Ông Vũ Quốc Hùng. Ảnh: Trần Tuấn Việt.
Ngày còn công tác tại Ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Quốc Hùng kể khi tiến hành kiểm tra ở một địa phương, ông nhận được lời nhắn nếu không dừng vụ đó lại nhất định sẽ gặp tai nạn ôtô trên đường đi.
Ngay sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng, kiên quyết chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy. Hơn 2 năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thực hiện lời hứa của mình trước Đảng viên và nhân dân, bằng một chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt nhất, với rất nhiều đại án được đưa ra ánh sáng. Trong chiến dịch đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) được coi như cánh tay phải, giúp phát hiện các sai phạm, tồn tại trong bộ máy.
Nhân dịp này, Báo điện tử Tri thức Trẻ đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó trưởng Ban Kiểm tra Trung ương về vai trò của cơ quan này trong hệ thống Đảng.
Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó trưởng Ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Trần Tuấn Việt.
Trước đây đã có những vụ án “không có vùng cấm”
–Công cuộc “đốt lò” đã vào cuộc với tinh thần không e ngại, không có vùng cấm, nên trong năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến những việc chưa từng có tiền lệ, ví dụ như đây là lần đầu tiên có một Ủy viên Bộ Chính trị bị đưa ra toà và kết án. Chưa bao giờ mà người ta thấy số lượng các vụ đại án được phanh phui và số lượng các quan chức, các lãnh đạo Trung ương, địa phương bị kỷ luật, cảnh cáo, cách chức và khởi tố nhiều đến vậy. Cũng chưa bao giờ mà mức độ sai phạm trong những đại án đó lại khiến xã hội giật mình đến thế.
Theo ông sự tha hoá của một bộ phận không nhỏ Đảng viên đang có chiều hướng gia tăng hay những sai phạm đó vẫn luôn tồn tại trước nay mà chúng ta chưa xử lý được?
Ông Vũ Quốc Hùng: Rõ ràng, nếu tính 30 năm trở lại đây, những sai phạm của cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp ngày càng phát lộ ra với số lượng và tính chất sai phạm lớn hơn. Đó là một xu hướng đáng lo ngại mà chúng ta phải đối diện.
Thực ra, những sai phạm này không phải trường hợp nào cũng là những trường hợp có từ lâu rồi, bây giờ mới phát hiện ra. Như vụ việc của cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng là mới, nhưng việc bầu ông Đinh La Thăng làm Ủy viên Bộ chính trị thì đó là trách nhiệm của Ban chấp hành TƯ khóa XII.
Tôi đồng ý rằng trong năm vừa qua, UBKTTƯ đã làm việc với tinh thần rất quyết tâm, làm rõ được số cán bộ sai phạm với con số kỷ lục. Nhưng không có nghĩa rằng trước đây chúng ta không quyết liệt.
Tôi về UBKTTƯ từ giữa Đại hội VI cho đến hết Đại hội IX thì nghỉ, tôi thấy các đồng chí lãnh đạo, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm khi biết được các sai phạm mà UBKTTƯ chỉ ra – đều tuyệt đối không dung tha.
Nếu so sánh về con số, có thể có sự chênh lệch lớn trong một hai năm trở lại đây so với những năm trước, nhưng ý kiến đánh giá và xem xét tình hình phải tùy thuộc vào từng thời điểm, không phải thời chúng tôi số vụ sai phạm và số cán bộ, đảng viên sai phạm đưa ra xử lý ít hơn nghĩa là việc kiểm tra yếu hèn. Tôi khẳng định điều này.
Thời tôi còn đương chức, tôi đã được chứng kiến và tham gia nhiều vụ án lớn không có vùng cấm. Chẳng hạn như vụ Trương Văn Cam và đồng bọn. Vụ việc này đã kéo dài và liên luỵ khiến cho 2 Ủy viên Trung ương Đảng phải mất chức và lâm vào đường lao lý.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó dù rất nóng bỏng về tin tức nhưng những quy tắc và công nghệ thông tin, những quy định công khai tin tức không như thời điểm hiện tại, nên có thể không được dư luận chú ý như bây giờ. Nhưng không thể phủ nhận, cái mà người ta gọi là “không có vùng cấm” đã bắt đầu được thực hiện từ chính thời điểm này. Bởi vì, đến Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có người trong cơ quan bảo vệ pháp luật mà tôi không muốn nhắc tên để cho đau lòng thêm, đã bị đưa ra xử lý.
