Sau 12 năm đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục, vốn hóa thị trường 414 tỷ USD, hiện tượng công nghệ Facebook đang dần trở thành mạng xã hội cho… những người già.
Tại Indonesia – quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, nền kinh tế với 265 triệu người, Facebook đang đối mặt với “cái chết” nằm ngoài dự kiến. Sau 12 năm đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục, vốn hóa thị trường 414 tỷ USD, hiện tượng công nghệ Facebook đang dần trở thành mạng xã hội cho… những người già.
Hơn nữa, họ cũng đang mất đi sự hấp dẫn với những đối tượng người dùng chủ chốt là giới trẻ, có trình độ học vấn và nghiện di động. Trên thực tế, nhiều người trẻ bắt đầu ngừng sử dụng mạng xã hội này.
Lý do là gì?
Đơn giản thôi. Thanh niên thời nay coi Facebook là một thứ đã lỗi thời và có phần cứng nhắc. Facebook chứa những thuật toán ưu tiên kết nối với bạn bè và gia đình thay vì cung cấp những nội dung hấp dẫn.
Dĩ nhiên, vẫn có nhiều thị trường nơi Facebook thống trị hoàn toàn. Tại Myanmar, 91% người dùng thường xuyên ghé thăm website này. Nhưng liệu tỷ lệ này có thể duy trì bền vững hay không khi mà người dùng ở Yangon, Mandalay và nhiều nơi khác đang ngày càng có nhu cầu cao hơn?
Nhìn chung những vấn đề như về bảo mật dữ liệu hay ngôn từ kích động xuất hiện trên Facebook không khiến nhiều người dân Đông Nam Á bận tâm. Vấn đề thực sự của Facebook là nó đang trở nên nhàm chán. Những gã khổng lồ của thập kỉ trước như MySpace, Bebo hay Friendster đã tàn lụi trong “nghĩa địa kỹ thuật số”, liệu “cái chết” của Facebook cũng đang đến rất gần?
Trò chuyện với một nhóm sinh viên Đại học Gadjah Mada, quan điểm của họ về Facebook là rất rõ ràng.
Rully Satria, sinh viên 20 tuổi xem Facebook như một thứ đã lỗi thời: “Tôi đã không sử dụng nó trong một khoảng thời gian. Thi thoảng tôi mới vào kiểm tra xem những người thân trong gia đình đang làm gì thôi”.
Nhóm thanh niên từ 19 – 34 tuổi chiếm 50% lượng người lướt web tại Indonesia. Hầu hết những người trẻ tuổi như Rully lớn lên trong kỷ nguyên Internet. Tuy nhiên trong năm 2018, số lượng lớn nhất những người dùng Facebook mới lại đến từ độ tuổi 45 – 55. Dường như Facebook đang dần trở thành “lãnh địa” cho bố mẹ và ông bà những người trẻ.
“Chỉ bố mẹ, cô chú dì tôi vẫn dùng Facebook thôi”, Rully nói.
Trên thực tế, Facebook vốn được tạo ra với ưu tiên là một nền tảng web, cho người dùng máy tính. Những ứng dụng mới lại đặc biệt dành cho điện thoại thông minh – yêu cầu sự trơn tru khác hẳn.
Sự can thiệp của một số chính phủ vào nội dung cũng khiến cho Facebook trở nên gò bó hơn so với trước. Nhóm người dùng trẻ với nhận thức cao hơn về thông tin cá nhân và quyền riêng tư cũng là vấn đề đối với Facebook.
Trong kỷ nguyên dữ liệu khổng lồ, tình trạng ẩn danh là ưu tiên cho những người dùng internet. Bê bối bán dữ liệu người dùng cho Cambridge Analytica của Facebook khiến mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn.
Trong khi đó, Twitter và Instagram không sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng, mang lại cảm giác riêng tư hơn. “Tôi không muốn họ biết về cuộc sống xã hội của mình”.
Vậy, mọi người đang chuyển sang dùng nền tảng gì?
Ở Indonesia, Instagram, LINE và Twitter hiện được xem là thời thượng nhất.
Probo, một sinh viên 23 tuổi mới tốt nghiệp nói rằng: “Các chính trị gia và người nổi tiếng đều sử dụng Twitter nhiều hơn. Giới hạn 140 ký tự khiến những bài đăng dễ đọc hơn”.
LINE – một dịch vụ tin nhắn của Nhật Bản thì trở nên đặc biệt phổ biến ở Thái Lan. LINE TODAY là nền tảng tin tức hàng ngày của họ, có lượng người dùng trên 32 triệu người riêng chỉ ở Thái Lan.
Trong khi đó, nền tảng tin tức Instant Articles của Facebook phổ biến khắp thế giới, nhưng không được các tòa soạn lớn đón nhận và không có sức ảnh hưởng.
Rully là ví dụ, anh đã chuyển sang Instagram để xem thông tin hàng ngày.
Tuy nhiên, Facebook vẫn duy trì được sức ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật số. Adryz Ariffin – giám đốc một công ty quảng cáo kỹ thuật số tại Đông Nam Á nói rằng vẫn chưa chuyển từ Facebook sang các nền tảng khác. “Facebook vẫn là cỗ máy thu về nhiều tiền nhất và có khả năng tiếp cận lớn nhất tới khách hàng. Với hầu hết người Đông Nam Á, Facebook là điểm đầu tiên kết nối với người dùng Internet”.
Hiện tại, Facebook và Google vẫn tiếp tục thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến ở Đông Nam Á.
“Indonesia là thị trường trực tuyến lớn nhất ở Đông Nam Á. Việt Nam và Myanmar đang phát triển những vẫn chưa có tên trên bản đồ”.
Bản thân Adryz thừa nhận rằng dù công việc kinh doanh vẫn cần đến Facebook nhưng cá nhân ảnh đã không còn sử dụng mạng xã hội này. “Trong vòng 5 năm nữa, Facebook sẽ không còn là số 1”.
Có thể những thứ chúng ta đang chứng kiến chưa phải là “cái chết” của Facebook. Nhưng trong tương lai không xa, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
theo News.abs