Hiến tạng được hiểu đơn giản, cho đi là sẽ còn mãi. Sự sống không mất đi, nó chỉ chuyển từ người này sang người khác, tiếp diễn trên cơ thể của một ai khác. Nhờ đó, xã hội chứng kiến những cuộc “hồi sinh” kỳ diệu nhờ người đã chết.
Nhiều năm trước đây, người ta nhắc đến hiến tặng mô tạng vô cùng hạn chế. Xét về mặt nhân đạo, một số cá nhân không chấp nhận việc người thân ra đi không được trọn vẹn. Theo cách suy nghĩ của họ, cái chết của người thân vốn đã là một sự mất mát quá lớn, họ mong muốn không có bất kỳ sự tổn thương nào nữa trên cơ thể người đã khuất.
Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia ra đời năm 2013 với 5 nhân sự, trong bối cảnh nền y học ghép tạng đã có những bước phát triển vượt bậc. Sau 1 năm ra đời, chỉ có khoảng 200 người đăng ký hiến mô tạng và chủ yếu là cán bộ công nhân viên ngành y tế. Không hề đặc biệt, khái niệm hiến tạng thời điểm ấy hoàn toàn mờ nhạt.
Mãi đến một ngày tháng 2 đầu năm 2018. Một người đàn ông 42 tuổi mắc bệnh loạn dưỡng giác di truyền, một cụ bà 73 tuổi bị bệnh sẹo đục giác mạc, cả 2 bỗng nhìn thấy ánh sáng sau 2 ca mổ ghép giác mạc.
Giác mạc ấy là của một cô bé 7 tuổi, tên Hải An. Tim em ngừng đập vì u thần kinh đệm cầu não. Chính chị Dương, mẹ em, đã ký giấy đồng ý cho con mình hiến giác mạc, di nguyện cuối cùng của em trước khi mất.
Hải An đã đánh động lương tâm chúng ta khi hiến giác mạc lúc ra đi, để trong cuộc đời sẽ có 2 người may mắn tột cùng vì vẫn tiếp tục nhìn rõ trên từng bước đường đời. Câu chuyện gây xúc động mạnh trong xã hội, số người theo đó đăng ký hiến mô, tạng tăng lên đột biến. Một tháng sau khi An mất, số người đăng ký tăng gấp 100 lần. Con số kỷ lục chỉ trong thời gian ngắn, bằng cả nửa năm đi vận động, nói chuyện hiến tặng mô tạng ở nhiều địa phương của cán bộ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia. Từ những bạn trẻ tới cụ bà gần 70 tuổi đều đã tìm đến Trung tâm để đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, tiếp nối sự sống cho nhiều người khác.
Hiến tạng được hiểu đơn giản, cho đi là sẽ còn mãi. Nhờ đó, xã hội chứng kiến những cuộc “hồi sinh” kỳ diệu nhờ… người đã chết.
“Chiến binh” 4 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời, đem lại ánh sáng cho 2 thanh niên 20 tuổi
Mai Reon là em bé nhỏ tuổi nhất, tính đến thời điểm hiện tại, tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
Một tai nạn bất ngờ khiến bé trai 4 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch: dập não, dập phổi… Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã không thể can thiệp tìm lại sự sống cho bé. Nhận được tin con nhập viện, vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Minh Toàn từ Nhật vội vàng trở về Việt Nam. Họ không ngờ đây là những ngày cuối cùng được ở bên Reon.
Bé Mai Reon mang quốc tịch Nhật Bản của mẹ Mai Mika. Sinh ra ở Nhật, mỗi năm bé được về Phú Thọ, Việt Nam thăm họ hàng một lần. Đúng ngày sinh nhật 4 tuổi của Reon (24/12/2018), mọi sự nỗ lực cứu chữa thất bại. Bé ra đi trong vòng tay âu yếm của gia đình và người thân.
“Ông già Noel đưa cỗ xe tuần lộc đến đón con nhé, hãy ngao du và tặng quà cho mọi người khắp thế gian cùng ông già Noel nhé. Ánh mắt đầy tự hào của ba mẹ con chắc sẽ nhớ mãi” – chị Mika khẽ khàng nói với con trong vô thức.
Sau mất mát và nỗi đau quá lớn, anh và chị mong muốn hiến giác mạc của bé cho những người ở lại.
