Trong một bài viết mới đây, Graham Hunter đưa ra nhận định ngay từ tít: “Ronaldo lấy động lực từ Messi. Messi lấy động lực từ chính mình”. Đây là một nhận định rất đáng được mổ xẻ.
Chín năm làm đối thủ trực tiếp của nhau, từ La Liga, Cúp Nhà vua cho đến Champions League của Ronaldo và Messi đã kết thúc. Ronaldo đã tìm đến một chân trời mới, khiến cho họ chỉ còn có cơ hội (cũng khá ít ỏi) chạm trán nhau ở sân chơi châu Âu. Vậy thì sự thay đổi này có tác động như thế nào đến mỗi người.
Sự tác động ấy có vẻ lớn hơn ở Ronaldo. Anh đã đá trọn vẹn ba trận đầu tiên ở Serie A, và chưa ghi được một bàn nào. Anh có một pha kiến tạo trong trận gặp Lazio, từ một tình huống… sút hụt. Nhìn Ronaldo thi đấu, ta vẫn thấy sự tận hiến quen thuộc. Nhưng đã có một cái gì đó đang chết trong lòng anh, xuất phát từ việc anh không còn đối thủ để nhìn vào hàng tuần nữa.
Khi Ronaldo chuyển sang La Liga vào 9 năm trước, anh ở vào thế luôn bị kém Messi một bậc. Rừng nào cọp nấy, Ronaldo chỉ mới chân ướt chân ráo sang Tây Ban Nha, trong một đội hình gần như thay mới toàn bộ cùng sự trở lại của Florentino Perez. Một cỗ máy đang lắp ghép, quá vụng về so với Barcelona đang bước vào thời kỳ hoàng kim của mình.
Lionel Messi, đứa con cưng từ La Masia, được Pep Guardiola và Ban lãnh đạo nâng niu như quốc bảo của xứ Catalonia. Từ năm 2009 đến 2012, Messi giành bốn Quả bóng vàng liên tiếp. Ronaldo cứ lẩm bẩm câu hát “Suốt đời anh, mãi mãi là người đến sau”.
Nếu là người khác, thì đã bỏ cuộc từ lâu rồi.
Nhưng Ronaldo không bỏ cuộc. Cứ sau mỗi thất bại, anh nỗ lực nhiều hơn. Anh biết mình không có những điểm mạnh thật sự vượt trội, nhưng anh đã cố gò sao cho mình trở thành một cầu thủ không có điểm yếu. Con đường của Ronaldo, quả thực rất giống với David Beckham, người mà anh đã kết thừa chiếc áo số 7 tại Man United.
Trong thế hệ 1992 của Old Trafford, Becks là cái tên duy nhất vươn đến tầm siêu sao toàn cầu, cho dù luận về tài năng, anh là tiền vệ kém nhất trong bộ tứ. Sir Alex Ferguson luôn khen Nicky Butt như một trong những cậu học trò ưng ý nhất. Ryan Giggs có tốc độ xé gió ở cánh trái, Paul Scholes có nhãn quan bậc thầy.
Nhưng Becks siêng hơn tất cả. Anh cố rèn sao cho những pha chặn bóng của mình ngọt nhất, những quả tạt chính xác nhất và những cú sút phạt hàng rào nguy hiểm nhất. Giai thoại kể rằng Beckham nhờ bạn căng một chiếc khăn mùi xoa trong vòng cấm, anh tạt chừng nào… trúng cái khăn thì thôi, cứ thế làm hết ngày này qua ngày khác.
Ronaldo cũng tập luyên điên cuồng như thế. Nhưng anh chẳng những tập kỹ năng, anh còn tập gym, sao cho cơ thể không còn một chút mỡ thừa. Anh là một VĐV thể thao điển hình, luôn theo phương châm nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn. Và khi làm việc ấy, anh thường làm… một mình.
