Khát vọng hội tụ, kiến tạo kết nối kinh tế vùng

Sau nhiều năm chuẩn bị, được Bộ Chính trị đồng ý, trên cơ sở thống nhất báo cáo của Chính phủ và được Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư (ngày 16-6-2022) Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, với nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt được áp dụng, có tổng mức đầu tư dự kiến 85.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 2021-2028, nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển hạ tầng và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030. Đây là thời điểm lịch sử đánh dấu chính thức đưa dự án giao thông lớn hiện thực hóa khát vọng hội tụ, kiến tạo kết nối kinh tế vùng, tạo động lực phát triển mới. 

Bài 1: Dự án tạo bứt phá mới

 

Tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới  cho toàn vùng. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trước năm 2027 theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, chiều 30-9- 2022, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh đã ký cam kết và giao ước thi đua bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Sự kiện này một lần nữa khẳng định, hiếm có dự án nào mà tinh thần và ý chí quyết tâm thực hiện lại được cụ thể hóa một cách nhanh chóng, mạnh mẽ như vậy.

Đề xuất “hợp tình, hợp lý, hợp xu thế phát triển”

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, khi được phê duyệt có chiều dài 112,8 km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng để có một dự án hoàn chỉnh.
Nhìn lại quá trình báo cáo tiền khả thi, ban đầu đoạn đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 23,8 km; điểm đầu tại xã Nguyệt Đức (Thuận Thành); đi qua 7 xã, phường của thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ, Thuận Thành (nay đã thành thị xã); điểm cuối tại phường Phượng Mao. Đoạn tuyến từ QL.18 mới đến QL. 18 cũ (tuyến nối), đơn vị tư vấn đề xuất kéo dài khoảng 2 km, quy hoạch trùng hướng tuyến ĐT.278. Trên tuyến dự kiến xây dựng cầu Hoài Thượng vượt qua sông Đuống tại Km92+300 và các nút giao liên thông với QL.38, QL.17 và cao tốc Nội Bài – Hạ Long cùng các nút giao khác với các tuyến đường tỉnh hiện hữu, quy hoạch…

Phối cảnh Dự án Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn cũng như hướng phát triển, tỉnh Bắc Ninh đề nghị bổ sung vào dự án đoạn nối tuyến dài 2km đến QL18 hiện tại và đoạn 9km khép kín đường Vành đai 4 với cao tốc Nội Bài- Hạ Long (tại điểm nút giao phía Tây Nam thành phố); thiết kế các nút giao hoa thị, cầu Hoài Thượng hoàn chỉnh… Đề xuất “hợp tình, hợp lý, hợp xu thế phát triển” nhanh chóng được chấp thuận. Vì thế, trong phương án được Quốc hội phê duyệt, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài là 35,3km, đi qua huyện Gia Bình, 2 thị xã Thuận Thành, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh. Phân kỳ đầu tư đồng bộ toàn tuyến bảo đảm quy mô 4 làn xe. Dự án vừa được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 5.210 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng 2.480 tỷ đồng và đầu tư đường hai bên 2.730 tỷ đồng; ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng là 2.110 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Bắc Ninh là 3.100 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành.

Kiến tạo trục liên kết vùng

Nghị quyết của Quốc hội khẳng định việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Vành đai 4-Vùng Thủ đô sẽ giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội, phân giải mạnh mẽ áp lực cho Vành đai 3 hiện đang quá tải về mật độ giao thông.

Cầu Hoài Thượng (thị xã Thuận Thành) vượt sông Đuống được xây dựng trên tuyến tạo thông thương phát triển.

Đánh giá của các chuyên gia, đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội ra đời không chỉ là vành đai liên tỉnh mà còn là vành đai đô thị, như trục xương sống để tách giao thông liên tỉnh ra khỏi giao thông nội đô, giảm áp lực cho giao thông nội đô. Toàn bộ những chuyến quá cảnh, những chuyến trung chuyển sẽ qua Vành đai 4 để kết nối với 6 cao tốc, 8 đường quốc lộ và 9 đường trục chính của Vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, đường Vành đai 4 còn góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của Hà Nội mà còn của các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Bởi vì khi đường Vành đai 4 hoàn thành sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, logistics; tạo tiền đề cho Bắc Ninh và các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch, văn hóa, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, đối với thị trường bất động sản, đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ bổ sung hàng nghìn héc ta đất để phát triển bất động sản khu công nghiệp, bất động sản nhà ở với đa dạng các phân khúc. Những yếu tố đó chắc chắn sẽ tạo nên một “cú hích” kích thích kinh tế thị trường phát triển sôi động; tạo cơ hội và điều kiện cho nhiều người có nhà ở, nâng cao đời sống người dân trong vùng.
Sau nhiều năm ấp ủ “siêu dự án” Vành đai 4- Vùng Thủ đô đã chính thức được 3 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên triển khai với sự cam kết mạnh mẽ của 3 tỉnh, thành phố về tiến độ dự án. Theo đó, ngày 30-9-2022, thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện thể hiện quyết tâm chính trị, tinh thần chung sức, đồng lòng của 3 địa phương, tất cả vì thành công của dự án, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước.
Tựu chung lại, đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là trục liên kết vùng, trở thành con tàu kéo cả Vùng Thủ đô phát triển và tiến về phía trước, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ. Với khả năng kết nối giao thông cùng những lợi ích và tiềm năng to lớn trên nhiều lĩnh vực, dự án thực sự là bước đi đột phá, một dấu ấn lịch sử.

Uyên-Hoàn Lan

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/khat-vong-hoi-tu-kien-tao-ket-noi-kinh-te-vung