Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, giá trị hình ảnh của thầy Park là rất tích cực, mang đến nhiều điều lợi cho VFF và sẽ đóng 20% tính quyết định lương trên bàn đàm phán.
Đã có nhiều tin đồn rằng VFF sẽ đề nghị nâng lương cho thầy Park lên mức 40.000 – 50.000 USD/tháng. Phía đại diện của thầy Park thì được cho là muốn nâng lên 100.000 USD/tháng. Những cuộc đàm phán tới đây về chuyện lương bổng có thể không quá mức ác liệt vì đôi bên đều dành tình cảm cho nhau, nhưng sẽ không kém phần phức tạp.
Trong đó, ngoài yếu tố chuyên môn, giá trị hình ảnh của thầy Park sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhận định về giá trị hình ảnh của thầy Park, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long thuộc công ty truyền thông Mặt Trăng Đen cho biết:
“Giá trị truyền thông của 1 người thường chia làm 2 mảng, 1 là chuyện bên lề, 1 là thành tích chuyên môn.
Giá trị truyền thông nhờ thành tích của thầy Park thì không ai phủ nhận được. Các đội tuyển Việt Nam dưới thời thầy Park có rất nhiều thành tích tốt. Những thành tích đó đương nhiên thu hút sự quan tâm của truyền thông Việt Nam và thế giới.
Về chuyện bên lề, những câu chuyện theo kiểu “tin đồn” mang tính giải trí, câu khách không có nhiều với HLV Park Hang-seo.
Ví dụ gần đây có một cô gái ăn mặc sexy lao vào trận Chung kết Champions League thì rất thu hút truyền thông mà không cần giá trị chuyên môn, cũng chẳng liên quan tới bóng đá. Nhưng thầy Park không tạo ra giá trị truyền thông nhờ các câu chuyện như vậy.
Thầy Park tập trung vào chuyên môn thôi và không tạo ra giá trị truyền thông nhờ các tin đồn kiểu giật gân. Song dù không tạo ra các câu chuyện “tin đồn” khiến mọi người chú ý, nhưng ông Park lại làm rất giỏi việc giáo dục nhân cách cho học trò. Dưới thời ông ấy, chúng ta có lứa cầu thủ nhân cách tốt.
Điều đó tạo ra những câu chuyện hậu trường như cách ứng xử, ăn mừng, chia sẻ niềm vui với NHM, khó khăn – niềm vui với nhau, bản lĩnh để trả lời truyền thông quốc tế… Đấy cũng là giá trị lớn về mặt truyền thông.
Hiện tại mọi người đang bàn tán về mức thù lao cho thầy Park. Nếu chỉ nói về thành tích thì là 1 mức, còn tính thêm giá trị truyền thông thì sẽ tăng thêm nữa. Giá trị truyền thông của thầy Park không phải dạng giải trí mà rất ý nghĩa, mang lại hình ảnh đẹp.
Nếu làm truyền thông theo kiểu khùng điên gì đó, ầm ĩ lên thì cũng là một cách nhưng rất phi thể thao. Còn câu chuyện của thầy Park là giá trị truyền thông rất đẹp. Nó cũng sẽ quay ngược trở lại giúp tăng cao tinh thần thi đấu của đội tuyển, sự cổ vũ của NHM. Nó cũng góp phần tạo nên thành tích”.
Khi được hỏi, hình ảnh đẹp của HLV Park Hang-seo có thể giúp ích, mang lại những gì cho VFF, chuyên gia Ngọc Long tiếp:
“Có 2 vấn đề chúng ta cần phân tích. Đầu tiên là giá trị truyền thông của thầy Park dựa trên bản hợp đồng với VFF. Đây không chỉ là câu chuyện dẫn dắt đội tuyển mà còn khai thác hình ảnh.
Điều đó sẽ cần cộng thêm vào trên bàn đàm phán. Ví dụ bạn thuê HLV về không chỉ làm chuyên môn mà còn làm quảng cáo, làm này làm kia thì rõ ràng sẽ tạo ra doanh thu ngoài sân cỏ.
Nhưng ở đây chúng ta không biết hợp đồng giữa VFF với thầy Park có bao gồm điều đó hay không. Có thể thầy Park đang có người quản lý hình ảnh và việc khai thác hình ảnh khi quảng cáo của thầy Park lại do đơn vị khác hưởng quyền lợi thì HLV Park có nổi tiếng đến đâu cũng không mang lại giá trị ở mảng quảng cáo cho VFF.
Vấn đề thứ 2 là các giá trị mà hình ảnh của thầy Park đem lại, không chỉ là các hợp đồng quảng cáo.
Ví dụ trong một tập thể, bạn có người lãnh đạo có hình ảnh đẹp thì nhân viên ở dưới cũng hào hứng hơn. Rồi thầy Park muốn triệu tập lực lượng hay tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài cũng dễ dàng hơn. Điều đó cũng tạo ra giá trị khác cho đội tuyển, từ các nguồn lực bên ngoài, nhờ việc ông ấy có hình ảnh tốt”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, giá trị hình ảnh tốt cũng chỉ có 20% tính quyết định về lương bổng của thầy Park trên bàn đàm phán, 80% vẫn phụ thuộc chuyên môn, thành tích.
