Man United chỉ để thua Barcelona với tỷ số tối thiểu nhưng khác biệt về đẳng cấp giữa 2 đội là quá lớn. Không phải ngẫu nhiên mà Solskjaer muốn tạo ra một cuộc cách mạng thực sự.
1. Thua một đội bóng như Barcelona ở thời điểm này không phải là kết quả quá hổ thẹn với Man United.
Nhìn nhận một cách công bằng, Quỷ đỏ kém xa đội bóng xứ Catalan, cả về đội hình, giá trị ngôi sao cho tới sự ổn định. Ngay cả khi thăng hoa dưới thời Sir Alex, Man United cũng thường xuyên nếm trái đắng trước Blaugrana mà đáng kể là 2 trận chung kết Champions League năm 2009 và 2011.
Tuy nhiên, thất bại trước Barcelona giữa tuần qua lại mang tới cho CĐV Man United nhiều suy nghĩ. Những kì vọng lớn lao dưới thời Solskjaer, đặc biệt sau cú ngược dòng không tưởng ở Paris, gần như sụp đổ. Man United chỉ thua 1 bàn nhưng những con số đôi khi chưa phản ánh hết khoảng cách rất lớn giữa họ với Barcelona.
Chất lượng đội hình Man United vẫn còn khoảng cách không nhỏ so với Barca
Có cảm giác rằng ở Old Trafford, Barcelona chưa đạt được phong độ tốt nhất nhưng vẫn làm chủ được tình hình và có chiến thắng đầu tiên trong lịch sử ở Nhà hát của những giấc mơ. Còn với Man United là sự bất lực đến tuyệt vọng, thậm chí không có nổi một cú dứt điểm trúng đích.
Còn rất nhiều thống kê nữa cho thấy Man United đang thua thiệt Barcelona quá nhiều. Tuyên bố đầy lạc quan của HLV Solskjaer sau trận đấu không đủ vực dậy niềm tin, kể cả khi ông nhắc lại cơn địa chấn Paris để cảnh báo Barcelona.
Có gì đó không tương xứng khi những Smalling, Shaw, Young, Dalot phải đối đầu với những siêu sao tấn công hàng đầu như Messi hay Suarez. Man United rõ ràng cần nhiều hơn thế để vươn mình trở lại.
Như chia sẻ của chính HLV Solskjaer sau khi đặt bút kí hợp đồng chính thức, ưu tiên số 1 của ông là đưa Man United trở lại ngai vàng Premier League.
Có thể Champions League chưa phải ưu tiên số 1 của Quỷ đỏ ở thời điểm này nhưng ngay ở giải quốc nội, họ cũng đang phải đối đầu với những đối thủ rất mạnh. Man City đâu kém Barcelona về chất lượng đội hình. Cùng với đó, các ông lớn khác trong nhóm Big 6 cũng ngày một mạnh hơn qua mỗi mùa giải.
2. Hiện tại, Solskjaer đã ở một vị thế khác! Thay vì tạm quyền dẫn dắt Man United, nhà cầm quân người Na Uy đã chính thức ngồi vào ghế nóng ở Old Trafford với bản hợp đồng 3 năm. Khác biệt bề ngoài chỉ là chữ kí chính thức.
Nhưng nằm sâu trong chữ kí đó là một sự chuyển đổi lớn. Giờ thì Solsa không chỉ nỗ lực cho phần còn lại của mùa giải mà buộc phải nhìn xa hơn, cho mùa giải tới, thậm chí là 3 năm tới.
Chuyển nhượng chắc chắn là vấn đề lớn nhất với nhà cầm quân người Na Uy trong bối cảnh mùa giải 2018-19 sắp hạ màn. Hiện chưa rõ kế hoạch của Man Utd nhưng theo thông tin được một số tờ báo Anh đăng tải, đã có những bất đồng nhất định trong kế hoạch cải tổ lực lượng giữa Solskjaer và giới chóp bu của sân Old Trafford.
Là người “đứng mũi chịu sào”, Solskjaer muốn tạo ra một cuộc cải tổ thực sự nhưng chưa thể thống nhất với Ed Woodward về mức độ đầu tư.
BLĐ Man United hiện chưa sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn sau khi đã chi ngót nghét 400 triệu bảng dưới thời Jose Mourinho. Nhưng sau trận thua Barcelona vừa qua, có thể thấy cái lý của Solsa. Ông khó có thể đưa Quỷ đỏ tiến xa với đội hình mà chỗ thừa cứ thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu.
Thực tế, trong đội hình hiện tại của Man United, vẫn còn khá nhiều cầu thủ từng chơi dưới thời Sir Alex như De Gea, Phil Jones, Antonio Valencia, Chris Smalling, Ashley Young, Jesse Lingard…
Ngoại trừ De Gea, số còn lại đều không được xếp vào nhóm sao đẳng cấp có thể nâng tầm Man Utd, đặc biệt ở thời điểm bóng đá chịu sự chi phối rất lớn của đồng tiền. Cứ nhìn cái cách Man City chi hơn 150 triệu bảng để mua 3 hậu vệ Mendy, Walker và Laporte là đủ thấy Quỷ đỏ đang dậm chân tại chỗ, thậm chí là tụt hậu.
