Lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Công an tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số”.

Công an thị trấn Điện Biên Đông đến các hộ dân hướng dẫn cài đặt, sử dụng mã định danh điện tử.

Đối với người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì nội dung tuyên truyền được phiên dịch, thu âm thành các thứ tiếng dân tộc thiểu số là giải pháp hiệu quả để người dân dễ tiếp thu, dễ hiểu và thực hiện. Lực lượng công an các cấp phối hợp các tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ thành lập các tổ công tác lưu động đến từng bản, khu phố, từng nhà dân triển khai, hướng dẫn, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua phần mềm VNeID cho người dân.

Chị Lò Thị Hoa, người dân tổ dân phố 1, thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) chia sẻ: “Tôi được các chú Công an thị trấn đến nhà tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng mã định danh điện tử. Bây giờ tôi đã biết sử dụng thành thạo và hướng dẫn mọi người trong gia đình thực hiện. Tôi thấy việc sử dụng mã định danh điện tử rất tiện ích, an toàn”.

Còn chị Đào Thị Thìn, người dân đội 2, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) thì cho biết: “Phần lớn thời gian ban ngày tôi bận đi làm đồng. Lực lượng công an và tổ chức đoàn, hội đã tranh thủ buổi tối đến nhà tôi và các gia đình trong đội để hướng dẫn cách kích hoạt, cài đặt tài khoản định danh điện tử”.

Lấy lợi ích của người dân là mục tiêu để hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng công an các phường, xã trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, các buổi tối đến các hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn kích hoạt, cài đặt mã định danh điện tử. Trung tá Trần Ngọc Ánh, Phó trưởng Công an TP. Điện Biên Phủ cho biết: Đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể duy trì các tổ công tác tại các tổ dân phố, bản để hướng dẫn nhân dân tiếp cận, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử nhằm phục vụ tối đa các tiện ích mà nhân dân có thể được thụ hưởng.

Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Đó là quan điểm xuyên suốt của tỉnh Điện Biên trong triển khai thực hiện Đề án 06. Hiện nay, tỉnh ta đã thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện công tác đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC và số hóa hồ sơ; giải quyết TTHC đúng quy định, giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ. Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận được trên 240.000 hồ sơ định danh điện tử; tiến hành làm sạch dữ liệu khách hàng, chuẩn hóa thông tin cho trên 26.000 thuê bao di động, cấp trên 34.400 tài khoản ngân hàng miễn phí cho công dân thực hiện thanh toán phí và lệ phí không dùng tiền mặt. Toàn tỉnh đã thu thập, làm sạch trên 656.300 dữ liệu dân cư (đạt 100%); thu nhận trên 478.000 hồ sơ CCCD (đạt 98,5%). Tiếp nhận, giải quyết 135.678/213.667 hồ sơ trực tuyến (đạt 63,5%), trong đó các TTHC do lực lượng Công an chủ trì đạt 86.004/162.006 (52,5%). Thực hiện rà soát, bổ sung thông tin biến động chung về trẻ em và phần mềm quản lý trẻ em tại cơ sở vào cơ sở dữ liệu trẻ em theo quy trình chuẩn hóa của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đạt 78,87%; rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội đạt 98,80% vào phần mềm quản lý và chuẩn hóa dữ liệu theo Đề án 06. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Kết quả chuyển đổi số thời gian qua đã góp phần thay đổi phương thức thực hiện TTHC thủ công sang phương thức điện tử, góp phần tạo nền móng cơ bản để xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số.

Bài, ảnh: Anh Khôi

Nguồn Báo Điện Biên Phủ: http://www.baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chuyen-doi-so/205414/lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-cua-chuyen-doi-so