Lưu giữ cho muôn đời sau

Là mảnh đất cội nguồn của dân tộc, Phú Thọ vinh dự có hai di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Để góp phần tạo không gian thực hành Di sản và lưu giữ nét đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ Vua Hùng, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản, đặc biệt là việc trùng tu, tôn tạo những di tích thờ cúng Hùng Vương để lưu giữ giá trị văn hóa phi vật thể cho muôn đời sau.

Đình Hy Sơn thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao được đầu tư tôn tạo lại, góp phần lan tỏa “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.

Phú Thọ hiện có 345 di tích gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 35 di tích thờ Hùng Vương, 310 di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương, 74 di tích còn kiến trúc, 96 phế tích. Ngoài Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, Phú Thọ có 36 di tích Quốc gia, 138 di tích cấp tỉnh.

Để nhớ ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước, hàng năm, vào ngày Giỗ Tổ mùng 10/3 âm lịch, cùng với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, các di tích thờ cúng Hùng Vương và thờ cúng các nhân vật thuộc thời đại Hùng Vương ở 13 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đều đồng loạt tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo nghi thức truyền thống. Lễ dâng hương tại các di tích được tiến hành trang nghiêm, thành kính nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và bậc tiền nhân; tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”; giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu mai sau.

Đình Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn được tu sửa, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách du lịch tới tham quan vào dịp lễ hội đầu năm.

Song song với bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa, công tác trùng tu, tôn tạo di tích tạo không gian thực hành cho các di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích, phục vụ đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân luôn được tỉnh quan tâm. Những năm qua, toàn tỉnh đã có gần 60 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương được tu bổ, tôn tạo. Ngoài Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được đầu tư tu bổ, tôn tạo với nguồn vốn hàng trăm tỉ đồng hay Đền Mẫu Âu Cơ với hơn 40 tỉ đồng, nhiều di tích cũng được tu bổ, tôn tạo với số tiền khoảng 10-30 tỉ đồng từ nguồn vốn của Nhà nước, nguồn xã hội hóa như: Đền Lăng Sương ở xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy – nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh được thực hiện tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Nghi môn, ao sen, nhà che giếng Thiên Thanh, nhà bia, Miếu hai Cô, nhà để kiệu, nhà thủ từ, hệ thống sân vườn tường rào… với tổng số vốn hơn 34 tỉ đồng; Đình An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì- nơi thờ Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18) được tu bổ với nguồn kinh phí hơn 20 tỉ đồng; Đình Bảo Đà, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì- nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh được tu bổ với kinh phí hơn 16 tỉ đồng… Ngoài ra, các di tích khác được tu bổ, tôn tạo với nguồn kinh phí từ 1-5 tỉ đồng.

Lâm Thao là huyện duy nhất của tỉnh không có phế tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, huyện hiện có 15 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, những năm qua, huyện Lâm Thao đặc biệt quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo lại các di tích thờ Hùng Vương. Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lâm Thao Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết: Công tác tu bổ, phục hồi di tích, trong đó có các di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả tích cực, nhiều di tích đã và đang xuống cấp được kịp thời tôn tạo, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, bảo tồn được những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.

Thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao hiện có sáu di tích lịch sử, lễ hội gắn liền với “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” như Đình Cả, Đình Đông, Đình Triệu Phú, Đình Hy Sơn, Miếu Lai, Chùa Quang Hưng, điểm tích Đình Hậu Lộc, lễ hội Làng He, Lễ hội rước Chúa Gái, Lễ đón Vua Hùng về làng ăn Tết cùng với các trò: Săn lợn, chạy địch, tùng dí, bách nghệ khôi hài, lễ cầu làng truyền thống của các làng. Để các di tích thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, là nơi thực hành tín ngưỡng của nhân dân, từ năm 2013-2022, thị trấn Hùng Sơn đã trích ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác trùng tu, tôn tạo lại các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn. Ông Nguyễn Thanh Dân – Thủ từ Đình Đông cho biết: Đình Đông thờ tam vị Đức Thánh là Hùng Quốc Vương, Hùng Hoa Vương, Hùng Hi Vương. Đình được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1999. Năm 2013, Đình được trùng tu, tôn tạo lại toàn bộ. Việc trùng tu, tôn tạo lại các di tích thờ Hùng Vương không chỉ giúp lưu giữ lại nét văn hóa tâm linh cho nhân dân trong khu mà còn tạo điểm đến cho khách du lịch.

Theo ông Nguyễn Quang Minh – Thủ từ Đình Hy Sơn, Đình thờ 18 đời Vua Hùng, công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa và ba vị Thần núi là Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn. Năm 2015, Đình được trùng tu lại với kinh phí trên 8,5 tỉ đồng, trong đó nhân dân làng Hy Sơn (gồm ba khu 13,14,15) đóng góp được 350 triệu đồng. Việc trùng tu, tôn tạo lại Đình khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy- TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Các di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh chính là bằng chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về sự bảo lưu, phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt, khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân đất Việt. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Chi Hương

Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/luu-giu-cho-muon-doi-sau/192489.htm