Nhìn Hà Đức Chinh đi chân trần, đứng sau đồng đội vẫy tay chào 3.000 fan Việt trên khán đài Bukit Jalil tối 12/12, chắc hẳn những người yêu quý và dõi theo anh sẽ không kìm được nước mắt.
Đêm qua, Hà Nội không “bão” to như mọi lần. Số đông cổ động viên vẫn kéo ra phố ăn mừng. Nhưng cái rét căm căm đi cùng cơn mưa và hơn hết là chút cảm xúc chưa thỏa mãn với kết quả hòa 2-2 của tuyển Việt Nam trước Malaysia khiến một số người “bỗng nhiên” bớt nhiệt. Một số fan âm thầm tạo một cơn bão khác, xấu xí và phản cảm hơn trên mạng xã hội. Những người đó nhân danh tình yêu bóng đá, tìm đến Facebook của các cầu thủ mà để lại những lời lẽ không hay.
Người đang được lòng fan nhất ở AFF Cup 2018 là Quang Hải cũng đã từng có những ngày buồn ở ASIAD 2018 khi trở thành nạn nhân của những “anh hùng bàn phím” sau cút sút trượt penalty ở trận tranh huy chương đồng. Và lần này, đến lượt bạn thân của anh được nhắc tên.
Hà Đức Chinh, ngẩng đầu lên đi! Cậu đã cố gắng hết sức mình rồi. Ảnh: Tiến Tuấn.
Hà Đức Chinh đã có một trận đấu không tốt. Những bức ảnh tràn lan trên mạng xã hội đã lột tả hết những tiếc nuối của cậu trai 21 tuổi ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 gặp Malaysia. Lần đầu tiên được ra sân trong đội hình chính tại giải đấu năm nay, Đức Chinh hoạt động năng nổ, tì đè, chạy chỗ hợp lý. Chính sức trẻ cùng quyết tâm và cảm giác vị trí nhạy bén của Chinh đã giúp những đường chọc khe, phất bóng dài của Quang Hải trở thành đòn đánh chí mạng với Malaysia.
Thế nhưng, Chinh vẫn chưa đạt đến sự hoàn hảo như những gì người ta kì vọng vào một trung phong của tuyển Quốc gia, khi cậu đối mặt với thủ môn đối phương.
Có lẽ Chinh “đen” cũng đã quen rồi. Cậu quen cái cách mà ai đó hay một số người nào đó phủ nhận những nỗ lực của các cầu thủ. Có lần cậu đã bâng quơ rằng, dù người ta có nói gì thì bọn em cũng không được phản pháo. Bọn em phải im lặng. Và khi sóng gió ập tới Facebook của cậu đêm qua (12/12), cậu im lặng giống như sự âm thầm cố gắng từng ngày.
Đức Chinh từng buồn bã: “Hôm nay em không ghi được bàn. Buồn. May mà đội thắng rồi nên cũng được an ủi”. Đó là câu chuyện có từ ASIAD 2018. Đêm ấy cậu mất ngủ.
Không thể ghi bàn, người tiếc nuối nhất không phải là bản thân cầu thủ hay sao? Ảnh: Tiến Tuấn.
Tôi chợt hiểu vì sao những cuộc họp báo hay trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Đức Chinh không có lấy một nụ cười. Cái áp lực tự thân, cái mong mỏi được thể hiện khả năng, khát khao bàn thắng khiến cậu căng thẳng, đôi lúc là mệt mỏi. Cậụ không chỉ gánh trên vai áp lực từ những người xa lạ đang dùng những lời không văn minh để nói về cậu, cậu còn có món nợ với chính bản thân mình.
Bất kì việc gì trên đời, đa phần điều người ta quan tâm đầu tiên là kết quả. Khán giả là thế, thắng tung hô, thua nói lời cay đắng. “Khán giả” là những người xem và đánh giá đúng sai, thắng thua. Còn “người hâm mộ” hay “cổ động viên” là những người đồng hành và ủng hộ đội tuyển ở mọi thăng trầm. Xin đừng nhầm lẫn.
“Khán giả” không thấy Đức Chinh ngày ngày cần mẫn luyện tập, cố gắng hết sức mình để phụng sự cho màu cờ sắc áo. Hoặc giả có thấy họ cũng chẳng để tâm. Ai cũng đều phải cố gắng trong nghề nghiệp của mình thôi, chuyện bình thường như cơm bữa.
Còn fan, những người đến và chứng kiến những buổi tập dãi nắng dầm mưa, những giây phút căng thẳng trên sân thi đấu của các cầu thủ. Hoặc xem qua cách truyền thông Việt Nam (đôi khi được cho là làm quá phận sự) khi lột tả quá chi tiết về những hoạt động của những người hùng. Fan nói rằng Đức Chinh đã chơi “chưa tốt”, chứ không phải là “không tốt” như những cái nhìn khắc nghiệt ném về phía cầu thủ mang số áo 13 đang cúi gằm trên sân.
Cái cách mà cậu cầm trên tay trái bóng giống như nó là tình yêu, sự kỳ vọng, hi vọng và tín ngưỡng của cậu vậy.
Dù thế nào thì hãy cứ ngẩng đầu lên Chinh nhé. Cậu đã nỗ lực hết sức rồi. Người hâm mộ ghi nhận cậu. Ở ASIAD 2018, cậu không ghi bàn, nhưng thầy Park vẫn cần cậu cho AFF Cup 2018. Hãy tin tưởng vào bản thân mình. Một chiếc lò xo càng nén sẽ bật càng xa. Tôi chờ ngày cậu vượt qua bản thân và chứng tỏ bản lĩnh của mình.