Solskjaer cần được cấp tiền mua sắm cầu thủ.
Trước Barcelona, Luke Shaw đá phản lưới nhà, Ashley Young thì để mất bóng trên dưới 30 lần và không có nổi một cú tạt bóng chính xác. Tất cả hy vọng của Quỷ đỏ đặt dồn vào Paul Pogba nhưng tiền vệ người Pháp không lúc nào cũng có thể thay đổi trận đấu.
Nói như Gary Neville, Pogba chỉ chơi tốt bên cạnh những đồng đội đủ tốt. Tất cả đã tạo ra một Man United thiếu ý tưởng, bất lực và nhạt nhòa. Nó mang tới cảm giác Quỷ đỏ đang phải chơi gắng sức trong mọi trận đấu chứ không phải thực lực của họ.
Nếu Man United không cải tổ toàn diện, chẳng ai dám chắc Solskjaer sẽ không đi theo vết xe đổ của Van Gaal và Mourinho. Và trong cuộc chiến quyền lực, Ed Woodward sẽ phải chịu thua Solskjaer và chấp nhận mở hầu bao.
3. Nói Man United không cải tổ dưới thời Van Gaal và Mourinho không hẳn chính xác. Đúng ra, Quỷ đỏ đã chi rất đậm với 2 lần phá kỉ lục chuyển nhượng của chính mình (Di Maria và Paul Pogba). Chỉ tính riêng dưới thời Mourinho, đội chủ sân Old Trafford đã phải bỏ ra số tiền ngót nghét 400 triệu bảng để mua cầu thủ.
Vấn đề ở chỗ đây là những cuộc cải tổ thiếu định hướng. Man United mua nhiều nhưng không hiệu quả vì không xây dựng được chiến lược rõ ràng về lối chơi, chiến thuật.
Họ gần như phó mặc việc tuyển quân cho HLV tương tự thời Sir Alex trước đây. Thế mới có chuyện Di Maria phải rời Old Trafford sau chỉ 1 mùa giải. Tương tự là trường hợp của nhiều ngôi sao như Depay, Schneiderlin hay Mkhitaryan.
Cũng vì thiếu định hướng rõ ràng mà Man United bất ngờ chọn Jose Mourinho sau triều đại của Louis van Gaal. Không nói ai cũng biết triết lý hoàn toàn trái ngược giữa 2 nhà cầm quân này. Kết quả thì ai cũng thấy.
Mourinho đòi hỏi dàn cầu thủ khác để đáp ứng lối chơi của ông. Còn với Man United, họ lại phải chi một khoản tiền lớn để thay thế lực lượng. Đó là sự lãng phí, khiến Quỷ đỏ mất rất nhiều tiền nhưng không hiệu quả. Tệ hơn nữa là Mourinho cũng không thể gắn bó lâu dài với sân Old Trafford.
Chuyển sang triều đại Solskjaer, Man United muốn lấy lại phong cách tấn công dưới thời Sir Alex. Một vòng quay mới rất có thể sẽ lại tái hiện nếu Quỷ đỏ không thay đổi cách quản lý của mình.
Mourinho và Van Gaal khiến Man United tốn kém nhiều tiền của nhưng không đem tới hiệu quả.
Nhưng có vẻ mọi thứ sẽ khác bởi ngay sau khi bổ nhiệm Solskjaer, Man United đã tính tới việc bổ nhiệm một Giám đốc bóng đá. Đây là chức vụ rất quan trọng có nhiệm vụ định hướng phong cách, lối chơi, chọn HLV, cầu thủ và bảo đảm tính nhất quán. Chức vụ này chưa từng có ở Old Trafford nhưng sau kỉ nguyên của Sir Alex, nó trở nên rất cần thiết.
Chẳng nói đâu xa, Man United hãy cứ nhìn gã hàng xóm Man City. Trong cuộc cải tổ mạnh mẽ ở Etihad, đội bóng này rất thành công với Txiki Begiristain, người đang giữ chức Giám đốc bóng đá.
Vị lãnh đạo này đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng từ lối chơi cho tới chuyển nhượng. Pep Guardiola chi không ít tiền của nhưng ông đã tận dụng được rất nhiều ngôi sao tưởng như thất bại ở các triều đại trước đó. Hay đơn cử như nói về lối chơi, Man City luôn giữ quan điểm nhất quán là chọn HLV tấn công, từ Mancini tới Pellegrini và hiện tại là Pep Guardiola.
Nếu tìm được một Giám đốc bóng đá phù hợp trước mùa giải 2019-20, Man United hoàn toàn có thể thay đổi. Đây mới được xem là quyết định cách mạng ở sân Old Trafford.