Hàng trăm người thân, hàng xóm đến tiễn biệt em Bùi Đinh Gia B về nơi an nghỉ.
Sau hơn 30 phút có mặt tại hiện trường ông Hiển đã lặn xuống đáy sông Đà cứu vớt được 3 học sinh gặp nạn đưa lên thuyền nhưng tất cả đều không còn sự sống.
8 năm không chết người nào, 1 vụ chết 8 người
Sáng 22/3, chính quyền địa phương, người thân tổ chức lễ đưa tang 8 học sinh đuối nước tử vong tại bãi sông Thịnh Minh, phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình xảy ra vào chiều 21/3.
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đến phố Phạm Hồng Thái (phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình – nơi 8 học sinh sinh sống) để gửi lời động viên tới gia đình các nạn nhân xấu số.
Đúng 9h 5 phút sáng linh cữu em Bùi Đinh Gia B (SN 2005, sinh Trung học trường Hữu Nghị) được người thân, gia đình, bạn bè đưa đi hoả táng tại Ba Vì, Hà Nội. Sau lễ tiễn đưa em B là các học sinh xấu số khác cách nhau khoảng 30 phút.
Được biết thời điểm các em gặp nạn vào chiều qua (21/3) có một người đàn ông trung tuổi đã cứu vớt được 3 em lên bờ nhưng đều đã tử vong.
Qua tìm hiểu của PV, người này là ông Nguyễn Ngọc Hiển (50 tuổi quê Nam Định, hiện đang sống tại phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình).
Sáng 22/3, trao đổi với PV về thời điểm phát hiện, cứu vớt các học sinh gặp nạn ông Hiển kể: Vào khoảng 15h35 phút ngày 21/3, khi đang ngồi uống nước ở nhà thì nhận được điện thoại của người cháu ruột thông báo ra bãi sông Đà gấp có nhiều học sinh đuối nước cần giúp đỡ.
Các học sinh tới viếng, tiễn đưa em Gia B về nơi an nghỉ.
Khi điện thoại vừa tắt, ông Hiển vội lấy xe chạy ra bãi Thịnh Minh. Ra đến nơi, ông đã thấy nhiều công an và người dân đang tìm kiếm các học sinh gặp nạn.
Lúc này, lực lượng Công an cứu hộ đã tìm thấy thi thể 1 học sinh nổi mập mờ gần bờ còn 7 em khác vẫn đang mất tích, nằm lại dưới lòng sông.
Qua giây lát quan sát, ông Hiển vội lao xuống lòng sông Đà để tìm kiếm những học sinh mất tích.
“Khoảng 15 phút xuống sông tôi tìm thấy cháu đầu tiên rồi đưa lên thuyền của công an. Sau đó, tôi lần lượt tìm thêm được 2 cháu khác, thi thể của tất cả các cháu nằm tách biệt nhau…”,ông Hiển kể.
Ông cho hay, khi tìm đến học sinh thứ 3 đã 16h chiều, đến giờ ông phải về để lái xe đón công nhân cho một Công ty của Nhật.
Nếu ông không về sẽ muộn giờ công nhân về làm và ảnh hưởng tới ca làm của các công nhân khác cũng như công ty.
Trước khi về ông quan sát kĩ lưỡng khu vực các học sinh gặp nạn và góp ý cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn nhờ sự giúp đỡ của dân chài quanh khu vực dùng các dây câu rà dưới đáy sông sẽ nhanh tìm thấy các học sinh còn lại.
Đến khoảng 17h, ông nhận tin lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể học sinh cuối cùng.
Trong câu chuyện với PV, ông cho biết mình là dân sông nước sống bên bãi Thịnh Minh gần 50 năm qua.
Đã đi qua nửa đời người bên bãi sông, ông đã chứng kiến hàng chục vụ đuối nước thương tâm tại bãi sông này.
Người thân đau đớn gào khóc khi linh cữu em B được đưa lên xe tang.
