“Tôi không quá phẫn nộ đến mức muốn con phải chuyển trường ngay lập tức hoặc đóng cửa trường học. Tôi đã kể cho 2 đứa con của mình nghe vì thực ra, không ai biết được những rủi ro nào có thể ập đến với cuộc sống của mình. Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm, là hãy biết cách tự bảo vệ chính mình.”
Mọi chuyện có thể đã khác,
Nếu như bác tài dành ra 30 giây ngoái nhìn lại đằng sau.
Nếu như cô monitor không bỏ qua việc check soát số lượng mà vội vã rời đi.
Nếu cô chủ nhiệm báo ngay với gia đình về sự vắng mặt của bé.
Có rất nhiều “nếu như”, nhưng chẳng điều nào có thể xoay chuyển được sự thật. Chúng ta thường như vậy sau khi điều tồi tệ đã ập đến. Một đứa trẻ, chỉ mới 6 tuổi, đã chấm dứt cuộc đời ngắn ngủi theo cách mà cha mẹ em hay bất cứ ai trong chúng ta, đều không thể tưởng tượng nổi.
2 ngày trôi qua, nỗi đau đeo đẳng người thân của bé, nỗi hoang mang bao trùm ngôi trường nơi xảy ra sự việc.
Tôi tình cờ hẹn được chị H., một người mẹ của 2 em học sinh khác đang theo học ở trường Gateway. Giữa sức nóng dồn dập của dư luận, mọi sự chú ý đổ dồn vào ngôi trường Gateway cùng những câu hỏi và khuyến cáo tới tấp vào phụ huynh, như “Nên chuyển trường cho con đi”, “Phụ huynh phải lên tiếng trừng phạt thích đáng những cá nhân sai phạm đi”, “Cho con nghỉ học một thời gian đi…”, chị H. vẫn bình tĩnh và đưa ra những nhận định khách quan nhất trong câu chuyện này.
Chúng ta phải trừng phạt ai?
Cá nhân chị là một người mẹ, một phụ huynh tại Gateway, chị đón nhận như thế nào trước thông tin một bé trai 6 tuổi tử vong – với một lý do không tưởng: bị bỏ quên 8 tiếng trên xe đưa đón của nhà trường?
Từ thời điểm 20h tối 8/6 cho đến bây giờ, khi tôi đang nói chuyện với bạn, tôi không ngủ một chút nào. Có thể bạn chưa lập gia đình, bạn chưa có con nhỏ, bạn sẽ không thể hiểu cảm giác của tôi hay bất cứ một bà mẹ nào khác, khi mà một cháu nhỏ, có cái gì đó gần gũi với con mình, phải ra đi trong xót xa như thế. Một em bé chỉ mới đến trường ngày thứ 2, thậm chí còn chưa dự lễ khai giảng, chìm vào giấc ngủ mà không bao giờ tỉnh lại nữa.
Không tiền bạc nào có thể so sánh với tính mạng con người và cũng không tiền bạc nào có thể mua lại được một sinh linh đã mất.
Thẳng thắn chia sẻ, Gateway là một trường có học phí không rẻ. Các bố mẹ cho con đi học ở đây, tạm thời coi là những người “có tiêu chí cao” 1 cách nhất định. Họ cũng sẽ có những kì vọng lớn đối với con mình, quan tâm tới môi trường giáo dục, giáo trình học, chế độ dinh dưỡng,… Nhưng không một ai nghĩ, con mình đến trường bằng xe bus liệu có an toàn hay không?
Tôi vốn nghĩ khi gửi con bằng xe bus sẽ rất yên tâm. Ít nhất là ở khoản “đi đến nơi về đến chốn”, “giao” con ở điểm cố định lúc đầu ngày cho “trường”, “nhận” con ở điểm cố định lúc “cuối ngày” từ “trường”, giờ giấc thì chuẩn chỉ. Dù vậy, gia đình tôi đến nay đều tự đưa đón hoặc nhờ người nhà đưa đón con.
Sốc, ám ảnh, bật khóc và bắt đầu lo lắng. Đấy là chuỗi trạng thái tâm lí mà hiện giờ, rất nhiều người mẹ có con học tại Gateway đang phải trải qua.
2 đứa con của chị đối mặt với chuyện này như thế nào, khi các cháu biết rằng có một người bạn cùng trường vừa ra đi?
Quan điểm của tôi là các con cần có khả năng đối diện với sự thật, có sự đồng cảm với câu chuyện đau lòng và rút ra bài học cho chính mình. Nếu như có một thứ gì đó tạm gọi là số phận của bố mẹ và của em bé đó, mọi người đều rất đau lòng. Nhưng nếu như sự ra đi của em ấy có thể mang lại bài học ý nghĩa hoặc tác động bộ máy vận hành thay đổi toàn bộ, hãy xem đó cũng là một điều tốt đẹp.
