“Việc thu thập các chữ ký để yêu cầu ban hành luật là không có ý nghĩa về mặt lý luận để có thể ban hành đạo luật về nạo phá thai. Đáng chú ý, đây là một vấn đề khá nhạy cảm, dư luận có khá nhiều luồng quan điểm nên cần phải điều tra xã hội học một cách cẩn trọng” – Luật sư Tiền cho biết.
Chiến dịch có tên gọi “Mẹ ơi đừng giết con” hiện vẫn đang nhận được nhiều ý kiến chỉ trích từ phía dư luận. Với mục tiêu thu thập 100.000 chữ ký kiến nghị luật “Cấm nạo phá thai”, đi kèm một đoạn video “viral” gần 400.000 lượt view có đưa ra thông điệp gây sốc “Nạo phá thai là một thảm hoạ nhân đạo giết 300.000 người mỗi năm”. Những người sáng lập dự án thay nhau thuyết phục người xem, rằng nên “chấm dứt thảm hoạ” này bằng cách kiến nghị luật cấm nạo phá thai.
Chiến dịch này đang bị phản đối dữ dội, đặc biệt là từ phía những người phụ nữ. Thay vì cấm nạo phá thai, tại sao không là “chiến dịch giáo dục giới tính và làm thay đổi suy nghĩ của đàn ông”, việc đó thiết thực hơn.
Chiến dịch kiến nghị luật cấm nạo phá thai gây tranh cãi trong dư luận.
Tại sao chiến dịch này làm cộng đồng phụ nữ nổi giận?
Trang Quỳnh Nguyễn – một facebooker có đăng tải một bài chia sẻ khá dài về vấn đề này đã nhận được đông đảo sự đồng thuận từ dư luận. Chị phân tích tường tận từ việc chiến dịch “èo uột” ra làm sao, thiếu lý lẽ, dẫn chứng như nào, cho đến lý do cộng đồng phụ nữ nổi giận khi nghe tới “Luật cấm nạo phá thai”.
Chị em có quyền tức giận, bởi chiến dịch này tấn công trực tiếp vào người phụ nữ, đặt chị em vào tình thế phải chịu trách nhiệm về pháp luật và cả đạo đức cho một kết quả mà họ không được toàn quyền quyết định
“Quay lại cái tư duy của chiến dịch này, là nhầm lẫn kết quả với vấn đề. Nạo phá thai là kết quả của một chuỗi những vấn đề xã hội đòi hỏi phải giải quyết. Người phụ nữ đi phá thai phải đứng trong thế lưỡng nan, giữa phải chịu nguy cơ về sức khoẻ và chấn thương tâm lý khi phá thai, với một hoàn cảnh tương lai mà cô không có khả năng/không muốn nhận lấy. Cô được pháp luật bảo vệ quyền chọn lựa của mình, là vì quyết định này ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến cuộc đời của cô.
Khi chấp nhận phá thai, cô đồng thời là một nạn nhân của tình thế và cần được bảo vệ, chăm sóc tốt nhất” – chị Trang viết.
Hoàng Thạch và Huỳnh Hà – những người sáng lập dự án.
Chị Trang phân tích, chiến dịch này mắc phải sai lầm nghiêm trọng bởi chính lỗi tư duy, sự hời hợt và có phần “ngây thơ” của người sáng lập.
Dưới đây là 6 lý do mà dự án này đưa ra nhằm đi đến luật cấm nạo phá thai:
1. Số lượng nạo phá thai tại Việt Nam cao thứ 3 thế giới, đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ cần phải được chấm dứt ngay lập tức.
“Khái niệm “khủng hoảng nhân đạo” là nói cho nguy hiểm, chứ trật lất trong trường hợp này. Humanitarian crisis tạm hiểu là thiệt hại về người, vật chất, kinh tế hoặc môi trường từ một sự kiện hoặc chuỗi sự kiện, lất át khả năng đối phó của cộng đồng. Như vậy trừ phi việc nạo phá thai trở thành một chuỗi sự kiện khẩn cấp gây thiệt hại kinh khủng mà cộng đồng không có khả năng đối phó, thì nó mới là khủng hoảng nhân đạo.
Chấm dứt ngay lập tức lại là một “lời kêu gọi hành động” theo công thức, nhưng hoàn toàn bất khả thi trong thực tế (nhất là trong hoàn cảnh nó không phải là khủng hoảng). Muốn thay đổi một hiện tượng trong xã hội, đòi hỏi có cái nhìn sâu xa về nó, để thấu hiểu nguyên nhân – động lực – trở lực và thiết kế nên một giải pháp đa chiều để mọi thành phần của cộng đồng kịp xê dịch theo.
