Lão cười ha hả: “Nhận tiền của bọn cao tốc hả. Có. Nhận 3 lần”. Lão khẳng khái, chẳng trốn tránh, phủ nhận…
Lão năm nay 59 tuổi, có tên Phạm Tấn Lực quê thôn Phú Lễ 2 (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và hỗn danh Lực “khùng”. Suốt 4 năm trời, lão vì chướng tai, gai mắt với những nhà thầu làm ẩu trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà tự rình mò, chụp ảnh lấy bằng chứng tố cáo đến cơ quan chức năng.
Cũng vì chuyện tố cáo mà lão bị đánh thừa sống thiếu chết, bị khủng bố tinh thần và cả bị mua chuộc bằng tiền.
Tôi gặp lão “khùng” một ngày sau khi UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đưa ra quyết định chưa khen thưởng cho ông về thành tích tố cáo sai phạm trên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có giá đầu tư 34.000 tỷ đồng.
Căn nhà cấp bốn của vợ chồng lão nằm cách tuyến cao tốc khoảng hơn 100 m. Giữa trưa, bà Trương Thị Cường (49 tuổi), vợ lão, ngồi ăn cơm một mình. “Sáng nay mưa to, ổng lại đi lên cao tốc “giám sát” rồi. Chú đợi tí, chắc ổng sắp về”.
Lão Lực bước ầm ầm vào nhà. Chân bước, miệng nói. Tướng đi thoăn thoắt. Thân hình ốm nhom, mặt khắc khổ nở nụ cười khi thấy khách. Tay lão cầm theo vật bất li thân: chiếc máy ảnh kỹ thuật số cũ mềm.
Tôi chưa kịp hỏi, lão đã lên tiếng. “Mới mưa trận đầu mùa mà nó bong tróc rồi. Nhỏ thôi, vết bong bằng cái bát. Tụi nó vá lại bằng cách đổ xi măng lên nhưng xe chạy kiểu này là hỏng ngay.
Cái đoạn A3 này, trời mưa khoảng 10 ngày là mặt đường hư hết. Thầu Trung Quốc (nhà thầu Giang Tô – PV) làm ẩu lắm”.
Lão kể hồi năm 2014, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi triển khai, chạy ngang qua quê nhà Bình Trung. Bà con hàng xóm, người nhường đất ở, người bị thu hồi để giao mặt bằng cho dự án.
Còn lão, công ăn việc làm không ổn định nên xin một chân làm bảo vệ của dự án. Vốn có kiến thức xây dựng, lão quan sát công nhân nhà thầu khi họ xây cao tốc.
Dần dần, lão cảm thấy quá trình thi công có vấn đề. Lão bảo vệ đến hỏi thẳng công nhân, họ trả lời làm theo lệnh. Lão hỏi nhà thầu, họ nói thi công đúng tiêu chuẩn. Lão phản ánh với giám sát, giám sát trốn chẳng cho gặp.
Hỏi, phản ánh nhiều quá, lão mất việc.
“Đó là cuối năm 2015, cũng là thời điểm tôi bắt đầu gửi đơn tố cáo những khuất tất của các nhà thầu đến các cơ quan chức năng như chính quyền địa phương huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Tổng công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC). Đơn thư gửi đi nhưng chẳng đơn vị nào trả lời”, lão bức xúc.
Lão Lực nhận lại được những lời đe dọa, 2 trận đòn cùng hỗn danh Lực “khùng” theo suốt 4 năm qua. Lão gạt phăng, không muốn nhắc những lần bị đánh, đe dọa.
Nhưng bà Cường nói chen vào, kể rành mạch từng vụ.
Bà nhớ lại lúc chồng bị đuổi ở cao tốc thì lập tức đi làm bảo vệ ban đêm ở hồ chứa nước không xa dự án cao tốc. Đêm trực, còn ngày ông vẫn đi thu thập chứng cứ thi công gian dối gửi lên cơ quan chức năng.
“Họ nói bóng nói gió rồi gọi điện đe dọa, yêu cầu không được tố cáo nữa. Nó gọi dọa chặt chân chặt tay, khi khác dọa lấy luôn cái mạng”, bà kể.
