Có rất nhiều uẩn khúc đằng sau nghiên cứu gây chấn động giới khoa học này.
Nhà nghiên cứu He Jiankui người Trung Quốc không được biết đến nhiều trong giới khoa học và y học trên thế giới, cho đến ngày hôm qua. Khi mà ông He Jiankui tuyên bố thành công trong việc chỉnh sửa gen của hai bé gái sinh đôi vừa mới chào đời, giúp mang lại khả năng chống nhiễm virus HIV.
Tuyên bố này đã gây chấn động toàn bộ giới khoa học, bởi đây là lần đầu tiên có những đứa trẻ sơ sinh được ra đời bởi bộ gen chỉnh sửa. Có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng thử nghiệm này là vô đạo đức và có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Tại Mỹ, phương pháp chỉnh sửa gen như vậy bị cấm thực hiện trên người.
Nhà nghiên cứu He Jiankui.
Theo báo cáo của South China Morning Post, Ủy ban Đạo đức Y khoa của thành phố Thâm Quyến đang mở một cuộc điều tra đối với nghiên cứu của ông He Jiankui, do nhận thấy tổ chức phê chuẩn cho nghiên cứu này đã không tuân thủ các yêu cầu báo cáo cụ thể.
Một chỉ đạo từ năm 2003 với các bệnh viện được phép triển khai thụ tinh trong ống nghiệm đã cấm việc sử dụng phôi thai để chỉnh sửa gen. Hiện tại vẫn chưa rõ nghiên cứu của ông He Jiankui được thực hiện tại đâu.
Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam tại Thâm Quyến là nơi mà ông He Jiankui đã từng làm việc, cũng phủ nhận liên quan đến nghiên cứu 2 bé gái sinh đôi được chỉnh sửa gen. Bên cạnh đó, đại diện của trường đại học cũng cho biết ông He Jiankui đã nghỉ việc tại đây từ tháng 2 năm 2018.
Trong một tuyên bố mới nhất, đại học SUSTC cho biết: “Trường của chúng tôi sẽ ngay lập tức thuê các chuyên gia có thẩm quyền để thành lập một ủy ban độc lập, nhằm tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu và sẽ công bố thông tin liên quan sau khi có kết quả điều tra”.
Hiện tại, ngoại trừ tuyên bố của nhà nghiên cứu He Jiankui, thì hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy nghiên cứu chỉnh sửa gen trên 2 bé gái sinh đôi và ra đời là có thật.
Tham khảo: Business Insider