“Tôi nói mình không kẹt nhưng Linh cứ dúi vào tay. Tính Hoài Linh rất rộng rãi với anh em”, Long Nhật kể.
Trong showbiz, hiếm có người nào lại khiến mọi người nể trọng, yêu mến và nợ ân tình nhiều như Hoài Linh. Từ những người gắn bó đến những người “đi ngang qua” cuộc sống của danh hài với đôi lần gặp gỡ nhưng cũng có thể được Hoài Linh gieo ơn sâu đậm.
Long Nhật là một trong số rất rất nhiều người gắn bó và chịu ơn của Hoài Linh. Không nhiều người biết, họ đã gắn bó tới nay đã 30 năm…
Diễn xong về nhà Hoài Linh lục cơm nguội ăn
Đợt Tết Tây vừa rồi, Hoài Linh gọi điện cho tôi. Tôi vui quá hét lên trong điện thoại nhưng giọng Linh buồn hiu như muốn khóc. Linh báo tin anh Thanh Lộc mất. Anh Lộc chính là người ngày xưa phát hiện ra tài năng của Hoài Linh và rủ Linh theo nghệ thuật.
Hôm ấy, Hoài Linh đang ở Nha Trang, tại đám tang của anh Lộc. Anh Lộc mất ngày thứ bảy thì chủ nhật Hoài Linh báo tôi. Tôi trách Linh sao ở đám tang rồi mà giờ mới cho tôi hay. Linh bảo mình buồn quá, cứ ôm quan tài anh Lộc khóc nên không nhớ gì cả. Tới hôm sau mới nhớ ra phải gọi cho tôi.
Linh lại bên quan tài, mở loa ngoài rồi bảo tôi “anh Lộc đang nghe anh nói đấy, anh nói gì với anh ấy đi rồi em thắp nhang khấn cho”.
Tại sao tôi lại bắt đầu bằng câu chuyện này, bởi vì tôi, Hoài Linh và anh Lộc chơi thân với nhau từ hồi còn ở Nha Trang. Khi ấy tôi hát ở Đoàn Ca nhạc nhẹ Hải Đăng, anh Lộc và Hoài Linh hát ở Đoàn Ca múa nhạc dân tộc, sau này đổi tên là đoàn Ponagar, cùng dưới sự quản lý của Sở Văn hóa tỉnh Khánh Hòa.
Ca sĩ Long Nhật ôn lại nhiều kỷ niệm thuở hàn vi với Hoài Linh.
Hồi đó, cứ sáng ra là mấy anh em tập trung về đoàn Hải Đăng đọc báo, uống cà phê tới 10 giờ thì tập và hầu như ngày nào cũng đi diễn. Anh Lộc lúc đó 20, tôi 18 còn Hoài Linh mới 16 tuổi.
Cứ mỗi lần đi diễn là ba anh em nói chuyện với nhau cả đêm tới mức chú Nguyễn Xuân Dậu là trưởng đoàn la hoài “không lo ngủ dưỡng sức mà cứ cười giỡn, chút lại hát không nổi”.
Ba anh em mỗi người một nơi. Tôi ở Huế, anh Lộc ở Nha Trang còn Hoài Linh ở Cam Ranh nhưng vừa gặp đã sáp vào nhau vì nói chuyện hợp và thương nhau vô cùng.
Có những đêm diễn ở Cam Ranh, cả đoàn về lại Nha Trang nhưng Hoài Linh thường rủ tôi với anh Lộc về nhà Linh lục cơm nguội chiên ăn, rồi mắc mùng ngủ dưới trời sáng trăng rất vui.
Tết năm nào đoàn cũng đi diễn nên tôi không được về nhà. Hoài Linh biết tôi nhớ nhà nên thường rủ về nhà Linh chơi. Mỗi lần nói chuyện với tôi, Linh thường nói bằng giọng Huế. Linh bảo “để em nói giọng Huế cho anh đỡ nhớ nhà”.
Cả ba anh em tôi chơi thân vì giống nhau ở một điểm là đứa nào cũng hiếu thảo với cha mẹ.
Mỗi lần gặp, Hoài Linh đều cho tiền
Sau này, Hoài Linh đi Mỹ. Linh ở hải ngoại nổi tiếng lắm, lâu lâu về Việt Nam thăm gia đình và bạn bè. Mỗi lần Linh về, gặp tôi là cho tiền, lúc 5 triệu lúc 10 triệu. Tôi nói mình không kẹt nhưng Linh cứ dúi vào tay. Tính Linh rất rộng rãi với anh em.
Khi Hoài Linh về Việt Nam hoạt động, chưa có nhà, phải đi thuê trọ. Hồi đó, tên tuổi của Linh ở hải ngoại hot nên về nước đắt show lắm. Hoài Linh là ngôi sao hài, là cái tên bán vé của mọi đoàn dù những đoàn đó có cả Ưng Hoàng Phúc, Ngọc Sơn hay Lâm Chí Khanh…
Show nào Hoài Linh đi diễn cũng kéo tôi đi cùng. Linh bắt tôi vừa hát vừa dẫn chương trình để được… ăn hai đầu lương, có tiền về nuôi con. Hoài Linh lúc nào cũng lo tôi không có tiền.
