Hiện trường vụ tai nạn.
Liên quan đến vụ 1 thanh niên lao vào dải phân cách ngăn ô tô chạy vào cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây tử vong, Sở GTVT TP HCM đã lên tiếng về vụ việc.
Sáng 13/3, trả lời với PV, ông Lê Ngọc Hùng – Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, thuộc Sở GTVT TP HCM xác nhận vụ tai nạn mà 1 người thanh niên đi xe máy tông vào dải phân cách ngăn ô tô vào làn xe máy tử vong thuộc khu vực mình quản lý.
Về phiến bê tông giữa làn đường xe máy, ông Hùng cho hay, phiến bê tông được khu quản lý đô thị số 2 lắp đặt nhằm “chống” ô tô đi vào. Trước khi lắp đặp, rất nhiều ô tô, xe tải cố tình đi vào làn đường xe máy và gây va quẹt tai nạn, gây nguy cơ tai nạn giao thông.
“Vì vậy, chúng tôi đã gắn barie ở phía trên chỉ ngăn được xe tải cao, còn phía dưới các xe du lịch, xe con vẫn cố tình đi vào làn xe máy được. Từ đó, chúng tôi bổ sung dải phân cách bằng bê tông phía làn đường xe máy. Trước dải phân cách, khu quản lý có gắn cọc tiêu nhựa để dẫn hướng cho các xe đi vào làn cho phù hợp”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, từ hồi lắp đặt (2017) tới nay, đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên liên quan dải phân cách bằng bê tông.
Về hướng xử lý khắc phục tránh tình trạng tái diễn lặp lại khiến người đi đường tử vong, ông Hùng cho hay sẽ nghiên cứu thêm bằng cách lắp camera để phạt nguội xe ô tô, xe tải đi vào làn xe máy để xóa bỏ dải phân cách cứng bằng bê tông.
Trước đó, khoảng 18h chiều 12/3, anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) điều khiển xe máy trên đường dẫn cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây theo hướng từ đường Đỗ Xuân Hợp về nút giao An Phú, đến địa phận phường An Phú (quận 2) thì tông vào tụ bê tông đặt giữa đường ở làn xe máy.
Vụ tai nạn khiến anh Hảo tử vong tại chỗ, chiếc xe máy văng xa nhiều mét. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, nhiều người bức xúc về việc đặt dải phân cách ngăn ô tô vào làn xe máy gây tai nạn.
Khu vực xảy ra tai nạn là đường dẫn vào cao tốc TP.HCM- Long Thành do Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
4km đầu tuyến đi qua địa bàn quận 2 và quận 9 (TP.HCM) nối nút giao An Phú đến đoạn giao với đường Vành đai II (vòng xoay Phú Hữu) được TP.HCM giao Khu 2 quản lý, phần còn lại của cao tốc do Công ty cổ phần dịch vụ cao tốc Việt Nam quản lý.
Khi mới đưa vào sử dụng, đoạn đường 4km không có làn đường dành cho xe máy. Đến đầu năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận phương án cho xe máy chạy vào cao tốc theo đề nghị của UBND TP.
Phương án được đưa ra dựa trên đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea). Theo Horea, do đường dẫn lên cao tốc, đoạn từ đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2) đến đường Vành Đai 2 – Võ Chí Công đang có 4 làn ôtô, trong đó 2 làn dừng khẩn cấp chỉ cho ôtô lưu thông, đường khá thông thoáng.
Đơn vị này đề nghị cho xe máy vào đoạn dẫn cao tốc này để sử dụng hết hạ tầng giao thông, giảm tải lưu lượng phương tiện lên các tuyến đường Vành Đai 2, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh.
Khi đó, làn dừng khẩn cấp rộng 3 m được chuyển đổi thành làn đường dành cho xe máy nhằm thuận lợi cho người tham gia giao thông và phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Đông TP.
Ông Hùng thừa nhận việc lấy một phần lòng đường dẫn cao tốc để làm đường cho xe máy lưu thông không đảm bảo an toàn.