Việc dùng sai khái niệm khủng hoảng nhân đạo, và chủ quan hình thức trong việc đòi hỏi sự thay đổi phản ánh một lỗi tư duy nguy hiểm: Cho rằng nạo phá thai là vấn đề và đòi hỏi chấm dứt nó, trong khi thực chất nó là kết quả của một chuỗi vấn đề xã hội khác.
Như vậy, muốn giảm tỉ lệ nạo phá thai tại Việt Nam xuống, như một kết quả của việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và đảm bảo điều kiện, quyền lợi cho bà mẹ, trẻ em – điều cần làm là giải quyết được các vấn đề xã hội như: giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản, tiếp cận phương pháp tránh thai an toàn, văn hoá tình dục, chăm sóc sức khoẻ cho thai phụ và trẻ sơ sinh… Chứ không phải cấm phá thai”.
Giao diện của trang web kêu gọi ký tên.
2. Với số lượng bào thai bị tước quyền sinh ra như hiện nay sẽ làm đất nước thiếu hụt dân số trầm trọng trong tương lai.
“Phá thai và triệt sản là một trong những chính sách để kế hoạch hoá dân số, và được các nhà nước quy định rất rõ tuỳ theo tình hình dân số của nước đó”.
3. Sức khoẻ sinh sản của phụ nữ sẽ giảm sút thậm chí biến chứng vô sinh, tử vong nếu phá thai, chưa kể nỗi đau tinh thần sẽ theo họ suốt cuộc đời.
“Mang thai và sinh con luôn đi kèm với những nguy cơ về sức khoẻ, đặc biệt khi không được chăm sóc tốt. Chính vì lý do đó, phụ nữ cần được cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế khi muốn phá thai hoặc sinh con, được toàn quyền quyết định và được xã hội bảo vệ cho quyết định mang thai hay phá thai của mình (theo quy định của pháp luật)”.
4. Luật sẽ mang lại một quyền cho phụ nữ được yêu cầu nam giới dùng biện pháp tránh thai khi quan hệ để ngăn chặn việc mang thai ngoài ý muốn từ đó dẫn đến việc phá thai, nếu nam giới từ bỏ trách nhiệm với bào thai sẽ phải chịu án phạt và bồi thường.
“Luật không mang lại quyền này cho phụ nữ. Mà nó cần được quy định trong luật của bạn (giả sử vậy), và luật này phải thể hiện vai trò và trách nhiệm của hai giới là ngang nhau, chứ không phải “phụ nữ được quyền yêu cầu””.
5. Truyền thống nhân ái và đạo đức của người Việt Nam ta từ xưa đã đề cao việc bảo vệ sinh mạng, do đó, việc nạo phá thai là hành động vô nhân đạo, không thể để nó tiếp diễn.
“Thai nhi có được công nhận là con người và được bảo vệ không?” là một chủ đề chưa có câu trả lời trọn vẹn, tuỳ theo quan điểm chủ quan của mỗi người (đặc biệt là quan điểm tôn giáo và tâm linh). Nhưng xét về pháp luật Việt Nam thì chưa trực tiếp công nhận quyền con người của thai nhi, đặc biệt là quyền được sống.
Chính vì vậy, điều bạn cần làm trước khi đòi cấm nạo phá thai là kiến nghị làm rõ quy định về quyền con người của thai nhi. Làm xong bước này, bạn mới được quyền lập luận rằng “phá thai là giết người”.
6. Trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng lệnh cấm và các nước khác cũng đang xem xét luật này, đây là hành động bảo vệ lợi ích người dân và lợi ích quốc gia vô cùng thực tế và cần thiết.
“Lại một kết luận lười dẫn chứng nữa. Thứ nhất, “thế giới đã có nhiều nước áp dụng lệnh cấm” là một câu nói vô thưởng vô phạt. Phải dẫn chứng được vì sao nước đó áp dụng lệnh cấm, những căn cứ đó có phù hợp với Việt Nam không, có khả thi để áp dụng hay không. Tóm lại là cần nói chuyện rõ ràng hơn đó. Chứ nói chung chung kiểu “hành động bảo vệ lợi ích người dân và lợi ích quốc gia” mà không dẫn ra được cái lợi ích người dân và lợi ích quốc gia là gì thì thôi đừng nói”.
Các bạn – những người sáng lập dự án – nên dành thời gian nghiên cứu thêm trước khi kick off dự án. Với một dự án cộng đồng, để đi được đường dài thì cái cần có là nền tảng lý luận vững chắc, thực tiễn, minh bạch. Đừng nói chuyện cảm tính. Đừng nhập nhằng vấn đề đạo đức tình cảm pháp lý lợi ích với nhau.