Đương nhiên chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Chẳng ai rõ sẽ còn bao nhiêu nạn nhân khác, dù trước đó đã từng xảy ra ở một số trường học khác trong vòng nhiều năm qua, tiếp tục bị “bỏ quên” trên xe đưa đón. Sự ra đi của em ấy như một hồi chuông cảnh tỉnh, để các trường học khác soi vào đó mà xem lại quy trình đón – trả học sinh, để các bạn nhỏ khác sẽ không phải có kết cục đau lòng như thế. Tất nhiên, không ai muốn bản thân mình, con mình hay người thân mình, mang sứ mệnh đấy cả. Nhưng đây là chuyện đã xảy ra, tôi hy vọng bố mẹ em ấy có thể tự hào rằng con trai mình đã có một hành trình tuy ngắn nhưng vẫn ý nghĩa.
Em bé đó đã giúp một gia đình khác, giúp tôi, giúp con tôi và giúp cả các bạn có thêm khả năng tự vệ mỗi khi gặp rủi ro.
Đây không phải câu chuyện của riêng bất cứ trường học nào. Tôi đổi trường cho con, liệu có chắc chắn vụ việc tương tự không xảy ra? Nếu không ở trường này, có thể là trường khác nếu chúng ta tiếp tục mắc sai lầm. Xin đừng đổ lỗi cho trường học, nó đơn giản chỉ là một ngôi trường, quan trọng là người vận hành và quản lý nó!
Tôi không quá phẫn nộ đến mức muốn con phải chuyển trường ngay lập tức hoặc đóng cửa trường học. Tôi đã kể cho 2 đứa con của mình nghe vì thực ra, không ai biết được những rủi ro nào có thể ập đến với cuộc sống của mình. Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm, là hãy biết cách tự bảo vệ chính mình.
Chị nghĩ như thế nào về những phản ứng dữ dội bùng nổ trên mạng xã hội: Người ta hô hào nhau “tẩy chay” Gateway và kêu gọi phụ huynh tìm trường khác cho con?
Khi tôi đọc những phản ứng dữ dội của mọi người trên mạng xã hội, tôi nghĩ rằng đã có một “vật tế thần” thứ 2 trong vụ việc thương tâm này, là tài xế xe bus, là cô monitor và là giáo viên chủ nhiệm. Những người này phải trả giá cho cái chết của em bé 6 tuổi và nhận cơn phẫn nộ của cộng đồng.
Nhưng, thực sự tôi không muốn cộng đồng lại vô tình tạo ra thêm những nạn nhân nữa. Bản thân họ là người lao động.
Cô monitor nghe danh làm việc tại một ngôi trường “quốc tế”, học phí đắt đỏ cả trăm triệu nhưng mức lương chưa đến 4 triệu đồng mỗi tháng. Đây không phải cô giáo, không nằm trong biên chế của trường. Đây là vị trí được các trường coi là lao động phổ thông, là người đón học sinh lên xe từ các điểm đón vào buổi sáng, đến trường thì thả các con vào cổng trường, chiều thì làm công việc ngược lại.
Cô được trường phát cho 1 tờ giấy ghi “giờ đón”, “giờ trả”, nghĩa là quản lí 2 khâu “đầu – cuối”, hoàn toàn không quản lí “khúc giữa”. Nên sẽ không có khâu như: đầu ngày đón lên xe 10 học sinh vào các thời điểm khác nhau, nhưng lúc 7h30 thì đã “bàn giao” cho trường/ đại diện trường/ nhân sự của trường đủ 10 học sinh này. Phía trường cũng không có ai làm khâu nhận bàn giao này. Trường mặc định cô đón bao nhiêu học sinh sẽ “giao đủ” bấy nhiêu học sinh qua ranh giới cổng trường.
Cô phải chịu trách nhiệm ấy từ sáng đến chiều.
Còn chủ xe, anh ta cũng rất đáng thương. Chẳng ai lại mong có một cháu bé hay bất cứ ai, tử vong trên chiếc xe của mình. Họ là nhân sự thuê ngoài. Với họ, lái xe đưa đón học sinh thì cần đưa-đón đúng giờ, cẩn thận và thái độ hòa nhã. Nhưng tiêu chí đầu tiên để được nhận làm lái xe đưa đón trẻ cho trường quốc tế không phải 3 điều trên, mà là “xe có mới không”, “xe có tốt không”. Họ không nhận được yêu cầu nào phải kiểm đếm học sinh cho mỗi chuyến. Phận sự ưu tiên của họ là lái xe an toàn và đúng giờ.
