Kỳ vọng chấm dứt tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài

Chiều 17/6, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Một trong nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý là những quy định nhằm tăng cường quản lý năng lực hoạt động xây dựng

 

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.

Cụ thể, Điều 159 được sửa đổi, bổ sung như sau: Thông tin năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân đã được cấp chứng chỉ phải được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ quản lý và tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành các quy định về điều kiện năng lực hoạt động của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng…

Những sửa đổi, bổ sung này được kỳ vọng sẽ tăng cường quản lý năng lực hoạt động xây dựng khi trước đó tại phiên thảo luận về dự án Luật, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng về tình trạng dự án vi phạm trật tự xây dựng kéo dài.

Dẫn lại một loạt dự án vi phạm về trật tự xây dựng thời gian qua như công trình 8B Lê Trực, chung cư HH Linh Đàm…, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá vi phạm kéo dài giữa thanh thiên bạch nhật, khi xử lý thì chậm trễ gây bức xúc trong dư luận.

“Việc du di phạt cho tồn tại, quy hoạch “chạy” theo dự án, như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm sẽ để lại rất nhiều hệ lụy”, Đại biểu Phạm Trọng Nhân lo lắng.

Cùng e ngại, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua, vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, phổ biến nhưng không biết quy trách nhiệm cho ai.

“Kẽ hở trách nhiệm này của UBND tại địa phương hay thanh tra xây dựng? Hai việc này rất lập lờ, chồng lấn”, Đại biểu Cường đặt vấn đề. Đồng thời, đề nghị trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng phải là cơ quan chính quyền ở địa phương.

Do đó, Đại biểu Đoàn Hà Nội cho rằng, cần phải quy định rõ trách nhiệm trong quản lý xây dựng từ cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương đến chủ đầu tư.

Còn thanh tra xây dựng khi phát hiện sai phạm thì vào cuộc để sai phạm tiếp tục xảy ra, không xử lý được cũng phải quy trách nhiệm cho thanh tra. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm phải nghiêm minh mới đủ sức răn đe.

Cùng quan điểm, Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nhận định, tình trạng vi phạm xây dựng vẫn diễn ra tràn lan là do cách quản lý có vấn đề.

“Một nhà dân trong ngõ ngách vừa sửa một chút đã có cán bộ, công chức xuất hiện. Nhưng có những công trình xây dựng sai phạm lừng lững lại nói không ai biết. Nhiều vụ việc sai phạm vừa qua đã phơi bày những yếu kém trong quản lý”, Đại biểu Sinh dẫn chứng.

Đại biểu Sinh cho rằng, việc tổ chức thực hiện Luật không nghiêm dẫn đến người dân, doanh nghiệp “nhờn luật”. Do vậy, Luật điều chỉnh phải quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân trong việc kiểm soát hoạt động xây dựng. Khi đó tổ chức, cá nhân buông lỏng phải bị xử lý, chịu trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý của mình.

 

 

 

Theo Song Thu (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ky-vong-cham-dut-tinh-trang-vi-pham-trat-tu-xay-dung-keo-dai-d127361.html