Người vợ này cho biết, tháng 3/2016, gần 2h sáng thì họ kéo đến ném đá vào nhà. Nhóm người này ném đá suốt mấy tháng liền nhưng không liên tục, thích thì tới, chán thì rời đi. Bà con hàng xóm rình bắt nhưng không được.
“Ông đi bảo vệ, tôi ở một mình nghe đá rớt trúng mái nhà rầm rầm mà lạnh sống lưng.
Tháng 9/2016 ổng bị chặn đánh, máu me bê bét phải nằm viện 1 tuần, khâu 7 mũi. Xuất viện ổng về, tôi can hết lời, con cái cũng khuyên, hàng xóm nói ra nói vào nhưng không được. Ổng gạt hết. Ổng nói việc của ổng là vì quyền, vì lợi ích của mình, của bà con, của nhà nước nên phải làm đến cùng.
Tôi canh ổng như canh con nít. Vậy mà hở ra một tí, giữa trưa nắng hay giữa đêm, ổng vác máy ảnh “trốn” lên cao tốc ngay. Tôi không can được nên bỏ nhà đó, lên trạm bảo vệ ngủ với ổng cho an tâm”, bà Cường nhớ lại.
Lão Lực kể liên tu bất tận những vết bong tróc mới phát hiện trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đoạn qua huyện Bình Sơn. Vị trí ở đâu, to cỡ nào, được công nhân vá hay chưa, vá bằng cách nào lão đều nắm rõ. Lão lại nói thêm mấy vị trí nứt taluy 2 bên đường, chuyện công nhân chống thấm dột mấy chỗ cầu chui dân sinh. Lão nói, lão trình bày say sưa.
Chuyện mới lão nói, chuyện cũ lão kể. Lão nói về việc san đất, làm mặt bằng gian dối của nhà thầu Giang Tô, chuyện nhà thầu lấy đất không đạt chất lượng làm móng đường, chuyện rải thảm nhựa sai quy định, thi công trong mưa… Lão kể chuyện nào đều có cả tập ảnh để chứng minh cho chuyện của mình.
Người nghe chẳng nỡ cất tiếng cắt lời nhưng rồi cũng phải hỏi về chuyện lão không được huyện khen thưởng. Lão cười, nói thẳng tưng như ruột ngựa.
“Khen thưởng gì. Tôi tố cáo họ làm sai vì tiền làm đường là của dân mình, của tôi trong đó chứ chẳng phải để lấy tiếng, để được nhận tấm bằng khen.
Tôi làm gì có chuyện buồn mà đang vui đây. Phó chủ tịch Quốc hội (ông Phùng Quốc Hiển – PV) đang đi kiểm tra cao tốc đó. Tôi tin Quốc hội sẽ làm rõ mấy cái sai của họ”, lão Lực nói.
Chuyện lão Lực đi tố cáo sai phạm khi thi công cao tốc, cả làng, xã, huyện đều biết. Họ khen lão dũng cảm, có người chê lão khùng đi lo chuyện thiên hạ.
Có dạo, người làng dè bỉu, coi thường lão. Người ta nói bóng, nói gió sau lung lão. Kẻ say ở quán rượu thì chửi thẳng mặt: “Hắn đi tố cáo để dọa người ta đưa tiền”.
Tôi nhắc khéo chuyện đó, lão cười ha hả. “Nhận tiền của bọn cao tốc hả. Có. Nhận 3 lần”. Lão khẳng khái, chẳng trốn tránh, phủ nhận…
Lão Lực nhớ lần đầu được nhận quà – mà nói thẳng là tiền từ ông Hoàng Việt Hưng (nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi). Đó là dịp ông Hưng đến nhà ông Lực tìm hiểu sau hàng loạt đơn tố cáo được gửi đi. Ông Hưng đến đúng vào dịp đám giỗ.
“Ông Hưng đưa cái phong bì, tôi mở ra có 3 triệu. Ông ta nói “bác Sáu (ông Lực) đổ xăng dầu để hằng ngày đi ra cao tốc cùng giám sát với tư vấn giám sát. Bác thấy cái gì sai, cứ báo con”.
Tôi mở phong bì ra, những người đến dự đám giỗ đều chứng kiến”, lão Lực kể.
Hai lần khác lão nhận quà từ Ban quản lý dự án là dịp Tết dương lịch 2017 và dịp 30/4 vừa qua. Người của Ban quản lý gửi về mỗi lần 1 triệu kèm lời nhắn “gửi biếu bác Sáu ăn Tết cho vui”.
