Trái ngược với Ronaldo, bên ngoài sân cỏ, Messi làm gì hỏng đó. Nhà hàng hải sải trên bờ biển của anh thì bị chính quyền đô thị Castelldefels tháo dỡ vì xây dựng trái phép…
Messi xây dựng trái phép
Trên sân cỏ, đố ai cản được Messi, anh lướt đi giữa muôn trùng vòng vây của hậu vệ đối phương như chỗ không người. Nhưng không có quả bóng trong chân, Messi làm gì cũng như gà mắc tóc, đầu tư đâu hỏng đó và liên tục gặp lôi thôi với chính quyền địa phương. Mới nhất là vụ rắc rối xây dựng công trình sai phép ở đô thị Castelldefels, gần Barcelona.
Theo tờ El Mundo, cách đây đúng một năm rưỡi, Lionel Messi mua một căn nhà cũ nhưng có vị thế rất đẹp nằm ở ngã ba một con phố tại đô thị Castelldefels, cách Barcelona 18 km và chỉ cách bãi biển vài trăm mét.
Có được vị thế đắc lợi này, Lionel Messi quyết định phá tung căn nhà cũ được xây dựng từ thập niên 1960 để xây khách sạn kiêm nhà hàng sang trọng có sức chứa vài trăm người, chuyên phục vụ hải sản cao cấp. Nhưng khi công trình mang theo nhiều kỳ vọng của ngôi sao Barcelona vừa mới bắt đầu quá trình khởi công thì đã bị chính quyền Castelldefels yêu cầu dừng.
Số là nhà hàng hạng sang của Lionel Messi bị chính quyền phát hiện vi phạm mật độ xây dựng và có một số hạng mục không có trong giấy phép xây dựng. Sự cố này khiến Messi phải nhờ người chạy đôn chạy đáo xin xỏ sửa đổi giấy phép. Phải tới thứ Tư tuần qua, sau hơn 1 năm, Messi mới được chính quyền Castelldefels cấp lại giấy phép xây dựng, sau khi chịu án phạt khá tiền cùng một số tiền lót tay khác.
Nhà hàng hải sải trên bờ biển của anh thì bị chính quyền đô thị Castelldefels tháo dỡ vì xây dựng trái phép.
Theo dự kiến, vào cuối năm nay nhà hàng hải sải trên con phố biển nổi tiếng nhất đô thị Castelldefels của siêu sao Barca sẽ khai trương.
Nhưng có điều, đây không phải lần đầu tiên Messi mở nhà hàng. Đầu năm 2016, Messi cũng đã mở nhà hàng chuyên về các món ăn Argentina tại Castelldefels mang tên Bellavista del Jardín del Norte. Nhưng rốt cuộc, đến tháng 10/2018, nhà hàng phải đóng cửa.
Nói về lý do đóng cửa nhà hàng trên tờ AS, Rodrigo – ông anh trai của Messi, người cũng sở hữu 50% nhà hàng lý giải: “Chúng tôi phải đóng cửa vì nhà hàng thua lỗ do khủng hoàng tài chính, khách du lịch vắng, bất ổn chính trị và khủng bố tấn công”.
Lionel Messi về cơ bản có 3 mảng làm ăn ngoài bóng đá là nhà hàng – khách sạn, bất động sản (do anh trai quản lý qua công ty Edificio Rostower SL) và kinh doanh phôi thép (do bố quản lý).
Ông bố Messi vốn làm cai thầu xây dựng và kinh doanh sắt thép từ thời còn trẻ nên thạo việc này. Nhưng hoạt động kinh doanh phôi thép của cha con Messi bắt đầu đi xuống vào năm 2013, sau cáo buộc trốn thuế thông qua các công ty ma ở Uruguay và Belize.
Trong khi đó ông anh trai Rodrigo – nhân vật từng nhiều lần bị cảnh sát Argentina sờ gáy vì gây rối trật tự công cộng và tàng trữ trái phép súng quân dụng cũng không khá hơn khi được Messi đưa lên làm Chủ tịch Edificio Rostower SL. Bằng chứng là, dưới sự điều hành của ông anh thích chơi “hàng nóng” Rodrigo, nhà hàng Bellavista del Jardín del Norte phá sản sau 2 năm hoạt động.
Phải chăng, Messi chỉ biết mỗi đá bóng?
