“Uống rượu và lái xe, một người tốt đã thành kẻ giết người” – ông Khuất Việt Hùng, đã phải kêu lên như vậy khi chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc ở hầm Kim Liên.
Ông Hùng là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nên gần như ngày nào cũng nhận được báo cáo về tình hình tai nạn giao thông ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, những cái chết thảm khốc mỗi ngày, đến theo nhiều cách khác nhau trên đường, vẫn khiến ông Hùng rùng mình.
Trước lúc trút hơi thở cuối cùng vì ung thư, nghệ sĩ Lê Bình đã dặn dò đồng nghiệp một câu có thể khiến chúng ta rùng mình cảnh tỉnh: “Các em đừng như anh, làm việc thì phải chừng mực thôi, đừng lao vào như con thiêu thân. Như anh bây giờ, tiền tỉ cũng như đống rác thôi, chẳng giải quyết được gì“.
“Đừng như anh, tiền tỉ giờ cũng như đống rác thôi”
Mấy ngày nay, nằm sau song sắt phòng tạm giam, Lê Trung Hiếu – người lái xe Mercerdes đâm chết hai phụ nữ ở hầm Kim Liên – có ngộ được rằng “tiền tỉ bây giờ cũng chỉ như rác, chẳng giải quyết được gì”?
PGS.TS Hà Huy Phượng, Phó trưởng khoa Báo chí, Học Viện báo chí và tuyên truyền, nêu một câu hỏi day dứt: Không biết giờ này mấy người ép Trung Hiếu uống rượu, có ngủ được không?
Ai có thể ngủ?
Một người bạn không tham gia chén chú chén anh trong cuộc họp lớp định mệnh của Lê Trung Hiếu hôm ấy, cũng không ngủ được. Anh thảng thốt nhắn tin cho tôi lúc đêm muộn:
“Em rụng rời quá. Vợ Hiếu là một cô giáo. Hôm qua cậu ấy đã đâm chết một cô giáo khác. Hiếu sinh ra trong một gia đình rất có danh giá, ông ngoại và bác ruột đều là quan chức, bố là doanh nhân, mẹ giảng viên đại học. Vợ đẹp, con khôn. Thế mà sau cú đâm, tất cả chôn vùi hết đối với cậu ấy. Hôm ấy, chúng em còn định đi thăm thầy giáo cũ. Trong một thời gian dài nữa, Hiếu sẽ không thể nào làm được việc đó nữa. Phải cảnh báo mọi người về tác hại của bia rượu”.
Người chồng thất nghiệp, đứa con lớn, đứa con tự kỷ của nạn nhân thứ 2 trong vụ tai nạn Hiếu gây ra, có ngủ được không khi người vợ người mẹ – lao động tạo ra nguồn thu nhập chính của gia đình – không còn nữa?
Những người thân của Hiếu có ngủ được không, khi vừa giận vừa xót thương con cháu mình, vừa thương cảm nạn nhân xấu số?
Chiếc xe Mercerdes của Hiếu có nát đến thế nào, có tiền đại tu là sẽ phục hồi, hoặc mua xe khác. Còn chủ nhân của chiếc xe, tiền tỉ nào có thể khiến anh thoát bản án pháp luật, nhân quả các lương tâm?
Sau khi gây tai nạn, Hiếu chạy xe lòng vòng và khai rằng để “tìm lại chiếc biển số xe đã bị rơi”. Biển số xe có thể nhặt lại, làm lại, nhưng cuộc đời đã bị Hiếu đánh rơi trong vòng lao lý, nhặt lại thế nào?
Tiền tỉ nào có thể khiến những người đã đưa đẩy chén rượu tối ấy, dù là vô tình, bớt dằn vặt lương tâm?
Tiền tỉ nào có thể khiến nữ doanh nhân lái BMW Nguyễn Thị Nga thoát án, khi bà này say xỉn lái xe điên đâm 8 người thương vong tại ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM tháng 8/2018?
Tiền tỉ nào cứu được Nguyễn Hữu Linh, kẻ dâm ô bé gái trong thang máy, khỏi bia miệng và bản án của pháp luật?
Tiền tỉ nào cứu được những người vốn đã từng ăn to nói lớn nơi quan trường, công đường, trụ sở ngàn tỉ, thoát khỏi vòng lao lý sau những việc làm sâu mọt, hại nước hại dân?
Khi người ta đã phải nói “đừng như tôi, nếu mà, giá mà…” thì có nghĩa là hậu quả đã xảy ra, không thể đảo ngược. Tức là đã muộn. Làm thế nào để ngăn ngừa nó không xảy ra?
Lạm dụng rượu bia là hành động vừa tự giết mình (bệnh tật) vừa có thể giết người. Theo triết lý nhà Phật, những người bê tha rượu chè, kiếp sau có thể trở thành kẻ tâm thần bởi khi say, họ đâu khác tâm thần; những kẻ dâm ô có thể bị đọa thành súc sinh…
Nhưng thực tế, có nhiều thứ không chờ tới kiếp sau, mà nhân quả hiện tiền. Nhân quả ấy, những người như Hiếu, như Linh, như Nga… chẳng phải đợi lâu, mà đang hiện ra trước mặt.
Với những người tuân thủ luật pháp, tuân thủ luật lương tâm, tuân thủ quy luật tự nhiên, sống có tâm đức, có ý thức, biết bảo vệ mình, bảo vệ người, bảo vệ môi trường, thì rác có thể biến thành tiền tỉ. Còn ngược lại, tiền tỉ cũng sẽ như rác mà thôi.