Mãi khắc ghi lịch sử hào hùng

Sáng 27.4, UBND huyện Hoài Ân tổ chức lễ khánh thành công trình Bia di tích và mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh tại đồi Xuân Sơn. Việc đầu tư xây dựng công trình thể hiện lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Về dự lễ khánh thành có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy…

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm.  Ảnh: H.P

Xúc động ngày về Xuân Sơn

Từ sáng sớm, CCB Hoàng Liêm (76 tuổi, nguyên chiến sĩ Trung đội 3, Huyện đội Hoài Ân, hiện ở thị trấn Tăng Bạt Hổ) đã có mặt tại đồi Xuân Sơn. 57 năm trôi qua, nhưng mỗi khi trở về nơi đây, ký ức bi tráng lại ùa về trong ông. Ông Liêm kể rằng năm nào ông cũng dành thời gian về thăm lại những mảnh đất từng một thời lửa đạn như Bà Bơi, Xuân Sơn, Gò Loi, Núi Chéo… thắp hương viếng đồng đội. Bởi đối với ông, khó có thể nói hết tình cảm của những người đồng đội, đồng chí đã từng một thời đồng cam cộng khổ, sống chết bên nhau.

“Trận tập kích Xuân Sơn đã giáng một đòn nặng vào chiến thuật “điểm tựa”, “đóng chốt” để càn quét dai dẳng của quân Mỹ. Nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22 và quân, dân, chính đảng địa phương đã hy sinh. Tôi thật sự xúc động khi ngày hôm nay được về dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm – nơi tri ân đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”, ông Liêm xúc động nói.

Công trình Bia di tích và mộ tập thể liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn (huyện Hoài Ân) được hoàn thành gồm 2 hạng mục: Mộ tập thể liệt sĩ, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ và Khu tưởng niệm chiến sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn. Riêng Khu tưởng niệm được xây dựng có diện tích hơn 1,8 ha gồm nhiều hạng mục như: Nhà bia; hố khai quật; sân, bãi đỗ xe, cây xanh; hệ thống điện chiếu sáng; khu vệ sinh; tường rào cổng ngõ; hệ thống rãnh thu nước. Tổng mức đầu tư của công trình là gần 14,8 tỷ đồng.

Đã 57 năm trôi qua, nằm dưới lòng đất lạnh, hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồi Xuân Sơn đã được tìm thấy trong niềm vui khôn xiết. Về tham dự lễ, CCB Đặng Hà Thụy (nguyên cán bộ Đoàn 5501; người góp công lớn phát hiện ra mộ tập thể) rất phấn khởi trước sự quan tâm của tỉnh và huyện Hoài Ân khi đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm rất khang trang.

Ông Thụy tâm sự: “Hình hài, xương thịt của các liệt sĩ đã hòa vào đất đá, cỏ cây, quyện vào lòng đất mẹ, tô thắm thêm truyền thống yêu nước, quật cường của dân tộc, quê hương. Tôi rất vui vì tâm nguyện của mình là tìm được các liệt sĩ và biến nơi đây thành nơi tưởng niệm để mọi người có thể về tưởng nhớ đã được thực hiện”.

Ra đời trong những tháng ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ trên chiến trường Hoài Ân và Bình Định, Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng đã để lại những chiến công hiển hách. Vượt đường sá xa xôi về tham dự buổi lễ, đại tá Nguyễn Văn Lịch – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng, thuộc Quân khu 1) cảm ơn sự quan tâm của tỉnh khi đã xây dựng Khu tưởng niệm để tri ân các liệt sĩ của đơn vị hy sinh trong trận đánh tại đồi Xuân Sơn năm 1966.

Nhấn mạnh câu nói: “Không có Bình Định chẳng có Sư 3/ Không có Sư 3 không ra Bình Định”, đại tá Lịch khẳng định dù khoảng cách giữa Sư đoàn 3 với huyện Hoài Ân có xa xôi về mặt địa lý, nhưng tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn vẫn luôn hướng về quê hương Hoài Ân, Bình Định với tình cảm sâu nặng, như tình cảm của người con hướng về quê Mẹ yêu dấu.

“Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 mãi mãi ghi nhớ và biết ơn sự nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che và cưu mang của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung và huyện Hoài Ân nói riêng. Coi đây là tình cảm thiêng liêng đặc biệt, cần được tiếp tục vun đắp, giữ gìn”, ông Lịch khẳng định.

Tri ân các anh hùng liệt sĩ

Kính cẩn nghiêng mình trước hương linh của các anh hùng liệt sĩ, từng dòng người dâng nén tâm hương lên nhà bia với tất cả thành kính, tri ân.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cùng các đại biểu thắp hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn. Ảnh: H.P

Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc chia sẻ rằng ngay từ khi có chủ trương đầu tư, huyện Hoài Ân xác định đây là một trong những công trình trọng điểm; có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Chính vì vậy, huyện đã tập trung cao nhất cho việc thực hiện công trình. “Biết được ý nghĩa của công trình, bà con nhân dân luôn đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để đơn vị thi công hoàn thành công trình trước hạn”, ông Khúc nói.

“Để công trình phát huy giá trị lịch sử cách mạng, trong thời gian đến UBND huyện Hoài Ân cần xây dựng, hoàn thiện quy chế quản lý và hoạt động. Đặc biệt là có sự gắn kết với các di tích lịch sử khác của địa phương, nhằm tạo thành những địa chỉ đỏ để cán bộ, nhân dân và các thế hệ mai sau đến thăm viếng, tìm hiểu lịch sử cách mạng và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ”.

Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, nhiệt huyết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân, cùng sự tham gia hỗ trợ tích cực của các sở, ngành để tạo điều kiện tốt nhất cho huyện Hoài Ân hoàn thành công trình.

“Việc đầu tư xây dựng hoàn thành công trình đã thể hiện lòng biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập nước nhà; đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của người thân, đồng đội các anh hùng liệt sĩ. Đồng thời, để tỏ lòng thành kính, tri ân và giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ mai sau; nơi đây cũng là một địa chỉ đỏ để khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng”, đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

HỒNG PHÚC

Nguồn Báo Bình Định: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=257927