Theo ông Hùng, UBKTTƯ đã làm việc với tinh thần rất quyết tâm, làm rõ được số cán bộ sai phạm với con số kỷ lục. Ảnh: Trần Tuấn Việt.
Vụ Lã Thị Kim Oanh liên quan đến Bộ Nông Nghiệp, khiến cho một loạt lãnh đạo ở đây bị xử lý kỷ luật, thậm chí có người còn phải ngồi tù. Người ngồi tù chính là nguyên Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (nguyên Bộ trưởng Bộ Lâm Nghiệp) ông Nguyễn Quang Hà. Mặc dù trước đó ông này được khen là con người liêm chính, bởi khi nhậm chức, được Chính phủ cấp phát nhà ông còn từ chối không nhận. Tuy nhiên, vì mang trọng trách thứ trưởng thường trực nên ông vẫn phải chịu trách nhiệm. Đó là minh chứng cho việc “độ nghiêm của xử lý kỷ luật” đã có từ thời điểm đó.
Trả lời câu hỏi vì sao có sự chênh lệch về số lượng, bạn hãy làm một phép so sánh thử. Thời điểm đó, thứ nhất là không có công nghệ thông tin, không công khai. Nếu bạn đọc Tổng kết của các giai đoạn cũng thấy số lượng các vụ án xử lý không ít.
Thêm nữa, trong điều kiện lúc đó, UBKTTƯ rất ít nhân sự, có lúc chỉ 7 đến 9 người. Có những thời điểm chúng tôi phải làm đêm làm ngày.
Năm 1986 đất nước chưa đi vào thời kỳ kinh tế thị trường, các sai phạm không nghiêm trọng và phổ biến như bây giờ. Khi cơ chế thị trường bung ra thì tính chất sai phạm cũng nhiều hơn. Cho nên, nếu so sánh đơn thuần về mặt số lượng thì chưa thể đánh giá được sức chiến đấu của UBKTTƯ qua các giai đoạn như thế nào.
Nhưng dù thế nào đi nữa cũng phải ghi nhận UBKTTƯ của Đại hội lần thứ XII đã làm việc nghiêm túc, hết mình và đã phanh phui ra nhiều vụ việc, xử lý, tham mưu cho Trung ương hiệu quả. Đó là thành tích rất đáng hoan nghênh, khiến những người đã về hưu như chúng tôi lấy làm tự hào.
Điều quan trọng nhất là những cố gắng này, những thành công bước đầu này đã được nhân dân ghi nhận.
Vừa là chiến công, vừa là sửa chữa lỗi lầm
– Đối với các vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như vậy, trong quá trình đi kiểm tra, xử lý thì UBKTTƯ đóng vai trò như thế nào?
Ông Vũ Quốc Hùng: UBKTTƯ làm công tác kiểm tra về cán bộ, nội bộ Đảng. Do vậy, tất cả những đối tượng là Đảng viên đều được UBKTTƯ vào cuộc với tinh thần không thể bị ngã gục. Tất nhiên, trong quá trình làm việc, không thể tránh khỏi những rắc rối, đó là quá trình trao đổi để nhận thức xem sai phạm đến đâu.
Ảnh: Trần Tuấn Việt.
Thế nên công tác Đảng ủy phải đi trước một bước về xử lý nội bộ, sau đó mới xử lý về mặt hình sự. Về mặt hình sự, Ban Nội chính Trung ương chủ trì vai trò chính nhưng vẫn phối hợp với UBKTTƯ rất nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất cao.
Như vụ Năm Cam, chúng tôi họp với các lãnh đạo TP.HCM, mời đồng chí Võ Văn Kiệt đến dự và có ý kiến. Bằng những thông tin nhiều chiều khác nhau, giúp cho UBKTTƯ (sau này là Ban chỉ đạo) đưa ra những quyết định khách quan, xử đúng người đúng tội.
