Theo các chuyên gia quân sự, kế hoạch nâng cấp Không quân lịch sử hiện nay của Mỹ là nhằm đối phó với các cuộc chiến tranh quy mô lớn trong thế kỷ 21, với Nga hoặc với Trung Quốc.
Tháng 9/2018, tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Không quân Mỹ, bà Heather Wilson – Tư lệnh Không quân của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã giới thiệu một lộ trình phát triển mới: Tiếp tục mở rộng và tăng cường sức mạnh cho Không quân Mỹ, dù tính tới thời điểm hiện tại, đây vẫn đang là lực lượng lớn nhất thế giới.
Kế hoạch của bà Wilson được xây dựng dựa trên những đánh giá về tình hình thực tiễn: Nga tổ chức một cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong vòng 4 thập kỷ gần đây còn Trung Quốc cũng đã triển khai chiếc tàu sân bay đầu tiên ra hoạt động trên Thái Bình Dương và không ngừng “quân sự hóa” Biển Đông.
Tất cả những diễn biến này dường như tái hiện một tình thế khó xử trong chính sách an ninh toàn cầu: Thế phòng thủ của một nước giống như đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào nước khác và ngược lại.
Kế hoạch mở rộng không quân lớn nhất kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc
Bà Wilson giải thích rằng, Không quân Mỹ sẽ mở rộng các phi đoàn đang hoạt động hiện nay từ con số 312 lên 386 trong giai đoạn từ 2025 đến 2030, tức tăng tới 25%, mức lớn nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Mỗi một phi đoàn Không quân Mỹ được biên chế từ 12-14 máy may. Như vậy, kế hoạch mở rông của bà Wilson đồng nghĩa với việc không quân nước này sẽ tiếp nhận thêm 1.000 máy bay ném bom, tiêm kích, máy bay không người lái, máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay trinh sát mới.
Theo trang mạng Military.com, khoảng 25 tỷ USD sẽ được bổ sung vào ngân sách không quân hàng năm và lực lượng này cũng sẽ được biên chế thêm không ít hơn 40.000 nhân viên.
Còn theo tài liệu độc quyền mà Tạp chí Foreign Policy tiếp cận được thì khoản đầu tư gia tăng lớn nhất cho các phi đoàn mới là dành cho các đơn vị máy bay ném bom có thể trang bị vũ khí hạt nhân.
Nhưng quan trọng hơn cả, là chúng được dùng cho mục đích phá hủy các mục tiêu cố định như các tòa nhà chỉ huy hoặc cơ sở hạ tầng trọng yếu chứ không phải các đơn vị cơ động. Điều này đánh dấu một bước chuyển đổi chiến lược: đặt mục tiêu tập trung phát động chiến tranh đối phó với các quốc gia, chứ không còn chỉ là các tổ chức khủng bố.
Ngoài ra, còn có một sự gia tăng lớn về số lượng các máy bay tiếp nhiên liệu trên không, những phương tiện hiện đang được triển khai yểm trợ cho cuộc chiến của liên minh Saudi Arbia và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất tại Yemen với những sa mạc trải dài tưởng như vô tận. Sứ mệnh này sẽ không thể hoàn thành nếu thiếu vắng các máy bay tiếp nhiên liệu của Mỹ.
Một trọng tâm nữa trong kế hoạch của bà Wilson là việc thành lập lực lượng Vũ trụ – binh chủng thứ 6 của Quân đội Mỹ. Tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa chương trình này vào trong chiến lược an ninh quốc gia của mình, đồng thời tuyên bố “vũ trụ là một chiến trường, giống như trên bộ, trên không và trên biển”.
Điều máy bay chiến đấu áp sát biên giới Nga
Trong những năm gần đây, NATO đã triển khai một lượng binh lính lớn nhất kể từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc ở sườn cánh Đông áp sát biên giới Nga.
Một tổng hành dinh mới của NATO đang được xây dựng ở Đức phục vụ mục đích hiệp đồng việc di chuyển các binh lính trên quy mô lớn. Trong trường hợp quân sự hóa lục địa châu Âu leo thang, Không quân Mỹ cũng sẽ được huy động áp sát cửa ngõ nước Nga.
Ở tất cả các quốc gia thành viên NATO thuộc Đông Âu, Mỹ đều đang đầu tư hàng chục triệu đô la mở rộng các căn cứ không quân: hơn 50 triệu USD rót vào một căn cứ ở Hungary, hơn 60 triệu USD phân bổ cho hiện đại hóa 2 căn cứ không quân ở Romania và 2 căn cứ ở Slovakia sẽ được nâng cấp bằng khoản tiền 100 triệu USD…
Đa phần các nguồn vốn này được đầu tư cho kế hoạch xây dựng các hạ tầng cơ sở phục vụ chiến tranh như những nhà chứa máy bay mới hay kho tích trữ vũ khí và nhiên liệu.
Cùng với hàng trăm binh lính, Không quân Mỹ gần đây cũng đã điều động hàng chục tiêm kích phản lực mới tới Romania, trong đó có 12 chiếc A-10 Thunderbolts vũ trang các đầu đạn uranium phóng xạ.
Các máy bay tác chiến không người lái Reaper đã được Mỹ triển khai tới Ba Lan từ nhiều tháng nay, và chắc chắn chúng cũng sẽ sớm có mặt tại Romania.
Cả việc điều động một lực lượng không quân lớn tới Đông Âu và việc thành lập binh chủng Vũ trụ đều cho thấy rõ xu hướng Mỹ sẽ dần từ bỏ học thuyết “Chống khủng bố” đã thực thi từ 17 năm qua. Trong khi đó, Triều Tiên, Iran hay Syria cũng không còn là mục tiêu chủ yếu của kế hoạch tái sắp xếp lực lượng quy mô lớn như vậy của Washington.
Theo các chuyên gia quân sự, kế hoạch nâng cấp Không quân lịch sử này của Mỹ rõ ràng đang cho thấy một một sự chuyển đổi về học thuyết quân sự để đối phó với các cuộc chiến tranh quy mô lớn trong thế kỷ 21, với Nga hoặc với Trung Quốc.
Video các binh lính Mỹ tập trận cùng lính Ukraine gần bán đảo Crimea