Bé Mai Reon ra đi khi mới 4 tuổi, sẵn sàng để lại giác mạc đem tới ánh sáng cho 2 thanh niên khác.
Tiếp nhận thông tin từ những người bạn trên mạng xã hội, đội ngũ cán bộ Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) kết hợp với Trung tâm hiến tạng Quốc gia liền lên đường. Họ mang theo nỗi buồn lớn suốt dọc đường, ai cũng im lặng khi phải đón nhận tin buồn như thế. Một đứa trẻ chỉ mới bắt đầu sự sống, đã vội vã nói lời từ biệt. Nhưng cách gia đình bé quyết định tiếp tục sự sống của con mới là điều đáng trân quý nhất trên đời này.
Giờ phút vĩnh biệt, người mẹ cúi hôn con trai nhỏ: “Chiến binh của mẹ! Con giỏi và kiên cường lắm, giờ hãy tặng lại giác mạc để giúp những người khác tìm lại ánh sáng nhé chàng trai. Đôi mắt con trong trẻo và rất đẹp. Con có về trời nhưng vẫn làm được việc làm có ích, mắt con sẽ vẫn sáng trong đôi mắt của những người khác”.
Sau khi tiếp nhận giác mạc của bé Mai Reon, các bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương đã tiến hành ghép một giác mạc cho một thanh niên 20 tuổi ở Thanh Hóa. Bệnh nhân này bị chứng loạn dưỡng giác mạc cả hai mắt, nhìn rất mờ. Bệnh nhân đang dần hồi phục sau ca ghép và đã bắt đầu có thể thấy lại ánh sáng.
Đầu tuần tới, một ca ghép tương tự với giác mạc còn lại của bé Reon cũng sẽ được thực hiện. Người nhận một giác mạc của bé cũng là một bệnh nhân ở độ tuổi 20 bị loạn dưỡng giác mạc.
Giây phút cặp vợ chồng trẻ lặng nhìn các bác sĩ lấy giác mạc của con trai.
Nụ hôn vĩnh biệt của vợ trước khi hiến tạng chồng, cứu sống 6 bệnh nhân khác
Anh Dương Hồng Quý (43 tuổi) phát hiện bị mắc bệnh dị dạng mạch máu não vào tháng 11 năm nay. Biết mình sẽ phải ra đi, anh đã gọi toàn thể gia đình tới đề nghị được hiến toàn bộ nội tạng. Anh còn nói đùa cho mọi người vui là bệnh của anh do “lỗi của nhà sản xuất” và quay sang “bắt đền” mẹ.
Anh đã gửi lại trái tim, phổi, gan và 2 thận của mình trong cơ thể của 5 người bệnh nặng. Các bệnh nhân được ghép đều đã ổn định. Trong đó tim, gan, phổi và 1 thận được ghép tại Bệnh viện Việt Đức, 1 thận được chuyển cho 1 bệnh nhi tại Bệnh viên Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh). Trước khi ra đi, chị Phương – vợ anh, khẽ khàng đặt lên môi chồng nụ hôn vĩnh biệt. Sau đó, anh được rút ống thở. Một phút mặc niệm kíp y bác sĩ cúi mình trước anh.
Đặc biệt, phổi của anh Quý đã được kíp y bác sỹ bệnh viện Việt Đức thực hiện ghép cho 1 bệnh nhi 17 tuổi, em N.V.Đ, mắc bệnh kén hoá và nhiễm trùng phổi rất nặng. Đ. đã phải mổ 1 bên phổi và bơm thuốc gây dính màng phồi bên trái do kén khí phổi vỡ tái diễn.
Chị Phương hôn chào tạm biệt chồng lần cuối. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Bệnh nhân 17 tuổi này được chẩn đoán xác định mắc bệnh mô bào ở phổi – một dạng bệnh ung thư rất đặc biệt – không có giải pháp điều trị triệt để, và được truyền hóa chất nhiều đợt. Tiên lượng tử vong rất cận kề. Ngoài ra, Đ. còn mang nhiều bệnh khác, như sỏi thận phải, sỏi trong gan, suy chức năng gan do hoá chất.
Khi được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân đã trong tình trạng chỉ nằm trên giường thở ô xy liên tục, tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng. Trên phim chụp cắt lớp ngực, gần toàn bộ phổi của bệnh nhân đã bị tiêu hủy hết thành các nang – kén khí, không còn hoạt động chức năng.
