Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại khách sạn JW Marriott ngày 28/2. Ảnh: Tuấn Mark.
Chuyên gia Mỹ cho rằng, trong suốt cuộc họp báo tại Hà Nội, Tổng thống Trump cho thấy ông tập trung hơn so với thượng đỉnh lần đầu tại Singapore.
LTS: Báo Điện tử Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Denny Roy, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại trung tâm nghiên cứu East – West Center tại Hawaii, Mỹ về kết quả thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội cũng như về triển vọng cho bán đảo trong tương lai.
—
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 vừa diễn ra tại Hà Nội?
Kết quả này với tôi là một sự bất ngờ và thất vọng. Bất ngờ ở điểm, hai nhà lãnh đạo đã không thể đưa ra ít nhất là một tuyên bố dù chỉ ở mức chung chung, hay thống nhất về một vài nguyên tắc chung. Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đều còn cách xa những điều họ muốn.
Dường như sự thuyết phục từ phía Triều Tiên với Tổng thống Trump để tiến đến một thỏa thuận đã không đủ sức nặng so với ý kiến từ các cố vấn của Tổng thống Mỹ. Và điều thất vọng với tôi là, kết quả này sẽ trì hoãn việc cải thiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Theo ông, vì sao Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên lại không thể có một thỏa thuận nào, mặc dù cả hai nhà lãnh đạo đều cho thấy không khí cởi mở và quan hệ cá nhân rất tốt đẹp?
Mối quan hệ cá nhân là không đủ để vượt qua các quan điểm không thể nhượng bộ trong cuộc đàm phán.
Ông có cho rằng Tổng thống Trump đang chịu nhiều áp lực khi trong những ngày qua, tại Quốc hội Mỹ, cuộc điều trần của cựu luật sư riêng của ông cũng đang diễn ra? Và liệu điều này có ảnh hưởng đến quyết định của Tổng thống Mỹ?
Rõ ràng là Tổng thống Trump đang bị đặt dưới áp lực khi phiên điều trần cựu luật sư Cohen diễn ra cùng lúc với cuộc thượng đỉnh ở Hà Nội. Tuy nhiên, trong suốt cuộc họp báo tại Hà Nội, tôi không cho rằng, sự quan tâm của ông đến thượng đỉnh bị phân tán.
Theo tôi, trong cuộc họp báo diễn ra sau cuộc gặp với ông Kim Jong Un, ông Trump đã thể hiện, ông tập trung và nắm rõ vấn đề hơn so với thượng đỉnh lần đầu tổ chức tại Singapore. Nếu phiên điều trần của ông Cohen thực sự làm ông Trump yếu đi, kết quả chúng ta nhìn thấy sẽ là một thỏa thuận tồi. Nhưng điều này đã không xảy ra.
Một số người cho rằng, Tổng thống Trump nói chung không am hiểu về các vấn đề quốc tế. Vì vậy, họ không đặt kỳ vọng cao đối với ông. Tuy nhiên, ở Hà Nội, ông cho thấy mình có sự hiểu biết tốt về vấn đề được đàm phán.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Tổng thống Trump trong cuộc đàm phán này?
Theo những gì tôi được biết, và dựa trên những thông tin mà Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã phát biểu trong sự kiện, Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận, đổi lại một số bước phi hạn nhân hạn chế, có thể là đóng cửa khu Yongbyon.
Đứng trên quan điểm từ phía Washington, đây chưa phải là một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ và Tổng thống Trump đã đúng khi từ chối. Quyết định này phản ánh sự cố vấn của Ngoại trưởng Mike Pompeo và có thể là các trợ lý thân cận khác. Tất nhiên, sau đó Triều Tiên đã tổ chức họp báo, đưa ra thông tin trái ngược với phía Mỹ rằng, Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận.
Vậy sau sự kiện này, ông đánh giá thế nào về khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều trong tương lai?
Nếu Triều Tiên tiếp tục ngừng thử tên lửa, một cuộc họp thượng đỉnh khác có thể diễn ra trong vài tháng tới vì bản thân Triều Tiên cũng muốn thúc đẩy quá trình này và giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có thể sẽ có tác động khi Seoul muốn Mỹ ủng hộ một số hợp tác kinh tế với Triều Tiên.
Xin cảm ơn ông!