Lúc đó, Ban chỉ đạo do Ban Bí thư lập ra để xử lý vụ án, tạo cơ quan hỗ trợ cho các đơn vị thực thi pháp luật. Đây là điểm tựa vững chắc để phòng ngừa những yếu tố bên ngoài can thiệp vào, giúp cho những người đánh án trực tiếp vững tâm hơn để hoàn thành công việc.
– Thế còn áp lực khi phải đối diện với những đảng viên có vị trí trong Đảng thì sao thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Chúng tôi không cảm thấy có áp lực gì. Nếu cần ai, chúng tôi sẽ mời họ đến để cùng làm rõ vấn đề. Ví dụ, thời xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh, chúng tôi mời ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọc đến làm việc, tập thể UBKTTƯ và cơ quan tham mưu sẽ ngồi nghe ông trình bày. Vị Bộ trưởng trước là ông Nguyễn Công Tạn cũng được chúng tôi mời đến trình bày. Cùng với UBKTTƯ còn có Ban Nội chính, các cơ quan điều tra lắng nghe vụ việc một cách khách quan.
Cái kim trong bọc cũng không giấu được, cho nên với bất cứ vụ việc nào chúng tôi đều làm việc một cách rất dân chủ. Dĩ nhiên, cũng có những lần trong quá trình làm việc, chúng tôi phải đối diện với sự khó dễ, thậm chí là cả những lời đe doạ.
“Bất cứ vụ việc nào chúng tôi đều làm việc một cách rất dân chủ”. Ảnh: Trần Tuấn Việt.
Hồi đi làm, khi tiến hành kiểm tra ở một địa phương, tôi nhận được lời nhắn rằng nếu không dừng vụ đó lại nhất định sẽ gặp tai nạn ô tô trên đường đi. Vị trí của tôi không được phép có công an bảo vệ, nhưng không vì thế mà chúng tôi run sợ. Tôi nhớ, tôi cùng với cậu lái xe vẫn chủ động đi xuống địa phương đó và xử lý vụ việc triệt để.
– Ủy Ban kiểm tra Trung ương chịu sự chỉ đạo như thế nào từ Bộ chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Về tổ chức, Bộ chính trị chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành Trung ương về vấn đề xử lý kỷ luật. Cho nên, trước khi trình bày một vụ kỉ luật, bao giờ chúng tôi cũng báo cáo Bộ chính trị để Bộ chính trị trình bày với Ban chấp hành Trung ương.
UBKTTƯ và Bộ chính trị đều do Ban chấp hành Trung ương bầu. Thế nhưng trong lề lối làm việc, Bộ chính trị được Ban chấp hành Trung ương ủy nhiệm xử lý các vấn đề giữa 2 kỳ hội nghị, cả những vấn đề cơ bản chiến lược của Đảng. Đó là lý do chúng tôi báo cáo với Bộ chính trị, chứ không phải chúng tôi chịu áp lực gì không đúng từ Bộ chính trị.
Ảnh: Trần Tuấn Việt.
– Không thể phủ nhận vai trò của UBKTTƯ trong năm vừa qua,khi phát hiện ra hàng loạt sai phạm của những cán bộ cấp cao đó, nhưng việc để lọt những cán bộ cấp cao này vào trong hệ thống và để họ leo cao, có cơ hội lũng đoạn, sai phạm trong một thời gian dài, là lỗi của những ai?
Ông Vũ Quốc Hùng: Trong chiến dịch “đốt lò” vừa qua, chúng ta đã xử lý những cán bộ cấp cao mà bản thân những người này đã vào Trung ương, rồi ngày càng được giao những nhiệm vụ quan trọng từ Đại hội X.
Nhưng đến Đại hội XII mới phát hiện ra sai phạm và xử lý vi phạm. Cái này đúng là có trách nhiệm của nhiều cơ quan Đảng. Tôi cho rằng, đây là dịp Đảng phải nghiêm khắc nhìn lại câu chuyện này, đặc biệt trong công tác tổ chức, chọn lọc cán bộ. Đây vừa là chiến công nhưng cũng là việc mình đang sửa chữa chính những lỗi lầm của mình.
– Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!