Ngày 12/12, Đ. may mắn nhận được 2 phổi của anh Quý. Ca phẫu thuật diễn ra suốt 14 giờ đồng hồ. 12 ngày sau ghép, Đ. cai được máy thở, tiến triển tốt, khả năng phục hồi nhiều hy vọng.
Mô, tạng của anh Quý góp phần cứu sống 6 bệnh nhân khác. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Đến chiều 26/12, Bệnh việt Việt Đức tiếp tục sử dụng mạch máu của anh Quý được lưu trữ tại Ngân hàng mô của bệnh viện để nối mạch máu thành công cho bệnh nhân trong ca ghép gan phức tạp. Như vậy, đây là lần đầu tiên y học ghi nhận trường hợp lấy và ghép 7 mô/tạng cho 6 người bệnh từ một người cho đa tạng chết não.
GS. Trần Bình Giang- Giám đốc BV Việt Đức cho biết, một số mô khác của anh Quý được lưu giữ tại Ngân hàng mô để cứu chữa cho các bệnh nhân khác.
Em bé đầu tiên ở Việt Nam ghép thận từ người hiến chết não
Cũng từ nguồn tạng của anh Dương Hồng Quý, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành ghép thận cho bé Huy, 15 tuổi, quê Lâm Đồng, bị suy thận giai đoạn cuối.
Huy phát hiện suy thận vào cuối tháng 1. Tình trạng chuyển biến xấu khoảng tháng 9, huyết áp cao, nước tiểu mỗi ngày còn khoảng 100 ml. Ghép thận là cách duy nhất cứu cậu bé. Nhưng người thân không đủ điều kiện phù hợp để có thể hiến thận.
May mắn, sáng 11/12, Bệnh viện Nhi đồng 2 được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo chuyển một quả thận từ người hiến tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vào. Lãnh đạo bệnh viện kích hoạt báo động đỏ toàn hệ thống để tìm bệnh nhân phù hợp trong danh sách chờ ghép thận.
Bé Huy hồi phục, tỉnh táo sau ca phẫu thuật. Ảnh: BVCC
Bé Huy có các chỉ số phù hợp nhất với người hiến. 2h sáng 12/12, bệnh nhi từ Đà Lạt đến TP HCM nhập viện và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc mổ ghép. Chiều cùng ngày, quả thận bảo quản trong thùng giữ đông chuyên dụng được chuyển bằng đường hàng không vào đến Bệnh viện Nhi đồng 2 an toàn. Em trở thành bệnh nhi đầu tiên được ghép thận từ người cho chết não.
14 ngày sau ghép, bé Huy vẫn ở phòng cách ly. Em tỉnh táo, gương mặt hồng hào tươi tỉnh và đã có thể đi lại cười nói. Dự kiến bé có thể đi học lại sau 6 tháng nữa.
Nam sinh 15 tuổi hồi sinh nhờ quả tim xuyên Việt từ bệnh nhân chết não
Em Phạm Văn Cơ (15 tuổi), theo học tại ngôi trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Đà Nẵng. Trái tim của Cơ to gấp 3 lần bình thường, suy tim giai đoạn cuối. Lựa chọn duy nhất của em là một trái tim mới thay thế, để em tiếp tục được sống và tới trường.
Cơ là một trong 2 bệnh nhân có tên trong “Danh sách chờ ghép tạng Quốc gia”, ngoài em còn một bệnh nhân khác đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy đủ điều kiện tiếp nhận tạng khẩn cấp.
10h sáng ngày 13/6, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo có nguồn tạng hiến phù hợp với Cơ. Đó là trái tim của một nam thanh niên còn rất trẻ không may bị tai nạn. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hết lòng cứu chữa nhưng bệnh nhân vẫn không thể qua khỏi. Anh rơi vào tình trạng chết não và trong thời điểm đau thương ấy, gia đình anh đã tình nguyện hiến tặng toàn bộ mô/ tạng. Trung tâm đã quyết định điều chuyển trái tim trên tới Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho Cơ.
