Đến phố cổ Đồng Văn, bên cạnh những nếp nhà mái ngói rêu phong đã trở thành biểu tượng của thị trấn, vẫn còn nhiều điểm đến gắn với đời sống của người dân nơi đây tạo nên chất riêng cho vùng lõi Cao nguyên đá Hà Giang. Miếu thờ thần nước của làng Nghiến, thuộc tổ 3, thị trấn Đồng Văn là một điểm đến như vậy. Đi dọc theo phố cổ sâu vào phía chân núi đá, dưới tán đa xum xuê có một ngôi miếu nhỏ được người Tày dựng lên thờ Thần nước – nơi chảy ra dòng nước trong lành cung cấp cho thung lũng thị trấn Đồng Văn.
Người dân giặt vải lanh ở mó nước phố cổ Đồng Văn. |
Lần đầu tiên tôi biết đến mạch nước ngầm dưới chân vách đá này là sau cuộc trò chuyện với nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Quốc Thân, chủ nhân của Homstay Hoàng Thân trong làng Nghiến. Câu chuyện về miếu nhỏ thờ mạch nước linh thiêng đưa đến cuộc sống truyền đời của người dân thị trấn Đồng Văn thu hút tôi tìm đến tận nơi để khám phá. Nguồn nước cung cấp nước sinh hoạt cho 838 hộ dân thị trấn. Từ Homstay Hoàng Thân vào chừng hơn 100 m đã có thể thấy tán cây đa xanh mát phủ trên đường làng, vươn ra che cả con đập nơi nguồn nước được dẫn ra. Cũng thật kỳ diệu khi chứng kiến dưới chân núi đá dựng đứng lại có một mạch nước lớn như vậy chảy ra không dứt. Nước chảy ra trong vắt, chạm tay vào cảm nhận sự mát lạnh truyền lên da. Người già trong làng Nghiến kể lại: Ngày xưa, vùng đất Đồng Văn chỉ toàn núi đá tai mèo khô hạn, hoang vu. Đã nhiều dân tộc đến đất này định cư nhưng vì nắng hạn, khô cằn nên lại bỏ đi tìm xứ khác. Vào một năm, những người Tày đầu tiên đến đây được thần linh chỉ cho rằng nơi đây là đất lành. Muốn an cư lạc nghiệp cần tìm được khe nước chảy ra dưới gốc cây đa và dựng miếu thờ Thần nước thì đời đời sẽ sung túc. Người Tày nghe theo, lập miếu thờ cúng quanh năm, nước từ mạch nhỏ chảy ra thành nguồn lớn trong lành bốn mùa không bao giờ cạn. Từ đây, vùng đất trở nên trù phú, cây cỏ tốt tươi, người dân bắt đầu cuốc nương, cày ruộng sinh sống an cư, lạc nghiệp. Những đồng ruộng phía trước vách đá có nước tưới tiêu, vụ mùa tươi tốt, giúp con cháu người Tày trở nên no đủ. Nhưng, họ bị sự đầy đủ trước mắt làm lóa mắt say sưa trong hội hè, vui chơi bỏ bê công việc đồng áng. Đói thì lên rừng săn thú, xuống suối bắt cá. Cuộc sống của họ khiến thần linh nổi giận, thầy cúng trong làng được báo mộng nếu con cháu người Tày tiếp tục sinh sống như vậy mọi thứ sẽ bị thần linh tịch thu đất đai màu mỡ, rừng cây trù phú và cả nguồn nước trong mát từ vách đá chảy ra. Người Tày mời thầy mo về làm lễ cúng Thần nước rồi họp lại cùng nhau dạy con cháu thay đổi cách sống. Họ tiếp tục chăm chỉ cày cấy, bỏ săn bắn, rượu chè bê tha, từ đó nguồn nước trong lành dưới vách đá lại chảy ra, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu truyền đến ngày nay.
Hiện tại, người dân làng Nghiến vẫn duy trì lễ cúng miếu Thần nước vào đêm 30, rạng sáng mùng 1 đầu năm. Vào thời điểm giao thời giữa năm mới và năm cũ, người dân mang các lễ vật đã chuẩn bị sẵn đến dâng hương. Khi cúng xong họ xin nước lộc đầu năm về chia cho từng thành viên trong gia đình sử dụng để cầu sức khỏe, bình yên và may mắn. Nguồn nước lớn từ vách đá làng Nghiến đã được cấp ủy, chính quyền Đồng Văn đưa vào phục vụ người dân, bên cạnh đó, nơi mó nước chảy ra còn là địa điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Tục thờ Thần nước, hay các mó nước vào ngày mùng một Tết âm lịch của dân tộc Tày được thấy ở nhiều vùng. Nhưng với thị trấn Đồng Văn – nơi núi đá cao vời vợi khô hạn nhiều, ít mạch nước lại được trời phú cho một nguồn nước trong lành quả thật quá trân quý. Đây là nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cung cấp cho thung lũng thị trấn Đồng Văn nên càng quý trọng.
Bài, ảnh: Trà Nhân
Nguồn Báo Hà Giang: https://baohagiang.vn/van-hoa/202308/mieu-tho-than-nuoc-o-lang-nghien-7d733f0/