Tại sự Niềm tin Công nghệ Châu Á được Microsoft tổ chức tại Singapore, hãng phần mềm hàng đầu thế giới nêu bật yếu tố niềm tin sẽ là chất keo kết nối tất cả. Nhưng để có được niềm tin, ta cần có được ý thức bảo mật mạng.
Ta gọi đây là kỉ nguyên của kết nối: công nghệ đã có mặt ở khắp mọi nơi, nối liền các hệ thống với nhau, tạo ra một mạng lưới thiết bị khổng lồ. Khái niệm “kết nối” trở nên mạnh mẽ vô cùng khi đi kèm với “công nghệ”. Công nghệ kết nối với mọi thứ dựa trên niềm tin. Bạn phải tin tưởng, bạn mới cho phép thiết bị của mình kết nối tới nhiều thứ khác.
Đi cùng với sự tiện lợi là những mối nguy đến từ vô số phía. Khi một mạng lưới có quá nhiều điểm truy cập, thì bất kì điểm nào cũng có tiềm năng biến thành một lối đi cho những cá nhân/tổ chức có ý đồ xấu. Những lỗ hổng bảo mật có thể gây ra thiệt hại hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ VNĐ.
Và mất mát lớn nhất, đó chính là niềm tin của chúng ta tới những kết nối ta vẫn thiết lập hàng ngày. Cái điện thoại thân yêu lại trở thành cái cổng ra vào hệ thống của đủ loại người xấu.
“Sự tin tưởng” giữa người dùng với thiết bị, giữa các thiết bị với nhau là khía cạnh được nêu bật tại sự kiện Niềm tin Công nghệ Châu Á – Digital Trust Asia do Microsoft tổ chức. Diễn ra vào ngày 30/10 vừa qua, sự kiện có sự tham gia của các nhà báo tới từ các quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Các nhà phát triển phần mềm hiểu rõ khó khăn họ đang gặp phải. Mỗi khi có một lỗ hổng xuất hiện, họ ngay lập tức vá nó lại bằng những bản cập nhật được gửi ngay lập tức về từng hệ thống. Không tính tới việc mất điện, mất mạng khiến việc cập nhật gặp trục trặc, có 2 điều mà nhà phát triển phầm mềm luôn phải đối mặt:
– Người dùng không có thói quen cập nhật phần mềm. Họ đều tặc lưỡi cho qua, coi là không cần thiết. Đây đó có những hacker tốt bụng bí mật vá những lỗ hổng họ tìm thấy, nhưng số đó là không nhiều mà có nhiều cũng chẳng thể vá được hết.
– Những phiên bản phần mềm không bản quyền, được tải về trái phép từ các bên thứ ba sẽ không được cập nhật. Đó sẽ là những lỗ hổng bảo mật dễ khai thác nhất.
Vấn đề nghiêm trọng, nhưng giải pháp lại cực kì đơn giản, ta có một mũi tên trúng hai đích: nâng cao được hiểu biết của người sử dụng, ta sẽ loại bỏ được cả hai vấn đề nhức nhối trên. Thế nhưng để kéo căng được cung mà bắn đi mũi tên tới đích, phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức lắm.
Có thể những con số không bao giờ biết nói dối sẽ là lời cảnh báo hiệu quả chăng?
Microsoft, khả năng cao là hãng phần mềm tạo ra hệ điều hành chính bạn đang sử dụng, đã tiến hành mua máy tính lắp sẵn tại thị trường các nước Châu Á Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) và thấy rằng 83% số máy mua về có phần mềm không bản quyền, 84% trong số đó nhiễm malware.
Hai loại malware thường thấy nhất là trojan – có mục đích cấp quyền truy cập máy tính cho kẻ xấu và virus – những đoạn code độc hại ảnh hưởng tới quá trình hoạt động của cỗ máy. Nhiễm những loại phần mềm độc hại trên, người dùng có thể mất dữ liệu cá nhân, thiết bị của họ có thể hoạt động không hiệu quả. Hậu quả: mất cả tiền cả thời gian.
Giáo sư Biplab Sikdar.
Nhưng những chiếc máy mới tinh, sạch sẽ không phần mềm độc hại vẫn đứng trước những nguy hiểm. “Người dùng thường quay sang sử dụng phần mềm không bản quyền do chúng rẻ hơn. Thực tế, chi phí và các mối nguy đều cao hơn nhiều so với con số họ ước tính“, giáo sư Biplab Sikdar từ chuyên ngành Điện tử và Kĩ thuật máy tính tại Đại học Singapore nói.
