“TV, nên chọn như thế nào?” là một câu hỏi khó. Bởi thiết bị gia dụng này sẽ là thứ bạn sử dụng ít nhất 5 năm trở lên, sẽ nằm chính giữa phòng khách ngôi nhà và hòa chung với nhiều sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.
Tất nhiên, các sản phẩm đắt tiền hầu hết đều tốt, nhưng chúng cũng có nhiều loại khác nhau. Hàng loạt thuật ngữ liên quan tới TV mà các nhà sản xuất đưa ra liên tiếp thời gian gần đây cũng có thể khiến người dùng thêm lung lạc ý chí khi quyết định một điều gì đó. Vì vậy, 7 gợi ý sau đây được đưa ra để người dùng có thể dựa vào đó để chọn cho mình một chiếc TV phù hợp.
1. Lựa chọn công nghệ sản xuất
Công nghệ màn hình cho TV hiện nay được chia chủ yếu thành hai loại, OLED và LCD.
Màn hình LCD hoạt động nhờ vào sử dụng ánh sáng từ đèn nền, phát quang đến những hạt tinh thể lỏng có khả năng phát sáng gián tiếp (các hạt tinh thể lòng này có thể đổi màu sắc dựa trên đèn nền).
Còn OLED không có đèn nền, sử dụng đi-ốt phát quang hữu cơ, tự phát sáng làm nguồn sáng. Không có đèn nền ở mắt sau của bảng điều khiển, nên về lý thuyết nó sẽ mỏng hơn TV LCD. Để đơn giản, bạn có thể hiểu rằng, OLED là loại công nghệ màn hình sử dụng chính những “điểm ảnh” tự phát sáng để thể hiện khả năng hiển thị hình ảnh. Điều này hoàn toàn khác với cơ chế phát sáng gián tiếp nhờ vào đèn nền của công nghệ LCD. Và vì không có đèn nền nên TV OLED thường mỏng hơn LCD.
Riêng Samsung, xây dựng một chuẩn mực mới mà hãng gọi là công nghệ QLED. QLED dựa trên nền tảng LCD, nhưng thêm chấm lượng tử (quantam) là những hạt màu siêu nhỏ có thể làm thay đổi chất lượng hình ảnh. Tất nhiên, sự sáng tạo này giúp nó mang lại chất lượng hình ảnh vượt hơn hẳn so với LCD.
Về lâu dài, QLED có những yếu tố để có thể vượt qua OLED. Tuy nhiên, ở hiện tại, nó vẫn chưa thể ngang bằng với đối thủ, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như những chuyên trang công nghệ hàng đầu. Cần một thời gian nữa để Samsung định hình được vị thế, thông qua việc cải tiến công nghệ sản xuất tấm nền.
2. Độ phân giải nên là 4K
Chất lượng hình ảnh là linh hồn của TV. Khá phổ biến trên thị trường hiện nay là FHD (Full HD) có độ phân giải 1920×1080 và UHD (Ultra HD) có độ phân giải 3840×2160, còn được gọi là 4K. Quad HD (còn gọi là 2K hay QHD) ít phổ biến hơn, có độ phân giải ở khoảng giữa là 2560×1440.
Hầu hết các nguồn phát hiện nay hỗ trợ FHD, do đó sử dụng TV FHD là đủ để đáp ứng việc xem. Nhưng ngay cả với nội dung (nguồn phát) UHD, TV FHD cũng chỉ có thể hiển thị ở chất lượng FHD.
Người dùng có thể chọn FHD hay UHD theo nhu cầu của mình, tuy nhiên nguồn phát trong tương lai đang dần dịch chuyển sang UHD.
Hiện tại một số dịch vụ như Netfix đang mở rộng nội dung 4K và các game console trên Xbox hay Playstation cũng đã cung cấp nhiều trò chơi chất lượng hình ảnh 4K. Nhiều đài truyền hình cũng bắt đầu phát các chương trình UHD.
Các báo cáo về triển vọng ngành công nghiệp truyền hình, nội dung số cũng dự đoán TV UHD sẽ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, với tốc độ trung bình 33% mỗi năm và đạt 55,7 tỷ USD vào năm 2020.
Vì vậy, nếu muốn sử dụng TV của mình lâu hơn một chút, nên mua TV UHD (4K).
3. Chọn màn hình có khả năng hiển thị màu đen tốt hơn
Thông thường, dưới hình nền đen hoàn toàn, bạn có thể kiểm tra xem một màn hình có hoạt động tốt hay không vì màu đen có thể cho biết xem có thứ gì ngược sáng đang tồn tại hay không. Xét về điểm này, TV OLED vượt trội hơn, do nó không có đèn nền và mỗi điểm ảnh có thể điều khiển độc lập để đóng hoặc mở. Khi điểm ảnh tắt, nó là một màu đen hoàn hảo. Còn TV LCD hay QLED, buộc phải sử dụng các thuật toán hoặc công nghệ để tạo ra một điểm đen.