Họ rất thân thiết từ lúc mới bước chân vào nghề.
Tôi dọn đồ qua nhà trọ ở với Linh nhiều hơn cả ở nhà mình. Linh đi diễn về khuya nhưng mỗi lần về nhà vẫn đẩy cửa coi tôi thế nào, kéo mền đắp cho tôi rồi mới lên lầu đi nghỉ.
Linh thương cả vợ con, các em và ba má tôi. Bởi vậy, với tôi và mọi người trong nhà, Hoài Linh giống như ruột thịt. Bà xã tôi kém tuổi Linh nên gặp thì gọi anh nhưng Linh không chịu. Hoài Linh bảo “chị là chị dâu của em, em phải kêu bằng chị, còn chị kêu em bằng thằng Linh”.
Mỗi lần đi show ở Hải Phòng, Huế, Linh đều ghé nhà hoặc cho người đưa vé để vợ, má tôi đi coi, chưa kể quà cáp quần áo cho bọn trẻ con.
Hồi tôi ra vol.1 DVD “Tình Huế: Chung vầng trăng đợi” và CD “Ngựa ô lang thang”, Hoài Linh muốn giúp tôi bán đĩa thế là đóng một thùng băng đĩa của tôi ôm qua Mỹ.
Tôi không bao giờ quên cái hình ảnh hôm đó. Người Linh ốm nhom, ôm thùng băng đĩa chạy ở sân bay vì sợ trễ giờ thấy thương vô cùng.
Hoài Linh thương tôi lắm. Nhớ có lần Linh làm sự kiện ở 1 khách sạn, nghe tin con trai tôi sốt, vợ tôi khóc mà nhà không có tiền, tôi mới vào Sài Gòn lập nghiệp, show chưa nhiều mà phải lo mấy đứa nhỏ ăn học. Linh lấy ngay điện thoại gọi tôi “anh chạy ra khách sạn này liền cho em”.
Linh không sai người khác cầm tiền xuống mà tự chạy xuống đưa cho tôi 10 triệu. Hoài Linh bảo “hồi xưa anh em đứa nào cũng nghèo, giờ em có chút đỉnh thì anh em chia sớt cho nhau”. Linh còn dặn đi dặn lại tôi “anh có việc gì phải nói với em, em là em anh”.
Hoài Linh là người gánh vác
Có một thời gian, tôi quyết định qua Mỹ lập nghiệp. Tết năm 2008, tôi đang diễn với Hoài Linh ở trong nước thì nhận được lời mời show ở Mỹ. Hoài Linh khuyên tôi không đi vì Tết nguyên đán của người Việt bên đó buồn lắm, không có ai nhưng tôi không nghe, cứ đi.
Đúng như Linh nói, hát được mấy suất thì tôi nằm chèo queo một mình, vừa buồn vừa tức vì không nghe lời thằng em. Tôi gọi điện về cho Hoài Linh khóc. Linh bảo, một là anh bay về Việt Nam đi diễn với em; hai là anh đi du lịch chơi cho đã đi, chờ em qua.
Danh hài Hoài Linh rất được mọi người kính nể và yêu thương.
Tôi đợi Linh qua. Linh móc nối cho tôi với nhiều bầu show, sòng bài để đi diễn. Linh lại bắt tôi vừa hát vừa dẫn chương trình để nhận hai đầu lương.
Sau chuyến đó, tôi về nước. Vì thay đổi múi giờ và khí hậu đột ngột nên phổi tôi có nước phải điều trị mấy tháng. Vừa khỏi bệnh, tôi muốn làm show. Hoài Linh la “sức khỏe là quan trọng, hát thì hát cả đời, anh không làm show lúc này thì làm show lúc khác.
Anh mà có chuyện gì thì em hối hận”. Linh đòi cho tôi tiền để tôi không làm show, tập trung dưỡng sức cho bình phục.
Linh bây giờ là người rất có tiếng nói đối với tất cả các nhà sản xuất, các đạo diễn. Mỗi lần người ta nhắc tới Long Nhật là Hoài Linh bảo “mời anh ấy đi”.
Nói chung, nhắc tới Hoài Linh giống như nhắc tới một người ruột thịt của tôi. Sau này, anh em tuy ít gặp nhau nhưng tình cảm thì vẫn thế. Linh có một số điện thoại cho công việc và một số điện thoại dành cho người nhà thân thiết. Số dành cho người nhà, gọi giờ nào cũng được.
Hoài Linh là người gánh vác. Dù trong 3 anh em, Linh nhỏ tuổi nhất nhưng lúc nào cũng nói, các anh có việc gì cứ gọi em. Dù giàu có nhưng Linh sống kham khổ, lúc nào cũng chỉ thích ăn cơm với khô.
Tôi điệu đà còn Linh xuề xòa thích mặc áo thun, đi dép lào. Tuy khác nhau nhiều nhưng ngoài tình nghệ sĩ, trên hết anh em chúng tôi rất thương nhau.
* Ghi theo lời kể của ca sĩ Long Nhật.