Thật vậy. Ronaldo chơi trong một môn tập thể, nhưng với một tư duy rất cá nhân: hôm nay phải tốt hơn hôm qua. Quinton Fortune, một trong những người bạn đầu tiên của Ronaldo tại Man United, kể lại câu chuyện sau:
“Thời gian đầu, chúng tôi rất hay chọc ghẹo Ronaldo, về làn da, hàm răng, quần áo, bởi cậu ấy rất thích mặc quần bó. Tất nhiên là Ronaldo chẳng thích bị chọc tí nào. Những cầu thủ đàn anh thường xuyên đoạt bóng trong chân cậu ấy và chọc: Beckham sẽ quay về và lấy lại chiếc áo số 7 thôi.
Kết quả? Ronaldo tập như điên, cho đến khi không ai có thể xoạc bóng trong chân cậu ấy nữa. Cậu ấy lấy vật cột vào mắt cá cho nặng. Để rồi khi cởi ra, cậu ấy làm động tác giả cho thật nhanh, thật nuột. Cứ đánh bại cậu ấy trong một trận đấu, cậu ấy sẽ điên lên và tập để lần sau chuyện ấy không xảy ra nữa. Ronaldo bị ám ảnh bởi sự cạnh tranh, ám ảnh bởi việc trở thành số một. Tập cùng là thấy ngay, cậu ấy nghiêm túc trong từng phút giây”.
Ronaldo ở Sporting Lisbon bị chọc là “nhà quê lên tỉnh”, ở Man United bị chọc là vụng về, sang Real Madrid thì phải gồng giữa một môi trường toàn là siêu sao. Ronaldo vĩ đại một phần vì sự cô đơn này.
Từ khi Messi xuất hiện, sát sườn cuộc đời và sự nghiệp, Ronaldo như tìm thấy một lẽ sống mới, mạnh hơn, trực tiếp hơn: phải vượt qua Messi. Anh nhìn Messi, và muốn những gì của Messi phải thuộc về mình: từ những danh hiệu tập thể đến những danh hiệu cá nhân.
Cách chơi của họ tương phản rất rõ. Ronaldo mưu cầu danh hiệu cá nhân không giấu diếm. Và trong sự vươn lên ấy, anh kéo tập thể của mình đến vinh quang. Messi dựa vào đồng đội để sống, và những chiếc Cúp cùng Barcelona giúp anh thâu tóm những danh hiệu cá nhân. Và Messi càng giỏi thì Ronaldo lại càng giỏi.
Mỗi năm Messi giàu kinh nghiệm hơn, lắng nghe cơ thể mình tốt hơn, lại được minh sư là Pep Guardiola chỉ điểm nên trình độ ngày càng đại tiến. Ronaldo thì cứ nhìn Messi, mải miết đuổi theo, tập không biết mệt. Tập sáng đến tối, tập trong ngày nghỉ, tập khi tất cả đã nghỉ, tập khi nghỉ hè, và có lẽ là… tập trong giấc mơ nữa.
Những màn tranh tài của họ đã thắp sáng châu Âu. Trong lúc các cầu thủ khác còn đang lẹt đẹt chèo trên độc mộc, Ronaldo và Messi đã phi hẳn ca nô. Messi đi đầu, càng đi càng hăng say, khám phá những vùng biển mới lạ. Ronaldo thì bám theo Messi sát gót.
Nhưng sau bốn năm, khi sự tập luyện điên rồ phi thường của Ronaldo giúp anh đứng ngang Messi rồi, thời thế thay đổi. Vì Messi… vẫn là Messi, vẫn xuất sắc, vẫn giỏi, vẫn thiên tài, nhưng anh không cách gì nâng cao màn trình diễn của mình lên nữa. Còn Ronaldo, trong sự ngỡ ngàng của tất cả, vẫn có thể… tập thêm.