Khách sạn của Messi ở thị trấn Sitges (Tây Ban Nha) và Rosario (Argentina) do Rodrigo quản lý cũng từng bị cảnh sát địa phương xử lý vì có dấu hiệu mại dâm bất hợp pháp và để khách hàng tổ chức tiệc ma túy.
Thậm chí, dự án khu đô thị cao cấp Azahares Parana ở tỉnh Santa Fe (Argentina) mà Messi là một đối tác đầu tư cùng nhiều nhân vật có máu mặt như ông cựu Phó Chủ tịch tỉnh Marcelo Muniagurria cũng đang bị đình trệ và bị nghi ngờ có liên hệ với các băng nhóm rửa tiền ở Nam Mỹ.
Tóm lại, công việc kinh doanh của Messi luôn gặp trắc trở và thua lỗ. Theo báo chí Tây Ban Nha, khi nhà hàng hải sản ở phố biển tại Castelldefels hoàn thiện, Messi sẽ không trao quyền điều hành cho anh trai nữa, mà tạo công ăn việc làm cho cô vợ Antonella Roccuzzo – cô nàng cũng mới phá sản cửa hàng kinh doanh thời trang chung với một nàng WAG khác là Sofia Balbi, vợ của Luis Suarez.
Và cái cười khẩy của Ronaldo
Tài năng chuyên môn giữa Lionel Messi và Cristiano Ronaldo ai hơn ai? Tranh cãi này có lẽ sẽ còn kéo dài cho tới khi cả hai giải nghệ. Nhưng khi bước ra khỏi ranh giới của môn thể thao Vua, Messi rõ ràng chỉ là chú lùn đúng nghĩa so với Ronaldo.
Đánh giá về Ronaldo, từ các giáo sư ở Trường Đại học IPAM (Bồ Đào Nha), Trường Đại học Coventry (Anh) cho tới các chuyên gia makerting đều thống nhất một quan điểm: Tương tự David Beckham, giá trị thương hiệu của Ronaldo vượt qua được biên giới của bóng đá.
Vì sao vậy? Cũng giống như Messi, Ronaldo đơn thuần là cầu thủ, không có bất cứ chuyên môn nào giỏi ngoài bóng đá.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, CR7 biết tận dụng danh tiếng sân cỏ để mở rộng các mối quan hệ làm ăn ở nhiều lĩnh vực với các chuyên gia, doanh nhân thực thụ. Vậy nên, làm gì anh cũng thành công, từ kinh doanh dịch vụ (Hệ thống cửa hàng CR7, khách sạn cao cấp CR7…) đến sản xuất hàng hóa (nhà máy sản xuất giày CR7 ở Bồ Đào Nha).
Ronaldo biết tận dụng danh tiếng sân cỏ để mở rộng các mối quan hệ làm ăn ở nhiều lĩnh vực với các chuyên gia, doanh nhân thực thụ.
Đối tác mà Ronaldo chọn cho hoạt động kinh doanh dịch vụ và sản xuất hàng hóa là ai? Đầu tiên phải kể đến tay cò lọc lõi Jorge Mendes, tỉ phú Peter Lim rồi những tập đoàn như Pestana hay JBS. Các thành viên trong gia đình Ronaldo chỉ hưởng thụ, không can thiệp hay dính líu đến bất cứ mảng miếng kinh doanh nào của ngôi sao Juventus…
Trái lại như đã đề cập ở trên, Messi chỉ tin dùng những thành viên trong gia đình từ trong đến ngoài sân cỏ, thông qua hai người thân là ông bố Jorge và anh trai Rodrigo.
Hậu quả thì đã rõ, ông bố Jorge với trò ma mãnh về thuế đã khiến ông con Messi lĩnh án 21 tháng tù vì trốn thuế. Ông anh Rodrigo thì làm gì lỗ đó, thậm chí đến xây nhà hàng cũng bị chính quyền đình chỉ, vì sai đủ thứ từ mật độ đến kết cấu và phải mất một năm rưỡi mới lo xong giấy tờ.
Leo 10 là siêu sao bóng đá. Nhưng CR7 không chỉ là một thương hiệu trên sân cỏ, nó còn là một thương hiệu lớn của doanh nhân Cristiano Ronaldo. Quả thực, nếu xét trên bình diện kinh doanh, Ronaldo là một gã khổng lồ và có thể… cười khẩy chú tý hon Messi.