Một trong những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong cuối tháng 4/2021 thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu. Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 18/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất đối với hàng hóa XNK tại chỗ. Nghị định này được ban hành để sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2021.
Nghị định 18/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định về áp dụng thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu tại chỗ sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP, Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ (trừ trường hợp tại điểm c khoản 3 Điều 3 nghị định 134/2016/NĐ-CP) thì áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP, Nghị định 57/2020/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu tại chỗ thuộc Danh mục hàng hóa áp dụng hạn ngạch thuế quan thực hiện theo quy định về Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng cũng được áp dụng hạn ngạch thuế quan quy định tại các Nghị định nêu trên (nếu có).
Tiếp đó, từ ngày 27/4/2021, Hội đồng thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được bổ sung theo Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT đã bổ sung thành phần Hội đồng thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, thành phần Hội đồng thi gồm:
– Chủ tịch là Giám đốc sở GDĐT (hoặc là Phó Giám đốc sở GDĐT trong trường hợp đặc biệt);
– Các Phó Chủ tịch là Phó Giám đốc sở GDĐT, lãnh đạo phòng có chức năng quản lý giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên cấp THPT và công tác thi tốt nghiệp THPT thuộc sở GDĐT (trước đó, Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT chỉ quy định các Phó Chủ tịch là Phó Giám đốc sở GDĐT và một số Trưởng phòng chuyên môn của sở GDĐT)
– Các ủy viên là lãnh đạo một số phòng thuộc sở GDĐT và Hiệu trưởng trường phổ thông; trong đó, ủy viên thường trực là lãnh đạo phòng có chức năng quản lý công tác thi tốt nghiệp THPT thuộc sở GDĐT (gọi chung là phòng Quản lý thi).
Như vậy, theo Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT, Phó Chủ tịch Hội đồng thi cũng có thể lãnh đạo phòng có chức năng quản lý giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên cấp THPT và công tác thi tốt nghiệp THPT thuộc sở GDĐT.
Ngoài quy định trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mới ban hành thông tư số 07/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao cũng có hiệu lực từ ngày 27/4/2021. Theo Thông tư này, mỗi học sinh trường phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao (TDTT) đều được biên chế ở 02 loại lớp:
Một là lớp học kiến thức văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông gồm những học sinh có cùng trình độ văn hóa, có thể không cùng độ tuổi. Thứ hai là lớp học năng khiếu TDTT gồm những học sinh có cùng trình độ chuyên môn về môn thể thao, có thể không cùng trình độ kiến thức văn hóa và độ tuổi.
Tuy nhiên, mỗi lớp năng khiếu thể thao sẽ không quá 25 học sinh và mỗi học sinh chỉ được học ở 01 lớp năng khiếu TDTT.
Trong cuối tháng 4/2021, một quy định để xác định doanh nghiệp công nghệ cao cũng đã được đưa ra và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/4/2021.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Tại Quyết định, các tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao phải đảm bảo được những điều kiện sau:
– Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp;
– Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm:
– Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;
– Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp nêu trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;
– Đối với doanh nghiệp không thuộc các trường hợp trên phải đạt ít nhất 2%.
– Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh trên tổng số lao động:
– Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;
– Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp nêu trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;
– Đối với doanh nghiệp không thuộc các trường hợp trên phải đạt ít nhất 5%.
Trước đó, Quyết định 19/2015/QĐ-TTg hết hiệu lực từ 20/4/2021 chỉ quy định tỷ lệ lao động đối với Doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc Doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người. Việc ban hành Quyết định 10/2021/QĐ-TTg được đánh giá là đúng lúc, kịp thời và cần thiết.
Theo Gia Hải (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/mot-so-chinh-sach-quan-trong-se-co-hieu-luc-tu-cuoi-thang-4-2021-d153773.html