Những người ích kỷ không phải là những người có thu nhập cao nhất. Và họ cũng có ít con cái nhất.
Người ta vẫn cho rằng để đến được vị trí cao nhất, bạn phải hơi tham lam một chút – nghĩa là thường xuyên tập trung vào bản thân mình để tiến lên phía trước.
Nhưng liệu ích kỷ có thực sự là bí quyết để có được thành công trong sự nghiệp, và kiếm được nhiều tiền? Một nghiên cứu mới lại cho thấy điều ngược lại.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Stockholm và Đại học Nam Carolina đã xem xét dữ liệu trên 60.000 người ở Mỹ và châu Âu để tìm hiểu xem sự hào hiệp của một người có cho biết được mức thu nhập của người đó hay biết liệu họ có con cái hay không.
Trong khi các nghiên cứu trước đây cho thấy hành vi rộng lượng hào hiệp thường ảnh hưởng tích cực đến tinh thần của người đó, thì các tác giả của nghiên cứu này lại muốn xem xét tác động đối với thu nhập và số con một người có thể có, vì “đây là những yếu tố quan trọng nhất trong các giả thuyết nhấn mạnh quyền lực của chủ nghĩa cá nhân, đại diện cho tính kinh tế và tư duy tiến hóa”.
Trong số 5 nghiên cứu mà họ phân tích, những người ích kỷ không phải là những người có thu nhập cao nhất. Và họ cũng có ít con cái nhất. Nhưng 4 trong 5 nghiên cứu kể trên cho thấy những người có mức lương cao nhất cũng không phải là những người hào hiệp nhất. Thay vào đó, họ là những người “tương đối hào hiệp”, nghĩa là họ nhìn chung không ích kỷ nhưng không hoàn toàn “vì người khác”.
Kết quả chung cho thấy nó trái ngược với kỳ vọng của nhiều người: Trong một nghiên cứu riêng biệt với những người tham gia không liên quan gì đến 5 nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu nhận thấy đa phần người ta đều nghĩ rằng những người ích kỷ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn so với những người hào hiệp.
Theo Adam Grant của Đại học Wharton, một người hào hiệp “không nhất thiết phải hiến tặng tiền bạc hay làm các công việc tình nguyện, mà họ tìm cách giúp đỡ người khác thông qua giới thiệu các mối quan hệ, đưa ra lời khuyên hoặc chia sẻ kiến thức mà không mong chờ đền đáp”.
Cũng theo Grant, những người “hào hiệp thuần túy” là cực hiếm. Đa phần chúng ta đều nằm giữa 2 thái cực “cho” và “nhận”. Chẳng hạn, có thể chúng ta có phần ích kỷ ở những môi trường công việc khắc nghiệt, nhưng lại cực kỳ hào phóng rộng lượng với những người thân của mình.
Điều quan trọng là, vị trí của chúng ta trên trục “cho – nhận” không hề cố định; và mỗi người đều có khả năng trở thành một người hào hiệp đúng nghĩa. Bí quyết để làm điều đó, theo Grant, là nhận diện được hình thức “cho” nào khiến bạn thấy hào hứng nhất và hãy kết hợp điều đó với các kỹ năng của mình:
“Với một số người, đó là giới thiệu các mối quan hệ. Với người khác lại là sự chia sẻ. Tìm được cách “cho” của chính mình là một điều quan trọng. Ý nghĩa và mục đích gắn liền với điều đó là ngay cả khi những người hào hiệp không làm được tốt như người khác, họ vẫn có thể thành công theo cách làm cho người khác trở nên tốt hơn và thành công hơn, thay vì cố gắng kéo họ xuống”.