Đây là 2 nhân sự chủ chốt trong quy trình “giao nhận” học sinh, nhưng họ hoàn toàn là nhân sự thuê ngoài, không có bất kì kết nối trực tiếp nào với trường. Đây có lẽ là nguyên nhân đầu tiên của việc Gateway “thất thoát”, “bỏ quên” hẳn 1 học sinh khoảng 8 tiếng trong xe kín. Và tiếp nối là các lỗi quản lý, tắc trách của nhân sự các khâu phía sau nên đã không có ai phát hiện ra việc bố mẹ đã gửi con lên xe đến trường, nhưng con không hề được bước chân khỏi xe để vào trường.
Bố mẹ gửi con cho trường tin tưởng trường sẽ trách nhiệm với con mình (cả về tình và lý thì các trường đều phải làm điều này), nhưng hóa ra trên thực tế thì trường giao luôn con của các bố mẹ cho 2 nhân sự mà trường chả có kết nối và dường như trường cũng chả quan tâm gì.
Mọi người, vì không hiểu quy trình quản lý của Gateway nên quay sang “mắng chửi” giáo viên chủ nhiệm. Nhưng không giống với trường công, GVCN nếu thấy học sinh vắng mặt hay gặp bất cứ việc gì, họ không thể gọi điện trực tiếp báo cáo phụ huynh. Họ phải vào ứng dụng của nhà trường và cung cấp thông tin. Trách nhiệm của GVCN đến đó là hết. Một bộ phận khác trong trường sẽ thông tin tới phụ huynh học sinh. Ở trường Gateway, cơ bản phụ huynh cũng có thể không cần biết GVCN là ai cũng được. “Quy trình” hoàn toàn dựa vào ứng dụng, không có sự liên lạc giữa người và người, nên khi có trường hợp “hy hữu” thế này xảy ra mới phát sinh vấn đề nghiêm trọng.
Khi có chuyện gì xảy ra, cộng đồng sẽ trút hết tội lỗi lên những người như thế. Dưới góc độ của mình, tôi muốn có tiếng nói gì đó khác với những thứ tôi nghe thấy. Tôi có thể bị chỉ trích là đang bảo vệ họ, nhưng tôi nghĩ tôi không sai. Tôi bảo vệ bằng cách chỉ ra vấn đề nằm trong lỗi quy trình và họ chỉ là mắt xích trong quy trình đó thôi, họ không phải là thủ phạm.
Chúng ta phải trừng phạt ai? Ai là thủ phạm thực sự? Đấy là chuyện của cơ quan điều tra, của pháp luật, không phải của chúng ta.
Vụ việc đã xảy ra rồi, chúng ta phải làm gì? Cá nhân tôi, tôi luôn muốn có thể làm được điều gì đó tốt hơn cho học sinh, phụ huynh hay những ngôi trường khác, thay vì phẫn nộ và hận thù. Chúng ta nên nhìn vào thực tế những gì đang diễn ra với quy trình đưa đón và trả trẻ bằng xe bus, không chỉ riêng Gateway mà bất cứ hệ thống trường học nào cũng có thể mắc phải.
Hệ thống giáo dục nào cũng sẽ có sai sót, nhưng cách “vá lỗi” thế nào mới là điều đáng bàn
Có những luồng ý kiến cho rằng bố mẹ không nên phó mặc con cho nhà trường, cho xe đưa đón mà phải tự mình đưa rước con tới trường. Chị nghĩ gì về quan điểm này?
Tại sao câu chuyện em bé 6 tuổi tử vong trên xe bus tạo cho tôi sự ám ảnh và suy nghĩ nhiều như thế? Bởi vì khi ấy tôi đặt địa vị mình là bố mẹ của em học sinh. Tôi có thể làm điều gì khác so với những gì bố mẹ em ấy làm hay không? Không ai tưởng tượng nổi con họ sẽ chết ở trên xe. Đa phần mọi người đều thấy đây là phương thức an toàn, không có khâu nào để “rơi rớt” con em.
Tôi cũng như những phụ huynh khác, tìm hiểu thật kĩ, đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định chọn Gateway cho con vì mong con được vui. Con đi học là phải để vui và con được tôn trọng, chứ không phải áp lực thi cử học hành. Ít nhất với tôi, tôi trả tiền để con được vui vẻ và được là chính nó. Khởi điểm của một người bố hay người mẹ, đều mong muốn chọn cho con mình một ngôi trường tốt nhất.
Không thể nói những người gửi con đi học bằng xe bus lại là những người vô trách nhiệm. Đấy đơn giản là một sự lựa chọn giữa hàng ngàn lựa chọn khác. Không phải lỗi của tôi, hay bất cứ ông bố bà mẹ nào khác, để dẫn đến sự việc đau lòng này, là đã gửi con vào đó. Khi đã là bố, là mẹ, ai rồi cũng đều cố gắng làm điều tuyệt vời nhất. Chỉ tiếc là, điều không may xảy đến với cháu bé.