“Giá trị hình ảnh ảnh hưởng nhiều hay ít trên bàn đàm phán thì còn tùy thuộc chiến lược ở từng thời điểm. Nhưng để đưa ra con số ước chừng thì tôi nghĩ 80 – 20 thôi. 80% vẫn là dựa vào khả năng chuyên môn, dẫn dắt đội tuyển. Còn 20% vẫn là mang nghĩa “hỗ trợ” cho chuyên môn thôi”.
Khi được hỏi, nếu định giá cụ thể giá trị truyền thông của thầy Park thì sẽ đưa ra được con số nào, chuyên gia Ngọc Long tiếp:
“Muốn biết giá trị hình ảnh một người thì cần xem họ đang có bao nhiêu hợp đồng hình ảnh là sẽ biết. Ở đây chúng ta dựa trên 2 giá trị hình ảnh ông Park mang lại, 1 là quảng cáo, 2 là các mối quan hệ để tạo ra quyền lợi khác.
Nếu tôi là một bên định mua trắng thương quyền khai thác hình ảnh, tôi sẽ phải căn cứ theo dự định ký được cho ông Park bao nhiêu hợp đồng, với nhãn hàng nào… Nếu tôi đang có 10 khách hàng thì nhân lên, hoặc bên khác họ dự định có 30 nhãn hàng thì nhân lên. Vì thế, giá trị hình ảnh của thầy Park hay một ai khác, dựa trên tiềm năng khai thác của bên nắm giữ thương quyền nhiều hơn.
Còn chuyện khai thác các mối quan hệ của thầy Park thì lại dựa trên chiến lược của VFF. Ví dụ VFF định đưa ĐTQG Thái Lan về giao hữu với Việt Nam. Bình thường ví dụ tôi phải chi 100.000 USD, nhưng nhờ quan hệ của thầy Park thì chỉ phải bỏ ra 30.000 USD. Giờ định mời 3 đội thì số lợi sẽ là 210.000 USD. Ví dụ như vậy.
Vì thế giá trị hình ảnh của thầy Park sẽ đo đếm bằng việc các bên khai thác được đến đâu”.
Khi được hỏi, nếu xếp hạng so với các nhân vật nổi tiếng khác của Việt Nam, giá trị hình ảnh của thầy Park nằm ở mức nào, chuyên gia Ngọc Long cho rằng nằm ở top đầu ở lĩnh vực thương mại.
“Giá trị, tầm ảnh hưởng thì phải xem đến nhóm đối tượng nào, lĩnh vực nào. Ví dụ Hoài Linh, Mỹ Tâm là giải trí, còn cô Tôn Nữ Thị Ninh, hay chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì sức ảnh hưởng lại ở mảng chính trị, hoạch định chính sách.
Nếu nói ở lĩnh vực thương mại, cá nhân tôi sẽ sếp ông Park ở nhóm top đầu. Vì tất cả mọi người, già trẻ lớn bé, nông thôn hay thành thị đều biết ông Park. Ông ấy đang ở lĩnh vực tất cả đều quan tâm, phổ rất rộng, hình ảnh rất tích cực.
Ông ấy còn có sức ảnh hưởng về mặt ngoại giao. Bên Bộ ngoại giao Hàn Quốc đã đưa ra thay đổi về mặt điều kiện cấp visa cho Việt Nam.
Ví dụ trước đây họ không cấp visa 5 năm nhưng sau các thành công của ông Park, họ nhìn thấy sự hâm mộ của người Việt Nam với ông Park thì đưa ra việc cấp visa 5 năm. Đó là một trong các chỉ dấu cực kì quan trọng và cho thấy ảnh hưởng của ông Park trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao”.
Dù hình ảnh tốt đẹp là vậy, nhưng chuyên gia Ngọc Long cũng nhận định rằng điều quan trọng nhất là HLV Park Hang-seo phải duy trì được thành công. Nếu một ngày thành công không còn đến với thầy Park, giá trị hình ảnh cũng sẽ sút giảm nhanh chóng.
“Hình ảnh dựa trên chuyên môn. Ở trên chúng ta đã đánh giá tỷ lệ 80 – 20, là các giá trị bên ngoài chỉ ảnh hưởng khoảng 20% đến giá trị hợp đồng cho thầy Park. 80% đến từ chuyên môn.
Nếu thành tích của ông sa sút thì hình ảnh sẽ ảnh hưởng. Bóng đá là môn cạnh tranh trực tiếp, nếu thua vài lần thì còn được thông cảm nhưng thua mãi sẽ không ổn. Không thể nói vì tôi yêu quý nên bạn cứ thua đi cũng được. Số đông vẫn cần niềm vui chiến thắng.
Giá trị truyền thông của ông Park tăng cao vì khi chiến thắng đã được truyền thông tung hô. Giờ nếu không thắng, truyền thông không tung hô thì làm sao tạo được ảnh hưởng nữa”.