Suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, người Việt không có cơ hội để ghi chép và lưu lại thư tịch về lịch sử dân tộc mình. Hầu hết những hiểu biết về lịch sử dân tộc đều được lưu giữ trong huyền thoại (thần phả) và thư tịch của Trung Hoa. Năm 938, với chiến thắng Bạch Đằng Giang do Ngô Quyền lãnh đạo, chấm dứt ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, các trí thức người Việt bắt đầu thiết kế, viết về lịch sử của dân tộc mình…
Nhân dân nô nức hành hương về Lễ hội Đền Hùng. Ảnh tư liệu
Sách “Lĩnh Nam chích quái” tương truyền là của Trần Thế Pháp (không rõ năm sinh, năm mất), danh sĩ thời Trần (thế kỉ XIV), là sách văn học đầu tiên, trong kỷ “Hồng Bàng thị truyện”, đã mô tả thời đại Hồng Bàng-được coi là thời đại sơ khai của dân tộc Việt. Những mô tả này chủ yếu dựa theo truyền thuyết, huyền thoại. Sách này lại được nhiều học giả đời sau (Lê, Mạc) nhuận chính theo kiến giải riêng, đưa thêm nhiều truyện vào so với nguyên tác và bản nhuận chính của người trước. Người đời sau nhận thấy có mối liên hệ giữa truyện họ Hồng Bàng và tích truyện “Liễu Nghị truyền thư” trong sách “Liễu Nghị truyện”, tác phẩm văn học viết của Lý Triều Uy đời Đường (thế kỷ VII), được xếp vào hàng sớm nhất của thể truyện truyền kỳ ở Trung Hoa, ra đời trước “Lĩnh Nam chích quái” bảy thế kỷ.
Truyện Liễu Nghị kể có thư sinh họ Liễu gặp người con gái lâm nạn trong rừng, là công chúa nhỏ con vua Hồ Động Đình, vốn được gả cho con trai thứ của Kinh Xuyên Vương nhưng bị ruồng bỏ. Nàng nhờ họ Liễu mang thư về báo tin cho vua cha đến cứu. Thư sinh họ Liễu được mời xuống thuỷ phủ, được hậu tạ và cuối cùng kết hôn cùng nàng con gái ấy.
“Hồng Bàng thị truyện” trong sách “Lĩnh Nam chích quái” kể chuyện Kinh Dương Vương xuống thuỷ phủ lấy con gái vua Hồ Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng nở ra trăm người con trai, người con cả lên ngôi vua, là Hùng Vương thứ Nhất.
Người đời sau phát hiện rằng, hai cuộc hôn nhân đó có nhiều tình tiết rất giống nhau với cùng một người trần xuống thuỷ cung lấy con gái vua Hồ Động Đình, hai cái tên Kinh Xuyên và Kinh Dương… khiến người ta dễ ngộ nhận, dễ nhầm lẫn.
Sử gia Ngô Sĩ Liên đã đưa truyện họ Hồng Bàng từ “Lĩnh Nam chích quái” vào“Đại Việt sử ký toàn thư”, bộ chính sử hoàn tất vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479) đời Lê Thánh Tông.Với “Đại Việt sử kí toàn thư” (đã được chứng minh là dựa theo “Liễu Nghị truyện”), huyền thoại Trung Hoa dần trở thành huyền sử, rồi vào chính sử nước Nam.
Đời sau đã nhận thấy sự bất cập ấy.
Ngô Thì Sĩ (1726-1780), nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng dưới thời chúa Trịnh Doanh và Trịnh Sâm đã chính thức khẳng định ảnh hưởng của “Liễu Nghị truyền thư” đến “Hồng Bàng thị kỉ” mà Ngô Sĩ Liên đã dựa vào để viết “Đại Việt sử kí toàn thư”.
