Người đàn ông giết vợ và con gái rồi tự tử bất thành có thể bị tử hình

Các chuyên gia cho rằng hành vi của người đàn ông giết vợ và con gái rồi tự tử bất thành có thể phải chịu hình phạt tử hình.

Trước đó, như Pháp luật Plus đã đưa tin, ngày 8/3, Công an huyện Đông Anh, TP Hà Nội có nhận tin báo trên địa bàn huyện xảy ra vụ việc chồng sát hại vợ và con gái 7 tuổi.

img-bgt-2021-157530447-260275162258068-2721677397169607847-n-1615275011-width1280height720-1532

Cáo phó của 2 nạn nhân.

Theo đó, thời điểm xảy ra vụ việc vào trưa cùng ngày (8/3), người chồng đã dùng dao sát hại vợ và con gái 7 tuổi, sau đó tự tử nhưng không thành.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định nạn nhân là chị Đào Thị H (SN 1983) và con gái là cháu Nguyễn Thị DP (SN 2014, đang tạm trú tại huyện Đông Anh).

Thông tin đến cơ quan Báo chí, một lãnh đạo tại huyện Đông Anh cho biết người chồng vẫn đang được cấp cứu tại bệnh viện. Chúng tôi đang chờ sức khoẻ nghi phạm này ổn định mới có thể làm việc, lấy lời khai để làm rõ nguyên nhân vụ án mạng.

Chiều ngày 9/3, trao đổi với phóng viên Tòa soạn Pháp luật Plus, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết hiện tại, Công an huyện Đông Anh đang xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Đến chiều ngày 10/3, sau hai ngày được đưa vào bệnh viện cấp cứu, sức khoẻ của người chồng đã không còn nguy hiểm đến tính mạng, các vết thương đang được điều trị hồi phục. Tuy nhiên, nghi phạm vẫn chưa thể làm việc với cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ án mạng.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Thị Nhung – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: Hành vi sát hại vợ và chính người con ruột mới 8 tuổi của nghi phạm là một tội ác. Chưa xét đến quy định của pháp luật, hành vi này đã hoàn toàn trái với luân thường đạo lý, trái với đạo đức xã hội. Hổ dữ còn không căn thịt con nhưng người đàn ông này lại nhẫn tâm sát hại chính đứa con bé bỏng chưa đầy 10 tuổi của mình.

Về mặt pháp luật, hành vi của người đàn ông đã hoàn toàn đủ các yếu tố cấu thành tội “Giết người” theo khoản 1, điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với hình phạt nặng nhất là tử hình:

“Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn”.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ nguyên nhân, động cơ gây án của đối tượng, từ đó làm căn cứ để đưa ra hình phạt thích đáng nhất dành đối tượng gây án – Luật sư Nhung chia sẻ thêm.

Dưới một khía cạnh khác, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Nga, giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ thêm: Sự việc có sự quan tâm đông đảo của dư luận, vì vậy, việc cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối tượng vi phạm pháp luật nhằm nghiêm trị, mang tính răn đe là hết sức cần thiết.

Điều này vừa tránh gây hoang mang, lo sợ cho người dân vừa mang tính làm gương, tránh phát sinh những sự việc tương tự có thể xảy ra.

 

Theo Gia Hải (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/tu-van-phap-luat/nguoi-dan-ong-giet-vo-va-con-gai-roi-tu-tu-bat-thanh-co-the-bi-tu-hinh-d150598.html