Luật sư: Việc thu thập các chữ ký để yêu cầu ban hành luật là không có ý nghĩa về mặt lý luận
Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, mặc dù luật pháp được ban hành xuất phát từ thực tiễn nhu cầu xã hội nhưng thẩm quyền đề xuất xây dựng luật chỉ thuộc về những chủ thể được pháp luật quy định cho phép thực hiện theo Điều 32, Điều 33 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Theo đó, quy trình xây dựng, ban hành Luật của Quốc hội và Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội được tiến hành qua 5 bước như sau:
Bước 1: Lập Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh;
+ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Quốc hội quyết định
+ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bao gồm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.
Bước 2: Soạn thảo Luật của Quốc hội, Pháp Lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
+ Dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội do Ban soạn thảo tiến hành soạn thảo
+ Ban soạn thảo tuỳ từng trường hợp có thể do Uỷ ban thường vụ Quốc hội; bộ hoặc cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thành lập
Bước 3: Thẩm tra dự án Luật, Pháp lệnh;
Từ bước 3 này trở đi e là cái “luật cấm phá thai” không chạm tới được đâu, nên bỏ qua không list ra nữa cho đỡ dài nhé.
Bước 4: Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến;
Bước 5: Thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự án Luật, Pháp lệnh.
Bước 6: Công bố Luật, Pháp lệnh
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh:
– Cơ quan, tổ chức, Đại biểu: Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
– Đại biểu Quốc hội;
– Chính phủ.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Sau khi được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đạo luật sẽ phải trải qua các quy trình nghiêm ngặt được pháp luật quy định: soạn thảo, thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, được thông qua tại kỳ họp Quốc hội trước khi được Chủ tịch nước công bố.
“Như vậy, việc thu thập các chữ ký không có ý nghĩa về mặt lý luận để có thể ban hành đạo luật về nạo phá thai. Đáng chú ý, “nạo phá thai” là một vấn đề khá nhạy cảm, dư luận có khá nhiều luồng quan điểm nên cần phải điều tra xã hội học một cách cẩn trọng, cân nhắc những vấn đề liên quan đến thuần phong mỹ tục, đồng thời tham khảo thêm kinh nghiệm các nước trên thế giới trước khi xem xét đưa vào điều chỉnh dưới dạng quy phạm pháp luật” – luật sư Tiền cho biết.
Phải triển khai giáo dục về sức khỏe tình dục, chứ không phải là tung ra một “bộ luật mới” phủ đầu nhắm đến phụ nữ
Chiến lược Dân số và Sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020 nêu rõ: Hiện nay thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản là tỷ lệ nạo phá thai cao và đang tiếp tục gia tăng.
Với tỷ lệ nạo phá thai cao nhất ở Đông Nam Á – 32% – và là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới (với 29 ca phá thai trên 100 trẻ đẻ sống), trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam nạo phá thai 2,5 lần trong đời (theo số liệu thống kê năm 2002).
Tình trạng phá thai lặp lại còn phổ biến, phá thai không an toàn cũng không ít. Đáng lưu ý, tỷ lệ phá thai ở nhóm thanh niên, vị thành niên chiếm khoảng 300.000 ca mỗi năm và có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của nền kinh tế mở, với lối sống tự do, phóng khoáng. Một số tài liệu cho thấy, trong số tỷ lệ nạo phá thai ở nước ta, 20% là ở lứa tuổi vị thành niên, trên cả nước có 5% em gái sinh con trước tuổi 18, 15% sinh con trước tuổi 20.
Chiến dịch kêu gọi chữ ký để ban hành “Luật cấm nạo phá thai” nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Ảnh chụp màn hình.
Theo đó, Chiến lược cũng đã chỉ ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu trên, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân số và SKSS, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy đảm bảo quản lý và thực hiện có hiệu quả công tác này.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận; mở rộng giáo dục về dân số và SKSS, phòng ngừa HIV, giới và bình đẳng giới, sức khỏe tình dục trong và ngoài nhà trường. Tăng cường sự tham gia của đối tượng và cộng đồng trong việc lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và phản hồi về các hoạt động giáo dục và truyền thông.
Như vậy, Việt Nam hiện đã có chiến lược giảm tỷ lệ phá thai, do các cấp chuyên môn đảm nhiệm và quan trọng nhất là họ ý thức được nguyên nhân từ đâu: Phải triển khai giáo dục, ý thức và hiểu biết về sức khỏe tình dục. Chứ không phải là tung ra một “bộ luật mới” phủ đầu nhắm đến phụ nữ.