Cuộc đời ai cũng có sai lầm. Nếu coi sai lầm của bố mẹ là đã gửi con vào trường Gateway đi chăng nữa, thì bất cứ ai cũng có thể phạm phải. Cho dù họ gửi con ở ngôi trường quốc tế nào khác, liệu câu chuyện đau lòng tương tự chắc chắn sẽ không xảy ra?
Nếu quy trách nhiệm hoàn toàn cho bố mẹ, thì cũng phải sòng phẳng một điều, một xã hội muốn vận hành buộc phải có niềm tin ở nhau. Phụ huynh sẽ không thể đổ trách nhiệm cho nhà trường vì nghĩ rằng họ có tiền, họ đẩy con vào trường mang danh quốc tế rồi không quan tâm gì nữa.
Cách xử lý khủng hoảng của Gateway như thế này liệu có làm hài lòng nạn nhân và cả phụ huynh có con đang theo học tại đây?
Bất cứ một trường học hay hệ thống giáo dục nào, kể cả là tốt nhất trên thế giới, cũng từng sai. Nhưng cách “vá lỗi” thế nào mới là điều đáng bàn. Lần này, Gateway đã gây ra lỗi quá khủng khiếp. Một đứa trẻ mất đi, họ không thể giúp bé sống lại và tiếp tục đến trường. Cách họ làm là chiều lòng những “khách hàng” hiện tại và trong tương lai.
Dưới góc độ kinh doanh, tôi là người mua sản phẩm giáo dục của Gateway. Hay nói cách khác, tôi là khách hàng của họ. Dư luận như nào, chúng tôi có tiếng nói phản ánh, Gateway sẽ phải điều chỉnh theo để vừa lòng khách hàng.
Gateway có sai sót, bạn cho họ cơ hội sửa sai, thì họ sẽ rất cầu tiến sau này. Nhưng quả thực, cộng đồng chưa đủ bình tĩnh để nhìn theo cách đấy, ngược lại, giải pháp tạm thời này của Gateway sẽ bị xem là “mất bò mới lo làm chuồng”.
Gateway phát triển nền tảng giáo dục không bằng quảng cáo chất lượng của mình, họ chứng minh bằng kết quả. Nếu như để có một điều đó đến nay tôi không hài lòng nhất ở trường và mong muốn cho con thôi học, cá nhân tôi, đương nhiên không hẳn xuất phát từ sự việc đau lòng của bé trai 6 tuổi. Chúng ta cần nhìn xa và sâu hơn, về cách họ xử lý khủng hoảng này như thế nào.
Tất cả những thông tin và xin lỗi trong TCBC của Gateway, tôi không cảm nhận được một cái gì gọi là tình người trong đó. Tất nhiên khi làm nên một cơ đồ kinh doanh khổng lồ như Gateway, chúng ta phải thẳng thắn, họ là những người rất giỏi, rất đáng được khâm phục. Với một sản phẩm giáo dục, đó là một thứ sản phẩm kinh doanh rất đặc biệt. Nó liên quan đến con người nên người làm sản phẩm ngoài lí trí và một cái đầu lạnh ra, họ còn cần một trái tim ấm nóng.
Tôi mua sản phẩm giáo dục từ họ. Dưới góc độ kinh doanh, họ rất chiều khách hàng và đáp ứng thị trường. Thế nhưng, dưới góc độ nhân văn, họ thiếu đi cái tình. Cách họ xử lý khủng hoảng thiên về lí trí. Sản phẩm hỏng chỗ nào, họ sửa và bồi thường chỗ đó, chấm hết!
Điều mà phụ huynh Gateway nói riêng và những ông bố bà mẹ nói chung nên làm cho con em mình sau sự việc đau lòng này là gì, thưa chị?
Trước khi có bất cứ sự điều chỉnh hay hoàn thiện về quy trình đón – trả trẻ từ các nhà trường, chúng ta thử tự cân nhắc xem có thể làm trước điều gì để bảo vệ tính mạng con em chính mình không?
Các bố mẹ đang và vẫn có nhu cầu gửi con đến trường bằng xe bus cần yêu cầu nhà trường gửi quy trình đón trả trẻ hàng ngày. Từ quy trình này các bố mẹ có thể đề xuất bổ sung hoặc yêu cầu những khâu nào bắt buộc phải có. Với sự chia sẻ ý kiến của mọi người, chúng ta hi vọng không bao giờ có câu chuyện đau lòng thế này xảy ra.
Vì mỗi đứa trẻ đều xứng đáng được sinh ra và lớn lên khoẻ mạnh.
Cảm ơn những chia sẻ của chị H.