Bà Ngạc Thị Xuân năm nay đã ngoài 70 tuổi, chân tay đã yếu dần, mắt cũng mờ dần nhưng gần như không đêm nào bà ngủ ngon giấc bởi nỗi lo cơm ăn, áo mặc hàng ngày cho hai cháu nội mồ côi cha mẹ.
Thất thập cổ lai hy vẫn lọ mọ vào rừng kiếm tiền nuôi hai cháu mồ côi
Chúng tôi gặp bà cụ Ngạc Thị Xuân (bản Nghèn, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) trong buổi chiều đông lạnh 10 độ C ở Thạch An, khi bà đến nhận quà Tết của đoàn từ thiện Qũy Thiện Tâm và Báo điện tử Trí Thức Trẻ, Soha.vn.
Đây là một trong những nhân vật điển hình trong số cả hơn ngàn con người mà chúng tôi đã gặp gỡ khi trao quà Tết ở Cao Bằng cuối năm này. Điển hình ở cảnh khổ mà bà cụ đang mang, ở những ấn tượng trong lúc trò chuyện, và cả ở cách mà bà đang đối diện với khó khăn.
Bà Xuân có gương mặt phúc hậu, ánh mắt buồn chậm, đôi tay run rẩy và giọng nói thật hiền hòa.
Từ bản Nghèn ra đến trung tâm huyện Thạch An hơn 18km, ấy thế mà, bà cụ ngoài 70 tuổi đã đi bộ ra tận nơi để nhận quà Tết. Và rôi, sau đó lại lặp lại hành trình đi bộ để về nhà.
Bà Xuân nói rằng, cũng đã quen rồi, vì hàng ngày vẫn đi vào rừng lấy lá dong đem về bán, nhiều khi bà còn đi khắp xã để xem ai cần thuê công việc gì thì làm.
Khi chúng tôi hỏi thêm để tìm hiểu về cuộc sống hằng ngày của bà Xuân thì bất chợt, ánh mắt bà ngấn lệ, giọng nghèn nghẹn như muốn nói mà chẳng thành lời.
“Nói ra thì khổ lắm, con trai tôi bị bệnh nên đã mất sớm, con dâu bỏ đi lâu rồi, bây giờ mình tôi nuôi hai cháu nội. Cả ba bà cháu chỉ có một đám ruộng nhỏ, làm không đủ ăn nên tôi phải tìm đủ mọi cách để nuôi các cháu ăn học”,bà Xuân chia sẻ.
Bà cụ mặc chiếc áo khoác cũ sờn, ngả màu vàng ố có vẻ như không đủ làm ấm cơ thể trong ngày Cao Bằng rét căm căm.
“Đây là áo của con trai đã mất, bà không có áo nên giữ lại để mặc, cũng vừa là cho đỡ nhớ con”, nói dứt câu, bà Xuân lại nước mắt lưng tròng.
Hàng xóm của bà Xuân nói rằng, người con trai của bà tên là Tạ Văn Duy, bị mất do chảy máu dạ dày, còn người con dâu cũng bỏ đi biền biệt, để lại cho bà hai đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi học.
Tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, chân chậm nhưng không ngày nào bà Xuân được nghỉ ngơi. Có những ngày đang lấy lá dong, gặp cơn mưa rừng, về nhà sốt li bì mà vẫn phải dậy đi chạy chợ kiếm tiền, nếu không thì ngày đó bà cháu không biết ăn gì.
Nỗi lo sợ mỗi khi hai cháu gọi “bà ơi”
Đã từ lâu, người dân xã Đức Long này quen với hình ảnh bà cụ ngoài 70 cứ lầm lũi, cuốc bộ khắp nơi, nhặt nhạnh từng đồng rồi dành dụm lo trang trải học phí cho hai cháu nội.
Được biết, mỗi tháng ba bà cháu cũng được hỗ trợ khoảng 1.600.000đ. Tuy nhiên, số tiền này chẳng thấm vào đâu so với những chi phí mà bà lão ngoài 70 tuổi hàng ngày vẫn phải lo.