Cơ nằm nghỉ thời gian chờ được ghép tim. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Điều đặc biệt ở ca ghép tim lần này là quá trình vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Thời điểm phẫu thuật lấy tim từ người hiến không có chuyến bay nào từ Hà Nội vào Thừa Thiên-Huế. Các bác sĩ đã quyết định vận chuyển trái tim xuyên Việt từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng máy bay và từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên-Huế bằng ô tô.
Sau khi quả tim được đưa tới Đà Nẵng, chiếc xe cấp cứu đã chờ sẵn tại sân bay để chuyên chở kíp bác sĩ về Bệnh viện Trung ương Huế. Rất may, khi trái tim vừa về đến bệnh viện một vài phút cũng là lúc việc đọ chéo máu cho kết quả tốt. Khi đó, khoảng 23h15 phút ngày 13/6 và quá trình vận chuyển quả tim kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ.
Hành trình vận chuyển quả tim xuyên Việt cứu bệnh nhi 15 tuổi. Ảnh: Traung tâm điều phối ghép tạng quốc gia.
Rạng sáng 14/6, ca ghép tim được thực hiện. Sau gần 4 giờ phẫu thuật ghép tạng, cuộc phẫu thuật thành công. Đến 2h47 phút, trái tim đã chính thức đập lại trong lồng ngực của Cơ, vỡ oà niềm hạnh phúc của gia đình em cũng như toàn thể các y, bác sĩ.
Sau một ngày ghép tim, Cơ hồi tỉnh, huyết động ổn định, chuẩn bị rút nội quản và được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Gây mê hồi sức tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế.
Thời gian sau, từ một cậu bé gầy gò, xanh xao, chỉ nặng 39 kg, sau khi ghép tim, Cơ ăn được ngủ được, tăng hơn 10 kg trong vòng 5 tháng. Cơ tâm sự, nếu không có người trao tặng quả tim khỏe mạnh và sự nhiệt tình của kíp bác sĩ, em đã không còn trên cõi đời này.
Vợ hiến tạng chồng cứu 5 phụ nữ khác
Bệnh nhân hiến tạng là một người đàn ông 43 tuổi, quê Vũng Tàu, bị tai nạn giao thông vào đêm 4/4 tại khu vực huyện Long Thành. Bệnh nhân được cấp cứu ở BV huyện Long Thành rồi chuyển lên tuyến tỉnh trong tình trạng chấn thương sọ não khá nặng, tiên lượng tử vong. Nén nỗi đau thương, người vợ thuyết phục các con hãy vui lòng, để có thể hiến tạng chồng làm việc ý nghĩa cho đời.
Chiều tối 5/4, xe cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đến nơi. Lực lượng CSGT khu vực kết hợp hỗ trợ việc di chuyển. Họ chia làm 2 nhóm: 1 nhóm chuyển tim và một nhóm mang thận, giác mạc. Nhờ sự hỗ trợ hết mình, tạng được chuyển đến nơi trong vòng 30 phút. Tất cả tạng được ghép cho 5 người phụ nữ, họ phục hồi rất tốt sau phẫu thuật. Điều đặc biệt ý nghĩam là gia đình của người hiến còn hỗ trợ thêm một phần tiền ghép tim cho người nhận khi thấy hoàn cảnh của họ quá khó khăn.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Chợ Rẫy xúc động chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông theo sát một trường hợp hiến tạng từ ban đầu và chứng kiến gia đình người hiến vô cùng tâm huyết.
3 trong số 5 người phụ nữ hồi phục sau phẫu thuật. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Từ sau bé Hải An, hơn 7.300 người đã tự nguyện đến Trung tâm để ghi tên vào danh sách sẵn sàng hiến tặng mô/tạng khi chết hoặc chết não, nâng tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não sau 5 năm lên 19.300 người. Cùng với đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ, các cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng trong hành trình thực hiện 3.378 ca ghép tạng (3.223 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim) và nhiều ca ghép giác mạc, góp phần mang lại sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo.
Với những người đăng ký hiến tạng, họ hạnh phúc vì không chỉ nắm trong tay cơ hội sẽ trao lại sự sống cho bất kỳ một người nào đó ngay khi họ qua đời, mà họ hạnh phúc trong chính giây phút hiện tại. Họ đã vượt qua sự sợ hãi về cái chết để đối diện với nó. Trong họ lúc đó chỉ còn lại niềm vui và hạnh phúc lan toả.