn khỏi doanh trại.
Người này là bà Nguyễn Thị D. (SN 1976, quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Lực lượng chức năng hiện đang tiếp tục tìm kiếm bà D. và thẩm tra xem người này làm thế nào rời khỏi nơi cách ly khi công tác bảo vệ ở đây khá nghiêm ngặt.
Theo ghi nhận của PV Thanh niên, Lạng Sơn đã tiếp nhận, cách ly hơn 400 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc. Những người này được cung cấp miễn phí từ thức ăn, chăn chiếu, màn, giường,… trong thời gian 14 ngày và được kiểm tra sức khỏe 2 lần/ngày.
Vào sáng 10/2, Trung đoàn 123 phát hiện 3 trường hợp vắng mặt tại khu cách ly. Trong đó, 2 trường hợp được xác nhận đi nhầm buồng, người còn lại là bà D. chưa được tìm thấy.
ông tác bảo vệ tại Trung đoàn 123 được coi là khá nghiêm ngặt. Ảnh: G.Huy/Tiền phong
Ảnh: G.Huy/Tiền phong
Thanh Tú (Tổng hợp) , theo Trí Thức Trẻ