Trong lúc trò chuyện, những giọt nước mắt trong đôi mắt đục ngầu của bà cụ Xuân chỉ trực rơi xuống. Mỗi lần nói về hai cháu hoặc những khó khăn thường ngày thì dường như bà cụ lại cố gồng lên để kiềm chế cảm xúc nghẹn đắng ở cổ, nén những tiếng nói như méo dần đi.
Hai cháu nội (một cháu học lớp 10, một cháu học lớp 8) ngày càng lớn dần và nỗi lo của bà Xuân cũng tăng dần lên.
Nói về nỗi lo lắng vô hình của mình, bà Xuân nói rằng, sợ nhất mỗi khi các cháu gọi “bà ơi”, bởi khi đó hoặc là cháu ốm đau, hay có chuyện gì đó, hoặc là hỏi tiền để đóng các khoản chi phí ở trường, lớp.
“Khổ lắm, khó lắm, nhiều khi mệt lắm nhưng tôi không thể để cho hai cháu thiếu ăn. Nếu sau này không còn sức để đi rừng, không làm được nữa tôi sẽ đi ăn xin, ăn mày để nuôi hai cháu”, trong vạn nỗi muộn phiền, bà Xuân vẫn khẳng định tình thương yêu vô bờ đối với hai cháu nội của mình.
Chính bởi tình thương yêu lớn lao mà bà dành cho hai cháu nội, sự cố gắng, lao động không ngừng nghỉ cùng sự chân thành từ lời nói đến cách sống hàng ngày nên bà Xuân luôn nhận được nhiều tình thương từ những người xung quanh.
“Tôi thương bà Xuân lắm, bà ấy khổ đủ đường, ruộng đất không có, nhà cửalàm xong còn chưa kịp trả hết nợ thì con trai lại qua đời. Nay một mình nuôi hai cháu nội ăn học, lại vừa lo trả nợ nần, ở Thạch An này chắc không ai khổ hơn bà ấy đâu”, bà Nguyễn Thị Ly ở xã Lê Lợi chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ly (bên phải) ở xã Lê Lợi, huyện Thạch An hiểu rõ và rất chia sẻ cùng cảnh ngộ của bà Ngạc Thị Xuân.
Chị Hứa Thùy Dâng – Phòng LĐTB&XH huyện Thạch An xác nhận về gia cảnh khó khăn của bà Ngạc Thị Xuân: “Đây là hoàn cảnh hết sức khó khăn, con trai mất sớm, con dâu bỏ đi, nay một mình bà nuôi hai cháu ăn học. Mỗi tháng hai cháu được hưởng trợ cấp 405.000đ/người, còn bà cụ thì được 810.000đ/tháng.”
Chị Hứa Thùy Dâng (thứ hai, từ phải qua trái) – Phòng LĐTB&XH huyện Thạch An
Trong buổi trao tặng quả Tết tại UBND huyện Thạch An, đoàn từ thiện Qũy Thiện Tâm và Báo Trí Thức Trẻ, Soha.vn đã trao 295 suất quà Tết cho 295 hộ có hoàn cảnh khó khăn tại đây. Nhận số tiền 400.000đ và phần quà Tết như những hộ khó khăn khác, bà Xuân tỏ ra vô cùng xúc động.
“May quá, bà cháu có Tết rồi, vì lá dong kiếm được mà bán chả được bao nhiêu nên trong nhà còn chưa có gạo ăn, chưa dám nghĩ đến Tết”, câu nói ngắn gọn của bà Xuân, khiến chúng tôi nửa thấy ấm áp, nửa thấy chạnh lòng, xót xa.
Mong sao Tết này và cả về sau, sẽ có nhiều tấm lòng thơm thảo tìm đến và sẻ chia với gia cảnh của bà Xuân và hai cháu nhỏ.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ. Vui lòng ghi rõ người được nhận ủng hộ và người ủng hộ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ – Techcombank Hai Bà Trưng – Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943.113.999
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.