Hành động lấy phần mềm không bản quyền từ những bên thứ ba chứa rất nhiều nguy cơ. Từng bước quá trình lấy tệp tin cài đặt về là một bãi mìn lớn: những popup, những đường link độc hại có thể lẩn khuất bất cứ đâu. Và khi lấy được phần mềm đó về, cũng không thể chắc chắn được rằng file an toàn tuyệt đối.
Bạn sẽ làm gì? Nhiều khả năng bạn sẽ tải phần mềm diệt virus về. Nhưng nếu không mua phần mềm, bạn sẽ làm gì? Sẽ lại phải tải nó từ một bên thứ ba. Vòng luẩn quẩn lặp lại một lần nữa.
Vậy có thể làm gì để bảo vệ mình?
Cách thức hiển nhiên nhất là mua thiết bị từ những cửa hàng uy tín, giảm thiểu khả năng tiếp xúc với những phần mềm độc hại có sẵn trên máy.
Hãy cố gắng mua phần mềm có bản quyền bất cứ khi nào có thể. Nhưng không phải ai cũng có thể mua phần mềm bản quyền, nên lời khuyên tốt nhất mà các chuyên gia có thể đưa ra là hãy cẩn thận với từng lần tìm kiếm trên mạng, băng “bãi mìn” vẫn tồn tại trên Internet.
Tiến hành cập nhật phần mềm sớm nhất có thể. Các nhà phát triển liên tục theo dõi, phát hiện các lỗ hổng bảo mật và tung ra bản vá sớm nhất có thể. Việc của người dùng là cài đặt những bản vá ấy sớm nhất có thể.
Tránh sử dụng những phần mềm hay các hệ điều hành đã hoặc sắp không còn được nhà phát triển hỗ trợ.
Như bà Mary Jo Schrade, Giám đốc Khu vực và cố vấn cho Đơn vị Phòng chống Tội phạm Mạng DCU phát biểu: “Sử dụng phần mềm có bản quyền là bức tường đầu tiên ngăn chặn tội phạm mạng hoành hành“.
Mary Jo Schrade.
Phần mềm không phải là mối lo duy nhất. Những phần cứng rệu rã sau nhiều năm sử dụng cũng tiềm ẩn những nguy cơ của riêng nó. Microsoft và Intel hợp tác thành lập ban khảo sát thiết bị có trong các doanh nghiệp tại 5 thị trường lớn tại Châu Á là Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật bản và Hàn Quốc; những gì họ thu được rất đáng chú ý:
Tính cả thiệt hại từ việc giảm năng suất làm việc, chi phí sửa chữa và bảo trì mỗi máy tính có nhiều hơn 4 năm tuổi là 2.736 USD, gấp 2,7 lần những thiết bị có tuổi thọ dưới 4 năm (có chi phí chỉ 1.030 USD/năm).
Thông qua báo cáo nghiên cứu kèm theo những số liệu lớn đến giật mình, Microsoft muốn nhắn gửi thông điệp: các tổ chức lớn nhỏ nên xem xét việc cập nhật đều đặn cả phần cứng và phần mềm, tránh tạo ra những lỗ hổng bảo mật trên hệ thống và tránh việc giảm năng suất xuất phát từ những hệ thống nhiều năm tuổi.
Sự kiện Niềm tin Công nghệ Châu Á không chỉ có mối nguy, những lời cảnh báo và những con số thâm hụt đáng sợ, có những con số khả quan đáng chú ý khác. Khảo sát do Liên minh Phần mềm BSA thực hiện, sử dụng dữ liệu thu được trong suốt 14 năm cho thấy những tiến bộ rõ rệt.
Tỉ lệ phần mềm không bản quyền xuất hiện tại Việt Nam đã giảm mạnh trong 14 năm qua. Bạn có thể thấy trong biểu đồ dưới dây:
Cụ thể, Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước tiến bộ hơn trong việc sử dụng phần mềm có bản quyền, chỉ xếp sau Trung Quốc. Việt Nam cũng thuộc top 5 nước tiến bộ nhất, khi lấy dữ liệu nă 2003 so với 2017.
Không thể phủ nhận, nhưng những con số tiến bộ mới chỉ là một bước tiến trong chặng đường cải thiện dài và gian nan. Việt Nam cũng như các nước trong khu vực cần phải làm nhiều hơn nữa, để có thể xây dựng được một không gian mạng thực sự an toàn và bảo mật.