Trong câu chuyện ngôn tình bà Lê Hoàng Diệp Thảo tâm sự trên báo giới, không những cùng ông Vũ góp vốn mở quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên, mà khi ông Vũ phá sản, bà đã nộp đơn xin nghỉ việc tại Bưu điện tỉnh để giúp chồng kinh doanh, thực hiện giấc mơ của mình. Còn trong câu chuyện phía Trung Nguyên thuật lại, bà Thảo thi rớt, không được tuyển vào Đài 1080 Buôn Ma Thuột, rồi mới theo ông Vũ vào TPHCM kinh doanh cà phê do bố mẹ chồng rang xay gửi xuống…
Trong bản thông cáo dài 5 trang gửi tới báo giới, người được ủy quyền của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ nhiều nội dung, trong đó nhấn mạnh việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo bịa đặt thông tin sai sự thật về vai trò người sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên, liên tục mạo danh, thường xuyên mạo nhận là người đồng sáng lập Trung Nguyên.
“Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã cung cấp thông tin sai sự thật, bịa đặt ra bên ngoài về vai trò người sáng lập Trung Nguyên và chức danh Phó Chủ tịch HĐQT“, đại diện Trung Nguyên khẳng định.
Người sáng lập Trung Nguyên không phải bà Thảo, mà là cha mẹ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Vũ
Theo người đại diện Trung Nguyên, năm 1996, toàn bộ số tiền khởi nghiệp của Trung Nguyên là của cha mẹ ông Đặng Lê Nguyên Vũ do bán toàn bộ gia sản để cho ông Vũ khởi nghiệp, lập “Hãng cà phê Trung Nguyên”. Đồng thời, cha mẹ ông Vũ hàng ngày trực tiếp rang xay cà phê để cung cấp ra thị trường.
Sau khi kết hôn và bị thi rớt, không được tuyển vào làm việc tại Đài 1080 Buôn Ma Thuột, bà Thảo đã theo ông Vũ đến TPHCM để kinh doanh cà phê
“Cha mẹ của ông Vũ vừa là người có của vừa là người có công từ khởi nghiệp thương hiệu Trung Nguyên. Ngày 16/6/1996 là ngày khai trương, là ngày khởi nghiệp, cũng là ngày sinh nhật tập đoàn… Với 23 lần sinh nhật là 23 lần ông Đặng Lê Nguyên Vũ ghi nhận sâu sắc công ơn trời biển của cha mẹ đối với sự nghiệp của Trung Nguyên ngày hôm nay“, thông cáo cho biết.
Hơn 2 năm sau khi khởi nghiệp, năm 1998, ông Vũ kết hôn với bà Thảo. Bà Giang cho biết, sau khi kết hôn và bị thi rớt, không được tuyển vào làm việc tại Đài 1080 Buôn Ma Thuột, bà Thảo đã theo ông Vũ đến TPHCM để kinh doanh cà phê đã rang xay do cha mẹ của ông Vũ từ Buôn Ma Thuột gửi xuống hàng ngày.
“Do đó, bà Thảo là người có góp công sức vào sự phát triển thương hiệu Trung Nguyên vừa là người thụ hưởng lợi nhuận và thu xén nhiều lợi nhuận trong giai đoạn phát triển Trung Nguyên. Những gì bà Thảo được hưởng là do sự rộng lượng, không tính toán của cha mẹ ông Đặng Lê Nguyên Vũ vì tất cả là của cha mẹ ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng họ đã để lại cho con trai và con dâu được hưởng nhiều nhất“, thông cáo của Trung Nguyên khẳng định.
Trước đó, tâm sự trên báo giới về người chồng Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt vời, bà Thảo chia sẻ không những cùng ông Vũ góp vốn mở quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên, mà khi ông Vũ phá sản, bà đã nộp đơn xin nghỉ việc tại Bưu điện tỉnh để giúp chồng kinh doanh, thực hiện giấc mơ của mình.
“Lúc tôi lên gặp Giám đốc Bưu điện tỉnh để viết đơn xin nghỉ việc, ông cứ vừa can ngăn, vừa xa xót: “Đúng là con nhà giàu, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Bạn bè cũng ngăn cản tôi. Còn mẹ tôi, khi biết rằng tôi về làm dâu nhà anh Vũ trong một căn nhà đi thuê có bề ngang chỉ 2,8m vừa để cả gia đình đông đúc sinh hoạt, vừa để rang cà phê vừa để bán cà phê, bà cứ khóc hoài vì thương con gái“, bà Thảo tâm sự trên Trí thức trẻ hồi cuối tháng 3/2018 – giữa bão tố tụng ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, mà tâm điểm là cuộc phân tranh khối tài sản hơn 7.000 tỷ đồng.
Không phải người sáng lập, vì sao bà Thảo lại có tên trong danh sách cổ đông ban đầu của Trung Nguyên?
Lý giải cho việc bà Thảo có tên trong danh sách cổ đông ngày đầu của tập đoàn, đại diện Trung Nguyên cho biết: Trung Nguyên thành lập cơ sở kinh doanh vào ngày 15/8/1996, do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là chủ cơ sở kinh doanh.
Đến năm 1999, chuyển thành Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên tại địa chỉ 268 Nguyễn Tất Thành, P. Tân Lập, Buôn Ma Thuột. Tháng 12/2002, Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên chuyển đổi thành Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên với hai thành viên là Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Đặng Mơ.
Đến ngày 27/4/2007, từ Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên chuyển đổi thành CTCP Cà phê Trung Nguyên và theo Luật Doanh nghiệp bắt buộc công ty cổ phần phải có ít nhất 3 cổ đông, vì vậy ông Đặng Lê Nguyên Vũ và cha của mình đồng ý cho bà Thảo tham gia vào cơ cấu công ty với tỷ lệ cổ phần là 10% vốn điều lệ.
“Như vậy, bà Thảo chỉ chính thức có tên trong công ty Trung Nguyên từ năm 2007 và tính đến nay chỉ 11 năm. Do đó, việc bà Thảo rêu rao đã quản lý và điều hành Trung Nguyên hơn 20 năm là bịa đặt sai sự thật“, phía Trung Nguyên kết luận.