Xây dựng và cấp mã số vùng trồng là một trong những khâu then chốt nhằm góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc xuất khẩu chính ngạch.
Việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) đã và đang được ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng triển khai để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo sức cạnh tranh, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị và hiệu quả kinh tế cho nông sản đặc thù của từng địa phương.
Sầu riêng, ớt, sen, sắn nước, bưởi… là những cây trồng đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: NGỌC HÂN |
Tấm vé thông hành cho nông sản xuất khẩu
MSVT là mã định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất nông sản.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết: MSVT được xem là “tấm vé thông hành” cho nông sản xuất khẩu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng ngon, đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Đến nay, toàn tỉnh có 29 vùng trồng với tổng diện tích hơn 248ha được cấp MSVT và 1 cơ sở đóng gói được xuất khẩu. Trong đó, có 7 MSVT xuất khẩu trên cây sầu riêng, ớt, đậu đỏ, đậu ván; 22 MSVT nội địa, tập trung chủ yếu trên cây lúa và một số ít cây trồng khác như sen, dâu tằm, dưa hấu, bưởi, đậu phộng…
Theo ông Huỳnh Thái Bình, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), xác định xây dựng MSVT có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm tại thị trường trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu, năm 2022 HTX đã được cấp 3 MSVT xuất khẩu là đậu đỏ, ớt và đậu ván với tổng diện tích hơn 27ha.
“Việc cấp MSVT không chỉ giúp HTX tiêu thụ hàng hóa ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa hoạt động trồng trọt, đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hạn chế rủi ro từ việc cung vượt cầu, được mùa mất giá. Vì vậy, thời gian tới, HTX sẽ nhân rộng diện tích có MSVT để tăng sản lượng, đủ điều kiện chứng nhận VietGAP, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu”, ông Bình cho hay.
Ông Phạm Ngọc Tuyên, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hòn Đen ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) cho biết: Nhờ thực hiện đúng tiêu chuẩn về điều kiện canh tác, 21,5ha sầu riêng của tổ hợp tác đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đồng ý cấp mã số VN-PY0R-0005. Sau khi được cấp MSVT, các thành viên trong tổ hợp tác còn được ngành Nông nghiệp tập huấn, cập nhật kiến thức về quy trình kỹ thuật, chăm sóc, bón phân, ghi nhật ký canh tác, các yêu cầu nghiêm ngặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm để xuất khẩu.
Từng bước khắc phục khó khăn
Ông Nguyễn Xuân Lãm, Trưởng trạm Kiểm dịch thực vật nội địa thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cấp MSVT trên địa bàn tỉnh đang gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, yêu cầu về diện tích cho vùng trồng để tham gia thị trường xuất khẩu tối thiểu là 10ha, trong khi diện tích canh tác của người dân trong tỉnh rất thấp (cây lâu năm 1ha, cây hàng năm 0,1ha), vì vậy để thiết lập vùng trồng cần khoảng 50-100 nông dân đồng thuận tham gia. Do đó rất khó để chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tại vùng trồng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đối với cây trồng ngắn ngày, nông dân thường xuyên thay đổi cây trồng sau mỗi vụ, hoặc trồng xen nhiều loại cây trồng, gây khó khăn trong công tác quản lý dịch hại, khó áp dụng đồng nhất các quy trình kỹ thuật, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu. Một số vùng trồng là do nông dân vùng khác đến thuê đất để sản xuất trong vài vụ, nên không thể duy trì MSVT được cấp, dẫn đến tiến độ thiết lập MSVT còn chậm so với tiềm năng, quy mô diện tích của từng loại cây trồng tại địa phương.
Ngoài ra, khi vùng trồng được cấp mã số thì người sản xuất trực tiếp phải cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu để quản lý, trong khi kiến thức, trình độ của người sản xuất ở nhiều nơi, nhiều vùng chưa thể làm ngay được.
Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, MSVT và cơ sở đóng gói là 2 tiêu chuẩn quan trọng để tham gia xuất khẩu nông sản sang thị trường thế giới. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp rất quan tâm xây dựng MSVT, phối hợp doanh nghiệp xây dựng mã số cơ sở đóng gói để thực hiện tốt khâu xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, số lượng MSVT được chứng nhận trên thị trường còn hạn chế, nguyên nhân do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; nông dân còn canh tác theo kiểu truyền thống. Đa số nông dân chưa thấy được lợi ích của việc xây dựng và đăng ký MSVT cho nông sản, chưa có thói quen ghi chép nhật ký canh tác… ảnh hưởng đến việc truy xuất nguồn gốc và gặp khó khăn trong xây dựng MSVT.
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thiết lập và quản lý MSVT cho nông dân, tổ chức, cá nhân liên quan; giúp nông dân nâng cao nhận thức trong việc chỉ có xuất khẩu nông sản mới mang lại giá trị kinh tế cao và đặc biệt là thay đổi tập quán sản xuất, phải liên kết sản xuất theo quy trình kỹ thuật canh tác, ghi chép sổ tay nhật ký sản xuất; tuân thủ các quy định sản xuất, không trồng xen nhiều loại cây trồng trong diện tích thực hiện MSVT; đồng thời cần tham gia liên kết, hình thành các tổ hợp tác, HTX”, bà Thủy nhấn mạnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 27 vùng trồng với tổng diện tích hơn 248ha được cấp MSVT và 1 cơ sở đóng gói được xuất khẩu. Trong đó, có 7 MSVT xuất khẩu trên cây sầu riêng, ớt, đậu đỏ, đậu ván; 22 MSVT nội địa, tập trung chủ yếu trên cây lúa và một số ít cây trồng khác như sen, dâu tằm, dưa hấu, bưởi, đậu phộng, sắn nước… |
NGỌC HÂN
Nguồn Báo Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320017/nang-tam-gia-tri-nong-san-nho-ma-so-vung-trong.html