Người góp phần để Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy sống với thời gian

Tháng 2-2023, chúng tôi có dịp dự Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy – một lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh. Lễ hội là nét sinh hoạt văn hóa dân gian của người Thái từ lâu đời, được các thế hệ người Thái nơi đây nuôi dưỡng, lưu truyền đến ngày nay, thu hút cộng đồng các dân tộc trong thôn cùng tham gia.

 

Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước (áo dài xanh) trong lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy tổ chức tháng 2-2023.

Xưa kia, việc tổ chức “Lăm chá Kin chiêng boọc mạy” ở thôn Rộc Răm do dòng họ Hà (dòng dõi nhà Mo từ Mường Khoòng, Bá Thước di cư tới). Ngoài ra, thầy mo còn chọn người dòng họ Lò (Lô) để giúp thầy tổ chức lễ gọi là bào chớ (nam), sao chớ (nữ). Sau này, dòng họ Hà không còn người đủ khả năng để truyền “mo” nữa nên quyết định truyền nghề cho dòng họ Lò (Lô). Cũng từ đó, việc tiến hành “Lăm chá Kin chiêng boọc mạy” trong làng, bản do dòng họ Lô đảm nhiệm.

Ông Lô Đình Ước là đời thứ 9, thầy Mo giúp dân làng chủ trì tục “Lăm chá Kin chiêng boọc mạy”. Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy – Hát múa ăn mừng dưới cây bông của làng Rộc Răm, xã Xuân Phúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Ông Lô Đình Ước (sinh năm 1946) được công nhận Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2018. Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy diễn ra thành công trong đó có vai trò quan trọng của Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước. Ông là người tiến hành các nghi thức quan trọng như tế lễ thần linh, mường trời, thổ địa, thần núi, thần rừng, thành hoàng; làm lễ cơm mới, lễ cầu may, cầu mát, giải hạn, cầu lành cho dân; hướng dẫn cộng đồng tổ chức chơi “bói hoa”, diễn tả một số trò chơi dân gian mô phỏng việc lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người xưa, trong xã hội Thái cổ truyền.

Trước kia dân làng Rộc Răm tổ chức lễ hội vào dịp tháng giêng, tháng hai, theo chu kỳ cứ ba năm làm “đại”, hàng năm làm “tiểu”. Năm làm “tiểu” diễn ra ở phạm vi các gia đình, còn những năm dân làng tổ chức làm “đại” thì tục lệ này được diễn ra tại Đền Cấm – nơi làng thờ thành hoàng làng là ông Trần Công Bát.

Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy – Hát múa ăn mừng dưới cây bông, diễn ra với mục đích tạ ơn thần linh, mở hội ăn mừng sau một năm lao động để cầu cho dân làng bình an, mạnh khỏe, ngô lúa tốt tươi. Cây bông được xem là “linh hồn” của lễ tục, tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi, trù phú của bản mường, sự bảo tồn nòi giống của tự nhiên. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9 tầng. Cây bông trong lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy thôn Rộc Răm được làm 9 tầng (tương xứng với đời Mo thứ 9), mỗi tầng có hàng trăm nhánh.

Đến với lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, được hòa vào các trò chơi, trò diễn bên cây bông; chứng kiến các nghi thức tế lễ thần linh do Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước thực hiện, càng hiểu thêm ý nghĩa quan trọng của lễ hội trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái nói riêng, cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống ở thôn Rộc Răm nói chung. Trăn trở của nghệ nhân Lô Đình Ước là muốn truyền dạy di sản này cho nhiều người trong cộng đồng, nhất là cho lớp trẻ để di sản có sức sống lâu bền, không bị mai một.

Tại lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, ở tuổi gần 80, Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước vẫn thể hiện các bài cúng, lời khặp da diết, trầm bổng:

“Phia ơi ngài đang ngủ hay đang thức

Nàng mường tôi đến mời ngài dậy để xuống lương gian

Mường tôi nay làm lễ kin chiêng boọc mạy

Hoa rừng nở tháng 2, hoa vông nở khắp mường khắp bản

Chim toen khoen gọi mùa cơm mới

Nàng mường tôi mời phia xuống mường

Ngài xuống mường tôi, mừng lăm chá

Ngài xuống mường dưới, mừng lễ kin chiêng”

(Bài Khặp đánh thức “Phia” Then – Vua trời).

Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước được ví như cây “đại thụ” góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, là “linh hồn” lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, vì vậy luôn dành sự kính trọng, ngưỡng mộ đối với ông. Vừa qua, khi biết tin Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước qua đời do bạo bệnh, nhiều người không khỏi tiếc thương.

Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc Nguyễn Hữu Sang cho biết: Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy là nét văn hóa dân gian của người Thái có từ lâu đời, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được Nhà nước công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy là sự nỗ lực, chung tay của bà con Nhân dân thôn Rộc Răm cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó có những đóng góp quan trọng của Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước.

Thời gian qua, Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước đã truyền dạy cho con và một số người dân thôn Rộc Răm các nghi lễ cúng thần linh trong lễ hội. Người dân thôn Rộc Răm cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương định hướng, lựa chọn người đủ khả năng, được Nhân dân tín nhiệm để tiếp nối vai trò chủ đạo, dẫn dắt lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, tiếp tục duy trì, phát huy giá trị lễ hội trong đời sống cộng đồng các dân tộc thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-gop-phan-de-le-hoi-kin-chieng-booc-may-song-voi-thoi-gian/192219.htm