“Tiền đó là tình cảm, mình nhận, không có gì xấu hổ cả. Tôi mà làm cái chuyện nhận tiền thì giàu rồi, trăm triệu, cả tỉ chứ không ít”, lão nói.
Lão kể nhà thầu Trung Quốc trong 3 năm qua mang tiền, quà đến tận nhà không dưới vài chục lần. Mới nhất là khi cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hư hỏng bị báo chí lên tiếng.
“Họ mang đến mấy trăm triệu xin tôi đừng tố cáo nữa, đừng đưa thông tin cho báo chí. Tôi từ chối, đuổi, nói thẳng “mấy anh làm ẩu thế thì trước sau nhà nước cũng biết”. Họ đi về.
Từ 2016 đến nay, mấy ông thầu Trung Quốc nói với tôi rằng ông Sáu không cần ra cao tốc làm gì cả. Ông Sáu cứ ở nhà mỗi tháng nhận 5 đến 10 triệu đồng tiền lương bảo vệ. Tôi gạt hết”, lão Lực kể.
Lão thẳng thắn thừa nhận cần tiền, thậm chí rất rất cần tiền nhưng phải là đồng tiền chính đáng. Tiền vào nhà tất cả lão đều dành dụm để chữa bệnh cho vợ.
Hơn 10 năm trước, xứ Bình Sơn ai cũng biết danh nhà thầu xây dựng Phạm Tấn Lực. Công trình lớn nhỏ, đường xá lão đều nhận thầu. Công việc ăn nên làm ra, lão đã tính đến chuyện mở công ty thì tai họa ập đến.
Vợ lão, người phụ nữ giỏi giang, chủ vựa dưa hấu lớn nhất nhì Bình Sơn chuyên xuất hàng đi Nam – Bắc, Trung Quốc đột nhiên ngã bệnh. Hai vợ chồng lão gác lại mọi chuyện làm ăn lo chạy chữa thuốc thang.
Lão không nhận thầu, vợ lão không buôn bán nữa mà đi khắp các bệnh viện miền Trung tìm cơ may chữa khỏi căn bệnh gan. Đất đai, nhà cửa, tiền bạc đội nón ra đi sau theo những toa thuốc ngày càng đắt tiền mà bệnh tình không dứt.
Cuối năm 2008, vợ chồng lão Lực dắt nhau ra Hà Nội, tìm đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tìm cơ hội sống. Bệnh tình bà thuyên giảm hẳn nhưng cứ 3 tháng một lần, hai người lại từ Quảng Ngãi ra Hà Nội mua thuốc.
“Một chuyến đi khoảng 4 đến 5 ngày. Vừa khám bệnh, vừa lấy thuốc. Mỗi lần tốn khoảng 20 đến 30 triệu đồng.
Từ ngày tôi bị bệnh, ông chăm tôi như chăm con. Tôi nói gì cũng nghe. Tôi nói bỏ thuốc ổng bỏ thuốc, nói uống rượu ít lại thì chỉ dám uống 1 li.
Vậy mà có một chuyện ổng cãi, làm trái ý tôi. Đó là cái chuyện tố cáo, kiện cao tốc”, bà Cường giọng trách móc, mắt nhìn lão Lực đầy hạnh phúc.
Vợ nói, lão cười hì hì. Lão bảo chuyện gia đình chẳng dám trái ý nửa lời. Hai người con gái đều đã yên bề gia thất, công việc đàng hoàng. Vợ chồng lão chi tiêu dè xẻn từ tiền lời ở quán tạp hóa của vợ. Mỗi tháng, lương bảo vệ của lão được 4 triệu cất lại để 2 người đi “du lịch” Hà Nội.
“Cuộc sống cũng khó khăn lắm. Tiền thuốc khi nào cũng thiếu nhưng may mấy đứa con góp thêm, họ hàng cũng cho mỗi người mỗi ít nên trụ được 10 năm qua.
Đời này, tôi mãn nguyện vì có bà ấy là tri kỷ. Cái chuyện cao tốc, bả phản đối vậy thôi chớ biết tôi làm đúng, làm không phải vì cá nhân nên cũng thương lắm”, lão Lực cười.
Cái cười hạnh phúc mn nguyện, thanh thản.