Các khu vui chơi, siêu thị, quán trà đá vỉa hè, hay bất cứ khu vực nào hiện giờ, người Hà Nội đều trang bị khẩu trang như vật “bất li thân” để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán. Trước tình hình diễn biến phức tạp của chủng virus Corona mới, chúng ta cần bình tĩnh, đặc biệt tỉnh táo không chia sẻ những thông tin gây hoang mang.
Chiều 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tại Việt Nam.
Dịch Corona khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) xảy ra tại Việt Nam từ ngày 23/1 (khi xác định người đầu tiên mắc bệnh), do chủng mới của virus Corona gây ra. Đến nay, cả nước có 6 người mắc bệnh, 3 địa phương có dịch là Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa.
Chính phủ đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch là “bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu”, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Người Hà Nội đeo khẩu trang khắp mọi nơi phòng dịch bệnh Corona
Trước tình hình phức tạp của dịch, nhiều ngày qua, người dân Hà Nội bên cạnh việc tiếp nhận thông tin, đã đổ xô đi mua khẩu trang, nước sát trùng và hạn chế ra đường. Đây là lần đầu tiên, người Hà Nội đeo khẩu trang ở khắp mọi nơi, từ khu vui chơi, siêu thị, quán cà phê, trà chanh, trà đá, chợ dân sinh,…
Ý thức được sức ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch virus Corona, người Hà Nội rèn thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra đường.
Một đại gia đình dạo chơi hồ Gươm trong chiều thứ 7.
Để tự bảo vệ bản thân, người dân buộc phải đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi.
Nhóm người nước ngoài sang Việt Nam du lịch đeo khẩu trang ngồi trên xe ngắm cảnh quan Hà Nội.
Dịch bệnh Corona diễn biến rất phức tạp, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn thế giới.
Trẻ nhỏ được bố mẹ trang bị khẩu trang giữa thời điểm dịch bệnh Corona.
Đây được xem là lần đầu tiên người Hà Nội đồng loạt đeo khẩu trang khắp mọi nơi.
Dù hơi vướng víu lúc ăn uống, nhưng hiện nay, đeo khẩu trang là một trong những cách đề phòng dịch bệnh.
Bên trong các quán trà đá, trà chanh, hay cà phê, người dân bắt đầu đeo khẩu trang.
Ở khu vực chợ dân sinh, các cô bán hàng đeo khẩu trang do đặc tính công việc phải tiếp xúc với nhiều người.
Trong một siêu thị lớn tối 1/2, hầu hết khách hàng đều đeo khẩu trang.
Trong khi đó các nhà thuốc đang dần hết khẩu trang.
“Chúng ta cần bình tĩnh, đặc biệt tỉnh táo không chia sẻ những thông tin gây hoang mang dư luận”
Trời Hà Nội chuyển lạnh hơn so với hôm trước, phố đi bộ Hồ Gươm không bị rào chắn đường do lịch nghỉ Tết tới hết ngày mùng 9 tháng Giêng, người dân vẫn đổ về đây tranh thủ vui chơi ngày cuối tuần. Hầu hết, ai cũng đeo khẩu trang, xem nó như vật “bất li thân” vào thời điểm dịch Corona đang hoành hành.
Anh Kiên cùng vợ và 2 con là bé Hoàng Bảo Chi (9 tuổi, học sinh trường Việt Úc) và bé Nguyệt Phong (6 tuổi) dạo bộ xung quanh hồ Gươm. 2 đứa trẻ được trang bị loại khẩu trang chuyên biệt, phòng tránh dịch bệnh cũng như hạn chế tác động từ ô nhiễm môi trường.
Bảo Chi được tiếp cận thông tin về dịch Corona rất tốt từ nhà trường và gia đình. Anh Kiên đã hướng dẫn 2 con các biện pháp vệ sinh, đeo khẩu trang đúng cách. Cô bé biết được rằng việc đeo khẩu trang trong lúc đi chơi là hết sức cần thiết, khi mà 4 công dân Việt Nam mới đây được xác nhận dương tính với virus Corona.
