Nghệ sỹ hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ của Công ty Kiểm toán độc lập để minh bạch thông tin từ thiện

Một lần nữa câu chuyện nghệ sỹ làm từ thiện bằng tiền quyên góp trở thành chủ đề tranh cãi trong dư luận qua những bản sao kê tài khoản ngân hàng.
Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nhận hàng cứu trợ trong đợt lũ lụt lịch sử hồi tháng 10/2020

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Giao thông)

Thời gian gần đây trên mạng xã hội liên tục có các thông tin làm dậy sóng khi livestream của một doanh nhân (CEO) nổi tiếng luôn luôn xuất hiện hàng ngày trong suốt một thời gian dài, với nội dung chủ yếu “đấu tố”, “cáo buộc” bằng lời nói về việc một số nghệ sỹ lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân trong suốt một thời gian dài. Đồng thời vị nữ doanh nhân này cũng đề nghị các nghệ sỹ phải sao kê minh bạch các khoản thu chi làm từ thiện…

Để minh bạch hoạt động từ thiện, một số nghệ sỹ đã gửi đơn tới cơ quan điều tra tố cáo hành vi vu khống, bịa đặt… của vị doanh nhân trên và mời cơ quan thứ 3 là công ty Kiểm Toán độc lập nhằm khách quan kiểm tra làm minh bạch thông tin, số tiền trong sao kê từ tài khoản cá nhân kêu gọi từ thiện…

Ngay sau khi có thông tin mời Kiểm Toán độc lập, chưa hiểu rõ đúng sai thế nào, nhiều phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng cho rằng Công ty kiểm toán chỉ thực hiện được dịch vụ kiểm toán với tổ chức mà không thực hiện được với cá nhân, thậm chí thông tin tài chính của cá nhân cũng không được.

Xoay quanh những vấn đề ồn ào trên mạng xã hội, gây hoang mang cho những nhà hảo tâm đã từng tin tưởng các nghệ sỹ để đóng góp từ thiện hoặc để người dân đang theo dõi vụ việc trên mạng xã hội hiểu thêm bản chất của vấn đề, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Phú Hà – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán CPA VIETNAM để làm rõ về vấn đề này.

Phóng viênThưa Ông nguyên tắc hoạt động của kiểm toán độc lập (KTĐL) là gì?

Ông Nguyễn Phú Hà: Tại điều 8, Luật KTĐL ngày 29/03/2011 nêu rõ hoạt động của KTĐL là:

– Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và báo cáo kiểm toán.

– Tuân thủ chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam; đối với công việc kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán mà yêu cầu áp dụng chuẩn mực kiểm toán khác thì phải tuân thủ chuẩn mực kiểm toán đó.

– Độc lập, trung thực, khách quan.

– Bảo mật thông tin.

Phóng viên: Thưa Ông, gần đây trên mạng xã hội đang lan truyền các thông tin cho rằng các công ty kiểm toán không có chức năng kiểm toán cho cá nhân, vậy Ông có thể giải thích về vấn đề trên như thế nào?

Ông Nguyễn Phú Hà: Với chức năng nhiệm vụ của kiểm toán độc lập và nguyên tắc hoạt động của kiểm toán như đã nói ở trên, thì kiểm toán viên, và công ty kiểm toán có được cấp phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, năng lực, để cung cấp dịch vụ cho khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nếu có yêu cầu sử dụng dịch vụ (có trả phí).

Bên cạnh đó phải áp dụng đúng luật kiểm toán độc lập và các chuẩn mực kiểm toán do Bộ Tài chính ban hành. Theo Chuẩn mực 4400 về Hợp đồng thực hiện các thủ tục thỏa thuận trước đối và Điều 40 mục 2 điểm g Luật kiểm toán độc lập, để hiểu đúng nghĩa thì hoàn toàn có thể thực hiện các dịch vụ liên quan đến Tài chính kế toán thuế mà khách hàng yêu cầu, kể cả khách hàng cá nhân.

Phóng viên:  Như vậy, việc các nghệ sỹ có nhu cầu mời KTĐL là đơn vị thứ 3 làm minh bạch thông tin số tiền trong tài khoản cá nhân của họ đều phù hợp và đúng pháp luật đúng không?

Ông Nguyễn Phú Hà: Hoàn toàn phù hợp và không vi phạm pháp luật, vì có một bên thứ ba xem xét và kiểm tra thì số liệu sẽ khách quan hơn. Báo cáo kiểm tra của Kiểm toán viên là cơ sở để phản ánh khách quan tình hình nhận và sử dụng nguồn nhận tài trợ từ các tổ chức cá nhân của các cá nhân.

Phóng viên: Ông có thể giải thích rõ về quy trình này một cách cụ thể được không?

Ông Nguyễn Phú Hà: Khi khách hàng có yêu cầu làm minh bạch về các thông tin tài chính cá nhân, ví dụ ở đây là kiểm tra các khoản tiền chuyển đến, chuyển đi trong tài khoản cá nhân của khách hàng có mục đích là từ thiện. Trên cơ sở các yêu cầu cụ thể của khách hàng, KTV thực hiện thu thập và kiểm tra các hồ sơ, tài liệu chứng từ liên quan đến sao kê tài khoản ngân hàng của khách hàng, đồng thời KTV tổng hợp phân loại các giao dịch thu chi cho hoạt động từ thiện và của cá nhân (nếu có).

Đồng thời, KTV có thể tiến hành thực hiện các thủ tục là gửi thư xác nhận với các cơ quan, tổ chức,cá nhân được nhận tiền từ thiện và đề nghị các đối tượng này xác nhận số tiền, vật chất đã nhận.

KTV phát hành báo cáo kiểm tra, trong đó nêu rõ các thủ tục đã thực hiện, các công việc đã thực hiện, mô tả các phát hiện thực tế trong quá trình kiểm tra, tổng hợp số tiền nhận từ thiện, số tiền chi ra cho mục đích từ thiện.

Kiểm toán viên chịu trách nhiệm về kết quả và các phát hiện thực tế trong báo cáo kết quả kiểm tra.

Khách hàng cá nhân sử dụng báo cáo kiểm tra đã được kiểm tra độc lập, khách quan bởi Công ty kiểm toán độc lập giải trình với các bên liên quan khi cần thiết.

Do vậy việc cá nhân có được sử dụng dịch vụ từ công ty KTĐL hay không thì được khẳng định rằng hoàn toàn có thể, và công ty kiểm toán cũng đầy đủ chức năng, tư cách pháp nhân để phục vụ khách hàng của mình theo qui định của pháp luật.

Phóng viên: Xin cảm ơn Ông đã dành thời gian cho buổi nói chuyện hôm nay. Trân trọng!

 

Theo Bảo Hà (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nghe-sy-hoan-toan-co-the-su-dung-dich-vu-cua-cong-ty-kiem-toan-doc-lap-de-minh-bach-thong-tin-tu-thien-d167159.html