Trong “Đại Việt sử kí tiền biên” (soạn năm 1775, in năm 1800), Ngô Thì Sĩ cho rằng: “Nay xét phần “Ngoại kỉ” chép: Năm Nhâm Tuất thì bắt đầu Giáp Tí là năm nào? Ghi chép tên húy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân sao riêng lược bỏ Hùng Vương? Thời Ngũ Đế trở về trước thì chưa từng gọi là “vương”. Xích Quỷ là tên nào, mà lại để làm tên nước. Một loạt hoang đường càn rỡ đều là đáng bỏ đi. Cái lỗi ấy lại tại kẻ hiếu sự thấy trong “Liễu Nghị truyền thư”. Trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên Vương, tưởng càn Kinh Xuyên là Kinh Dương”.
Đến “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, bộ chính sử của triều Nguyễn (gồm 53 quyển, dài khoảng 4.200 trang, bắt đầu biên soạn năm 1856 và hoàn thành năm 1884), hầu hết các sử quan tán thành quan điểm của Ngô Thì Sĩ. Bản “Tấu nghị” sách này ghi: “Vâng tra sử cũ, danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong “Kỉ họ Hồng Bàng”, vốn từ thời Thượng cổ, thuộc thủa hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy, lại phụ hội với “Liễu Nghị truyện” của nhà viết tiểu thuyết đời Đường, lấy đó làm chứng cứ”.
Ngày 22/1/1856, Vua Tự Đức ra chỉ dụ cho các sử quan: “Nước Việt ta, sử cũ chép việc Kinh Dương, Lạc Long, như còn, như mất; dầu có nhưng không nên bàn luận là hơn cả. Thế mà, (sử cũ) lại còn theo lệ chép bằng chữ to, mà những điều ghi chép đa phần là những câu chuyện đề cập đến “ma trâu, thần rắn” hoang đường không có chuẩn tắc. Cái nghĩa nhà làm sử “bỏ điều quái đản, giữ lẽ thường” có đâu như thế chăng? Bộ “Việt sử thông giám cương mục” này, chuẩn y cho bắt đầu từ kỉ Hùng Vương để biểu thị cái ý nước Việt ta bắt đầu có kỷ cương. Còn như hai niên kỉ là Kinh Dương, Lạc Long thì chia ra phụ chú dưới niên kỉ Hùng Vương, khiến cho hợp với cái nghĩa lấy nghi truyền nghi…Vâng làm theo dụ này”.
“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cho rằng: “Ôi! Kinh Dương thuộc đất Tần, Động Đình thuộc đất Sở, có quan hệ gì với nước ta đâu? Huống hồ những chuyện quái đản, không có gì chính đáng cả, sao có thể đủ lấy đó làm căn cứ mà nghiễm nhiên cho là hai vua đầu tiên lập nước, dựng quốc thống đây…”.
Vua Tự Đức và Quốc sử quán Triều Nguyễn cho rằng, lịch sử nước Nam chỉ nên tính từ thời Hùng Vương là lúc “nước Việt bắt đầu có kỷ cương”.
Theo chúng tôi, “nước Việt” ở đây là để chỉ nước Việt Nam có cương vực, địa giới như hiện nay. Sở dĩ có quan điểm như thế là để phân biệt với cương vực của Bách Việt thời cổ (có truyền thuyết chưa được chứng minh, cho đây cũng là địa giới nước Văn Lang): Bắc giáp sông Dương Tử (Trường Giang), Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), Đông giáp Đông Hải (Biển Đông), Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành). Trong khi đó, nước Việt vốn chỉ là địa bàn cư trú của tộc Lạc Việt, một trong Bách Việt.
Đây cũng là quan điểm của các nhà nghiên cứu lịch sử đời sau.
Vì thế mà người Việt Nam vẫn truyền đời nhớ câu: “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”. Ngày Giỗ Tổ đã trở thành Quốc lễ của dân Việt, được tổ chức trang trọng khắp mọi miền từ Bắc chí Nam. Đền thờ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh, đất Phong Châu, Phú Thọ vẫn được cả dân tộc thành kính gọi là Đất Tổ.
Đền Thượng
Đọc sử, tìm hiểu sử, khai thác và xử lý tư liệu sử phải rất thận trọng, trước hết phải có kiến thức sâu rộng, có tinh thần tự tôn dân tộc và nhãn quan chính trị sắc bén.
Nguyễn Năng Lực
Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/den-hung/lich-su-nuoc-nam-tinh-tu-thoi-hung-vuong/192722.htm