“Theo em biết, dịch Corona là dịch viêm phổi từ Vũ Hán, Trung Quốc và hiện nay trở thành đại dịch trên khắp thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Con virus này đã “xâm nhập” vào 22 quốc gia. Em thấy đeo khẩu trang không hề bất tiện, vì đó là việc tốt cho sức khoẻ. Từ ngày có dịch, nhà trường cho bọn em được nghỉ học, tới hết ngày 8/3″ – Bảo Chi nói.
Anh Kiên cùng vợ và 2 con lên phố đi bộ dạo chơi.
Nhận thấy nên tập thói quen đeo khẩu trang cho cả gia đình từ ngày Hà Nội được cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng, anh Kiên và vợ đã mua sẵn nhiều hộp khẩu trang tích trữ trong nhà. Mức giá mua trước khi có dịch được niêm yết sẵn, nên anh không phải “trả giá” hay chen chân đợi mua từng hộp khẩu trang với giá cả đắt đỏ, “leo thang” từng giờ như hiện nay.
“Ngoài ra, thông tin hiện nay thực sự đang rất nhiều, mạng xã hội tràn lan và “hơi quá” so với mức độ ảnh hưởng thực tế đến đời sống con người. Chính việc nhiễu loạn này tác động tiêu cực và xấu đến toàn xã hội. Chúng ta cần bình tĩnh, đặc biệt tỉnh táo không chia sẻ những thông tin gây hoang mang dư luận” – anh Kiên nói.
Bạn Trần Đăng Khoa, 21 tuổi, sinh viên một trường ĐH trên địa bàn Hà Nội, đeo 2 chiếc khẩu trang y tế, cắm cúi chạy thể dục quanh hồ Gươm. Khoa nói cậu rất lo sợ và hoang mang trước diễn biến của dịch viêm phổi Vũ Hán. Vì gia đình làm nghề dệt vải nên Khoa đã mua rất nhiều khẩu trang trước Tết vừa phục vụ công việc vừa chuẩn bị tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
“Mình đeo 2 khẩu trang, 1 chiếc vào thời điểm này mình nghĩ là không đủ, thường xuyên rửa tay, đồng thời chạy bộ và đạp xe mỗi buổi tối để nâng cao sức khoẻ trong thời điểm dịch. Trường chưa có thông báo cho sinh viên nghỉ học, nên mình phải tự rèn luyện để bảo vệ bản thân. Mình nghĩ các bạn sinh viên không nên thờ ơ trước tình hình dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc chốn đông người, tập thể dục thể thao, năng vận động cơ thể, giữ vệ sinh thân thể, nhà cửa sạch sẽ thoáng khí,…” – Khoa chia sẻ.
Bạn Khoa cho rằng thời điểm này phải đeo 2 khẩu trang chứ 1 chiếc là không đủ!
Trong khi đó, anh Cường (35 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) trong lúc đứng đợi khách, tranh thủ cập nhật tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Anh cho biết công việc này buộc anh phải tiếp xúc với rất nhiều người, di chuyển giữa nhiều địa điểm khác nhau mỗi ngày. Anh luôn xem việc đeo khẩu trang kín toàn bộ khuôn mặt kết hợp với một số loại khăn quàng là điều nhất thiết từ ngày nhận cuốc xe đầu tiên, chứ không phải đến thời điểm dịch bệnh bùng phát mới hốt hoảng như cánh tài xế khác.
“Mình còn phải rửa tay, vệ sinh mặt điện thoại, xe máy vào cuối ngày, đảm bảo an toàn hết mức để hạn chế các mầm bệnh. Dịch Corona một phần khiến người dân lo lắng, nhưng quan trọng nhất phải biết bảo vệ chính mình. Cá nhân mình thường xuyên nhắc nhở hành khách nên đeo khẩu trang thời điểm này, để giữ cho mình mà cũng là giữ cho những người xung quanh” – anh Cường nói.
Anh Cường thường bịt kín mặt mỗi khi ra đường làm việc.
“Nhiều người nói đùa là giá khẩu trang tăng nhanh hơn giá thịt lợn hơi, chú thấy cũng đúng”
Chú Hùng, 66 tuổi, trong cuộc đời đã lần lượt trải qua thời kì những bệnh dịch kinh khủng khác như SARS hay cúm gà H5N1. Đi qua bao mùa dịch, điều chú tâm đắc nhất, đúc kết nhất, rằng “cứ bình tĩnh, dịch nào cũng thế, con người cần bình tĩnh tiếp nhận thông tin và có các biện pháp phòng ngừa”.