Trong trí nhớ của ông Hiển tại bãi Thịnh Minh cách đây khoảng 8 năm cứ 1 năm có người đuối nước. Khoảng 8 năm trở lại đây cho đến trưa 21/3 thì không xảy ra vụ đuối nước nào nhưng đến chiều thì xảy ra vụ thương tâm nhất khiến 8 nam sinh tử vong.
Theo nhận xét của ông Hiển bãi Thịnh Minh là bãi sông đẹp được nhiều người dân TP Hoà Bình ví là “bãi biển Hoà Bình”, bởi khu này có bãi cát, nước trong vào mùa hè hàng trăm người dân tới đây bơi lội.
Là người có gần 40 năm bơi, nặn trên sông Đà, đã từng cứu nhiều người đuối nước, ông cho hay dòng chảy của lòng sông rất phức tạp nếu không phải người có kinh nghiệm sông nước sẽ rất khó phát hiện sắp có xoáy nước hoặc vùng nước quẩn.
Đặc biệt tại khu vực bãi Thịnh Minh cách đây hơn 30 năm bị lạo vét cát rất nhiều.
Thời điểm đó, chỗ sâu nhất của bãi lên đến gần 30 mét, qua nhiều năm bồi lắng nên đến nay chỗ sâu nhất chỉ còn khoảng 10 mét.
“Nhìn mặt nước tại bãi Thịnh Minh có lúc rất yên ắng nhưng bên dưới có thể đang có dòng chảy ngầm hoặc nước quẩn nếu không phải người am hiểu sẽ khó có thể biết được điều này.
Có thể các cháu học sinh hôm qua gặp phải dòng nước quẩn nên đã xảy ra sự việc đau lòng…”, ông nhận định.
Kể về vị trí các học sinh gặp nạn, ông cho biết, các học sinh này nằm rải rác dưới lòng sông trong bán kính khoảng 70 mét. Cháu nằm ở chỗ nông nhất khoảng 3 mét còn chỗ sâu lên tới 5 – 6 mét.
Ông Nguyễn Ngọc Hiển trao đổi với PV.
Ngày hôm qua, nước sông Đà rất trong nên ngồi từ trên thuyền của công an nhìn xuống đáy ông có thể thấy thi thể các học sinh gặp nạn.
Tuy nhiên, để xuống vớt được các cháu lên bờ phải là người có nhiều kinh nghiệm, am hiểu dòng nước và chịu được áp lực khi nặn ở độ sâu lớn.
“Qua quan sát, tất cả 7 học sinh gặp nạn lúc tôi tham gia ứng cứu đều nằm úp, hai tay giang rộng chán hơi chạm xuống cát của đáy sông còn người cách đáy khoảng 20 cm.
Khi đưa lên bờ hầu hết các cháu đều không còn sự sống, nếu tôi phát hiện sớm hơn có thể sẽ không đau lòng như này…“, ông buồn rầu nói.
Cách phân biệt vùng nước an toàn, nguy hiểm
Theo chia sẻ của ông Hiển để phân biệt được vùng nước nguy hiểm và an toàn ở bãi sông, bãi biển là rất khó.
Tuy nhiên, một cách dễ nhận biết nhất đó chính là bãi đất, cát dưới đáy sông nếu cứ thoải dần đều là vùng có thể an toàn còn khu vực bãi hụt, có bậc là khu vực nguy hiểm.
Ông mong muốn trong thời gian sắp tới sẽ thành lập một đội cứu hộ nóng bãi sông Đà gồm 4 – 5 thành viên bơi, nặn giỏi sẵn sàng tiếp nhận ứng cứu những trường hợp gặp nạn trên sông tránh xảy ra những sự việc đau lòng.
Theo trí nhớ của ông, đến nay ông đã cứu sống 5 người trên dòng sông Đà và vớt được nhiều thi thể.
Ngày còn trẻ ông có thể lặn được gần 2 phút và xuống độ sâu hơn 20 mét nhưng giờ sức khoẻ đã giảm nhiều nên chỉ có thể nặn ở độ sâu khoảng 5 mét và được 1 phút.