Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có đến 600 di tích, trong đó 5 di tích quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự mà còn là địa điểm du lịch, trải nghiệm của đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Vì vậy, số tiền công đức hàng năm tại các cơ sở này là không hề nhỏ. Nếu nguồn tiền này được quản lý và sử dụng một cách đúng đắn thì sẽ góp phần tích cực trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích.
Từ xưa tới nay, việc “phát tâm công đức, giọt dầu” là nét đẹp văn hóa, là thói quen của nhiều người dân mỗi khi tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Công – Cặp Tiên, từ đầu năm 2023 tới nay đã đón trên 334.000 lượt du khách, riêng số tiền công đức thu về đạt trên 12,7 tỷ đồng. Việc quản lý khoản tiền này đã được UBND TP Cẩm Phả mà trực tiếp là Ban Quản lý Di tích thực hiện một cách khoa học, minh bạch thành nền nếp từ nhiều năm nay.
Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Công – Cặp Tiên đã thành lập các tổ thủ từ, tổ ghi công đức, tổ bảo vệ, tổ mở khóa hòm và kiểm đếm tiền công đức, tổ giám sát. Các tổ có nhiệm vụ riêng, có trách nhiệm giám sát, quản lý tiền công đức chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả. Trưởng Ban Quản lý Phạm Thành Trung, cho biết: Ban Quản lý đền xây dựng quy trình quản lý các nguồn công đức theo các thông tư, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh. Mỗi hòm công đức đều có 2 ổ khóa; trong đó 1 chìa khóa giao cho tổ trưởng tổ mở khóa hòm công đức, 1 chìa khóa giao cho tổ trưởng tổ bảo vệ – thành viên tổ mở khóa hòm.
Cứ vào 14 giờ và 19 giờ hàng ngày, các hòm công đức đều được mở khóa trước sự chứng kiến, giám sát của đông đủ các thành viên trong tổ. Các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát quy trình này từ xa thông qua hệ thống camera an ninh được lắp đặt ở các nơi thờ tự và khu vực kiểm đếm tiền công đức. Nguồn tiền công đức sau khi mở hòm được đóng gói do Ban Quản lý đền chuẩn bị và niêm phong lại, sau đó vận chuyển về nơi kiểm đếm. Tiền sẽ được nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị được mở tại Kho bạc Nhà nước TP Cẩm Phả để chi hoạt động thường xuyên cho Ban Quản lý đền; số còn lại nộp ngân sách nhà nước. Toàn bộ thông tin số tiền công đức đều được báo cáo hàng ngày về UBND TP Cẩm Phả. Việc chi thường xuyên của Ban Quản lý đền dựa vào tình hình thực tế và được UBND TP Cẩm Phả kiểm soát thông qua Phòng Tài chính – Kế hoạch thẩm định kiểm soát chi. Với chủ trương của tỉnh về việc tạo dựng thói quen không sử dụng tiền mặt, người dân có thể quét mã QR để chuyển tiền công đức.
Từ nguồn tiền công đức, giọt dầu của nhân dân và du khách, từ năm 2015 đến nay, TP Cẩm Phả đã quan tâm đầu tư tôn tạo di tích đền Cửa Ông. Nhiều hạng mục công trình tu bổ, xây dựng, đầu tư được thực hiện với giá trị gần 1.000 tỷ đồng gồm đường giao thông từ Quốc lộ 18A đến chân cầu Vân Đồn 1; hệ thống điện chiếu sáng, tiểu cảnh, cây xanh, bồn hoa đường vào và xung quanh khu vực di tích; sân lễ hội; đền Trung thờ Khâm sai Đông Đạo tiết chế Hoàng Cần; mở rộng lối lên đền Thượng, lầu Chuông; di dời tượng đài Trần Quốc Tảng lên vị trí đồi quốc phòng; công viên ven biển đền Cửa Ông, đường lên tượng đài, các hạng mục kè, cây xanh để đảm bảo cảnh quan trong di tích…
Khách du lịch đặt tiền giọt dầu tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử.
Khác với đền Cửa Ông là 100% số tiền công đức, giọt dầu đều được nộp về ngân sách nhà nước, tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử hiện nay số tiền công đức được chia theo tỷ lệ phân bổ gồm 96% do nhà chùa quản lý và sử dụng, còn lại 4% còn lại trích về Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử để phục vụ công tác quản lý. Theo thống kê, những năm 2020, 2021, 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số tiền công đức tại Yên Tử mỗi năm chỉ xấp xỉ 4 tỷ đồng. Trước đó, vào các năm 2017, 2018, con số này là khoảng 17 tỷ đồng/năm.
Theo Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, ngoài tiền công đức, tại Yên Tử còn có một khoản thu lớn khác, đó là tiền giọt dầu do người dân, phật tử đặt lễ tại các vị trí khác nhau như khay đĩa trên ban thờ, đĩa hoa quả, hòm giọt dầu. Hiện nay nguồn tiền này chưa được bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung mà do nhà chùa trực tiếp quản lý và sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay việc quản lý ở một số nơi vẫn còn bất cập, thiếu sự nhất quán cũng như công khai, minh bạch. Thậm chí một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đứng ra xây dựng chùa rồi trực tiếp hưởng tiền công đức.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 19/3/2023, hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Theo quy định, nếu tiền công đức được chuyển khoản hoặc qua hình thức thanh toán điện tử, người tiếp nhận phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Với tiền mặt, người tiếp nhận mở sổ ghi chép đầy đủ. Tiền trong hòm công đức phải kiểm đếm hàng ngày hoặc hàng tuần, ghi tổng số tiền. Các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định cũng được thu gom, kiểm đếm.
Tiền công đức chưa sử dụng phải gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để an toàn, minh bạch. Người tiếp nhận công đức bằng giấy tờ có giá hoặc kim khí quý, đá quý cũng phải mở sổ ghi chép.
Trường hợp tiếp nhận tiền mặt thì phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Lê Nam
Nguồn Báo Quảng Ninh: https://baoquangninh.vn/cong-khai-minh-bach-trong-quan-ly-tien-cong-duc-giot-dau-3232654.html