“Qua đài báo, chú được biết dịch viêm phổi Vũ Hán xâm nhập theo những người trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Dịch tác động bên ngoài, có thể lây lan, nên phải tự đề phòng cho bản thân. Ngoài cách đeo khẩu trang, chú tập thói quen ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường thể dục thể thao, vệ sinh nhà cửa, chân tay hàng ngày, luôn luôn dùng thuốc sát khuẩn khi từ ngoài đường về, hạn chế đến những nơi công cộng đông người” – chú Hùng nói.
Trước đây, mỗi dịp xuân sang, chú Hùng tranh thủ thời gian rảnh rỗi tham gia một số lễ hội để giải tỏa tâm lý. Tuy nhiên, đến bây giờ, các con khuyên ngăn, dặn vợ chồng chú nên ở nhà, không nên đến nơi đông đúc dễ tiếp xúc với các mầm bệnh.
“Trước mắt Nhà nước đã hạn chế các lễ hội, khử trùng các trường học. Nếu biện pháp gắt gao hơn là cho học sinh nghỉ học, tiếp tục cắt giảm các hoạt động vui chơi khác trên địa bàn, như vậy sẽ giúp hạn chế lây lan dịch bệnh Corona”, chú tâm sự.
Sau khi mua vài chiếc khẩu trang với giá 7.000 đồng/ chiếc, đắt gấp 6-7 lần so với trước, chú Hùng bảo “xót tiền” nên chỉ dám mua một số khẩu trang, không đủ mua cả hộp vì lương hưu không nhiều. Chú tính dùng tiết kiệm, tránh ra đường, chỉ đạp xe những lúc vắng người, buổi chiều đi bộ khoảng 1 tiếng để rèn luyện sức khoẻ.
“Nhiều người nói đùa là giá khẩu trang tăng nhanh hơn giá thịt lợn hơi, chú thấy cũng đúng. Từ trước giờ có ai nghĩ đến dùng khẩu trang đâu, chỉ một số người cẩn thận mới sử dụng, còn lại đều thấy khẩu trang vướng víu, khó thở. Sau khi Việt Nam xuất hiện dịch, người dân đều tự ý thức mua khẩu trang tự bảo vệ bản thân. Cuộc sống đang tốt đẹp như này mà bị ốm rồi phải cách ly thì cũng xót xa lắm” – chú Hùng nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, dọc con đường đi bộ trên hồ Gươm xuất hiện nhiều nhóm tình nguyện của các tổ chức khác nhau tiến hành phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Hành động này nhằm “xoa dịu” phần nào hình ảnh xấu xí của một số hiệu thuốc, cơ sở y tế tranh thủ đẩy giá khẩu trang cao gấp 6 – 7 lần những ngày qua.
Một nhóm bạn trẻ gồm 10 người đã chủ động trích tiền quỹ hoạt động, mua khẩu trang giữa thời điểm mức giá cao, và chủ động phát cho người dân xung quanh hồ Gươm.
“Bọn mình muốn chia sẻ với người dân, để những ai chưa kịp mua khẩu trang có thể nhận từ 2 đến 3 chiếc, trên tinh thần cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Mọi người rất vui khi nhận món quà nhỏ, cũng có những lời cảm ơn, giúp chính bản thân bọn mình cũng vui lây, chỉ mong mỗi người có thể tự chăm sóc bản thân tốt nhất” – đại diện nhóm bạn chia sẻ.
Một bạn khác cũng cho biết thêm, ngày thường sẽ không đeo khẩu trang, nhưng khi bùng phát dịch bệnh, mỗi ngày đều đeo 2 chiếc, mấy tiếng lại thay, tính ra trung bình sử dụng từ 10 – 15 khẩu trang, để đảm bảo sức khoẻ hiện nay.
“Dịch bệnh xuất hiện bất ngờ, chúng ta không thể lường trước được. Việc mà mỗi cá nhân có thể làm là tự giác bảo vệ và chăm sóc bản thân mình, đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân thường xuyên. Mình cảm thấy như trong phim, dịch bệnh rất nhanh khiến mình lo lắng và sợ hãi”.
Minh Nhân, theo Trí Thức Trẻ