Sự già cỗi của những đồng đội từng giúp Messi thăng hoa khiến anh sa sút. Vì anh dựa vào đồng đội để đá. Đầu tiên là Dani Alves, sau là Xavi, kế đến Andres Iniesta. Từng người tình bỏ Messi đi như dòng sông nhỏ, anh từ chỗ quá trời chỗ dựa, giờ phải trở thành chỗ dựa của người khác, và anh mệt mỏi.
Còn Ronaldo vẫn vậy, miệt mài mải miết mê mệt, đồng đội của anh thấy anh tập bất giác tập theo nên trình độ đại tiến, lại có thêm minh sư là Zinedine Zidane chỉ điểm. Năm năm gần nhất, Ronaldo giành bốn Quả bóng vàng.
Anh đơn giản là không dừng lại, vì anh chỉ muốn hơn Messi mà thôi. Và giờ thì anh sang Juventus, khoảng trống ở nơi không có Messi không dễ dàng gì một sớm một chiều mà lấp được.
Juventus đâu có hoài nghi anh như Real Madrid, Man United hay Sporting Lisbon, họ đón anh như anh hùng. Họ o bế anh, tôn vinh anh, chăm sóc anh. Khổ nổi làm vậy là… sai bét. Ronaldo là mẫu cầu thủ “khổ dâm”, phải chửi anh đá mới hay, phải ném đá anh mới mạnh lên, và phải đặt anh trước một ngọn núi và lành lùng hét vào mặt anh: “Leo đi”.
Bởi vậy mới nói, Ronaldo đá ba trận đầu trong màu áo Juventus, nỗ lực có thừa, nhưng trong lòng đã có một cái gì đó đã chết.
Còn Messi thì sao? Trở lại với nhận định của Graham Hunter đã nêu đầu bài:
“Ronaldo lấy động lực từ Messi. Messi lấy động lực từ chính mình”
Có vẻ Hunter đúng. Vì ba trận Liga đầu mùa, Messi vẫn ghi 4 bàn và có 2 pha kiến tạo. Trông rất… Messi. Nhưng hãy chú ý, Messi dạo gần đây đã lên báo nhiều hơn. Vì giờ anh đã là lãnh đạo, nên cần phải phát ngôn, nhưng cũng có thể, thâm tâm Messi có nhu cầu… bộc bạch. Và anh nói gì? Anh nói: “Real đã yếu đi nhiều khi không có Ronaldo”.
Ơ hay. Nhắc làm gì khi… không nhớ nhau? Những ngày mà bước chân của Ronaldo rầm rập sau lưng, đừng nói là Messi không lấy đó làm động lực vươn lên? Nói Messi chẳng nhớ Ronaldo, cũng giống như bảo Federer chẳng nhớ Nadal. Họ là những “bằng hữu ngấm ngầm” vì người này đã giúp người kia khai phá hết tiềm năng của mình, những tiềm năng mà có khi… chính họ cũng không biết.
Và nỗi nhớ ấy sẽ còn trở lại, khi họ bước vào những trận đánh lớn nhất mùa. El Clasico sẽ chẳng còn Ronaldo. Còn Juve thậm chí còn chẳng có đối thủ xứng tầm để tạo nên một cuộc thư hùng cân sức.
Thứ lửa cạnh tranh hừng hực đã tắt. Trò chơi điện tử FIFA lần đầu tiên trong lịch sử cho Ronaldo và Messi chỉ số cao như nhau (94), và cũng là cao nhất game.
Nhưng rất có thể đây sẽ là năm đầu tiên Ronaldo và Messi sẽ không đứng ở vị trí cao nhất của The Best lẫn Quả Bóng vàng. Có thể Champions League cũng sẽ thuộc về một người khác. Và rồi cuộc thư hùng của hai cầu thủ vĩ đại bậc nhất lịch sử túc cầu rồi cũng sẽ ở sau lưng ta, như nước trôi qua cầu, như những điều phi thường nhất rồi cũng sẽ kết thúc.
Như mọi thứ trên đời!