Hãy tưởng tưởng đang xem một cảnh phim với bầu trời đầy sao, chỉ có những ngôi sao có thể được thắp sáng, còn các phần khác được thể hiện bằng một màu đen hoàn toàn. Tuy nhiên, đánh đổi cho việc tắt mở các điểm ảnh này, hình ảnh hiển thị sẽ bị ảnh hưởng bởi các loại ánh sáng từ bên ngoài. Cụ thể hơn, khả năng hiển thị dưới ánh nắng, hoặc nơi có ánh sáng mạnh của TV OLED sẽ kém hơn LCD hay QLED. Người dùng phải chú trọng hơn với việc xếp đặt vị trí để, để TV hoặc thiết kế phòng khách nhà mình.
4. TV cần có nhiều cổng HDMI
Cổng HDMI đặc biệt quan trọng với những người thích chơi game ở nhà, hoặc kết nối TV với máy tính. Số lượng cổng HDMI càng nhiều càng tốt. Bởi nó thuận tiện cho việc truyền hình ảnh chất lượng cao và âm thanh sống động hơn. Và đôi khi, một cổng HDMI là không đủ.
Vì vậy, trước khi mua TV, hãy nghĩ kỹ xem mình có cần kết nối TV với các thiết bị khác hay không. Nếu số cổng kết nối không đủ sẽ mang lại nhiều rắc rối. Ngoài ra, cần xác nhân cổng HDMI trên thiết bị thuộc tiêu chuẩn nào. Có sự khác biệt giữ HDMI 1.4 và HDMI 2.0, hai tiêu chuẩn cao nhất hiện nay.
HDMI 1.4 hỗ trợ lên đến 24Hz ở độ phân giải 4096×2160, lên đến 30Hz ở độ phân giải 3820×2160. Nhưng HDMI 2.0 có thể hỗ trợ lên đến 60Hz ở độ phân giải 3840×2160 (UHD hay 4K). Hầu hết các TV UHD sẽ hỗ trợ cổng HDMI 2.0, tuy nhiên vẫn nên kiểm tra kỹ trước khi mua.
5. Kiểm tra góc nhìn
Khi xem TV, không có nhiều người ngồi thẳng trước màn hình một cách nghiêm túc. Có rất nhiều tình huống người xe thường nằm, hoặc ngồi ở bên cạnh. Đây cũng là lý do tại sao cần xem xét góc nhìn khi chọn TV. Hình ảnh xuất hiện trong màn hình sẽ thay đổi theo góc và việc xem TV ở nhiều góc độ với chất lượng hình ảnh khác nhau là một vấn đề lớn.
Một khảo sát người dùng ở Mỹ và Pháp cho thấy hơn 50% người dùng thường không xem TV ở vị trí chính diện. 55% người được hỏi cho biết khi xem TV từ bên cạnh, chất lượng hình ảnh sẽ thấy hơn so với nhìn thẳng từ phía trước.
Do đó, khi chọn mua TV, đừng chỉ đứng thẳng phía trước thiết bị để đánh giá sản phẩm. Tốt hơn hết hãy đến trung tâm thương mại và tự mình xem liệu có cùng nhìn thấy một màu ở các góc độ khác nhau hay không.
6. Cân nhắc về thiết kế sản phẩm
Các nhà sản xuất đang hướng tới việc tạo ra các TV ngày càng mỏng hơn, với các thiết kế đa dạng như khung tranh, dán tường, thậm chí là “linh hoạt” hay có thể “cuộn” được. Tùy theo thiết kế phòng khách gia đình, hãy lựa chọn và xem xét thiết bị như thế nào là phù hợp nhất, bao gồm cả hệ thống cáp và dây nối, thiết bị ngoại vi tích hợp. Các TV khi đặt trong siêu thị thường tinh giản các dây kết nối này. Một số mẫu TV đi kèm chân đế “thông minh”, hỗ trợ việc giấu các loại dây nối này, giúp cho việc xếp đặt TV sau này dễ dàng hơn.
7. Công nghệ bảo vệ mắt
Là con dao hai lưỡi, các thiết bị điện tử có màn hình bao gồm TV sẽ gây ra những nguy hại nhất định cho mắt. Các chuyên gia sức khỏe cũng khuyên không nên xem TV trước khi đi ngủ, bởi vì màn hình thường phát ra ánh sáng màu xanh. Ánh sáng xanh ngăn chặn việc sản xuất melatonin, một loại hormone thúc đẩy giấc ngủ. Nếu thường xem TV vào ban đêm, bạn cũng nên chú ý đến nhiệt độ màu. Giảm lượng ánh sáng xanh sẽ hiển thị màu sắc ấm hơn, giúp mắt người thoải mái, dễ ngủ sau đó.
Và lượng ánh sáng xanh từ các màn hình khác nhau cũng khác nhau. Về cơ bản, so với OLED thì TV LCD phát ra nhiều ánh sáng xanh hơn. Công nghệ QLED cũng Samsung cũng đã cải tiến phần nào sự phát xạ của ánh sáng xanh này, nhưng chưa thể nói là hoàn hảo.
Tham khảo ZOL