Đây chính là điểm nhấn của Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2023 được ông Nguyễn Văn Phiệt, Chủ tịch UBND quận Lê Chân (TP Hải Phòng) chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam trước thềm khai mạc lễ hội. Đám rước sẽ được tổ chức theo đúng nghi lễ cổ truyền thống.
Trong tâm thức của người Hải Phòng, Nữ tướng Lê Chân là người đã khai sinh ra trấn Hải Tần phòng thủ, tiền thân của TP Hải Phòng ngày nay. Bà giống như một vị thánh luôn bảo vệ, che chở cho người dân nơi đây và đi vào huyền thoại với ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Vào ngày 8 tháng 2 âm lịch hằng năm, nhân dân Hải Phòng và du khách thập phương náo nức về dự lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, để tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn của Bà. Đây là lễ hội thường niên và cũng là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của TP Cảng.
Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 25-27/2 năm 2023 (tức ngày 6-8/2 năm Quý Mão) tại các điểm khu di tích gồm: Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, Di tích lịch sử văn hóa Đền Nghè và Đình An Biên. Lễ khai mạc được tổ chức trọng thể vào 20h ngày 26/2 tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân.
Là lễ hội thường niên, do đó, để làm ra “cái riêng” của Lễ hội qua từng năm là một trọng trách khá lớn lao của lãnh đạo quận Lê Chân. Năm nay, điểm nhấn củaLễ hội chính là 2 đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.000-1.100 người theo đúng nghi lễ truyền thống với các Dàn bát âm, Đội sanh tiền, Dàn Bát biểu, Chấp kích, Kiệu hoa, Lọng che, Kiệu võng, Đoàn tế nữ quan… Đám rước bắt đầu từ Đền Nghè và Đình An Biên và dừng chân tại khu vực Tượng đài Nữ tướng Lê Chân.
Bên cạnh phần Lễ, phần Hội cũng được tổ chức với hàng loạt hoạt động văn hóa đặc sắc như: Chợ quê; Trưng bày hoa lan, sinh vật cảnh; Cờ người và các trò chơi dân gian; Giải võ cổ truyền mở rộng…
Không chỉ kỳ vọng về việc tổ chức thành công lễ hội năm 2023, Chủ tịch UBND quận Lê Chân Nguyễn Văn Phiệt cũng bày tỏ mong muốn lễ hội sẽ lan toả giá trị văn hoá, lịch sử tới toàn thể nhân dân Hải Phòng và du khách thập phương. “Việc khôi phục Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân theo đúng nghi thức cổ thể hiện trách nhiệm và lòng tự hào của toàn bộ cán bộ, lãnh đạo của quận Lê Chân đồng thời bày tỏ lòng thành kính, truyền thống văn hoá “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ con cháu ngày nay đối với Nữ tướng Lê Chân anh hùng”, ông Phiệt nhấn mạnh.
Ở góc độ văn hoá, việc tổ chức Lễ hội đã khơi dậy niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Phòng đồng thời tiếp tục phát huy các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Tượng đài Nữ tướng, Đền Nghè, Đình An Biên, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền dân tộc. Thông qua lễ hội, ngành du lịch Hải Phòng cũng có cơ hội quảng bá các điểm du lịch tâm linh ở khu vực nội đô đến du khách trong, ngoài TP.
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được quận Lê Chân khôi phục lại từ năm 2011 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016.
An Thi
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/hai-doan-ruoc-tren-1000-nguoi-tai-le-hoi-nu-tuong-le-chan-nam-2023-d190583.html