Tư lệnh ngành Thông tin Truyền thông cho biết tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghệ 4.0, sáng 3/10.
Phát biểu tại Industry 4.0 Summit, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội của cách mạng 4.0 để vượt lên thành nước phát triển.
Bởi chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, Bộ trưởng nói và cho biết Nghị quyết 52 là một thí dụ.
“Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam”, ông nói. Tuy nhiên, đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.
“Chúng ta có thể làm được vì văn hoá người Việt Nam là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Và Việt Nam luôn là nước mạnh nhất thế giới trong các cuộc cách mạng toàn dân”, ông Hùng nhận xét.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hạt nhân của quá trình chuyển đổi số chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. “Chúng ta phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make In Vietnam, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, và từ đây đi ra toàn cầu”, ông nói.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ 5 yếu tố nền tảng cho chuyển đổi số gồm: thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, platform và đào tạo.
Về thể chế, Bộ trưởng cho biết quan trọng nhất chính là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam.
“Cái mới thì chưa biết nên cũng không thể biết cách quản lý, do vậy cơ chế sandbox, tức là cho thí điểm, nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định”, ông nói.
Về hạ tầng, Bộ trưởng nói rằng quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số, như IoT, Big Data, AI. Theo ông, rất nhiều công nghệ mới đang xuất hiện cho phép Việt Nam chuyển đổi nhanh chóng hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT thế hệ mới. Và không chỉ là việc mua công nghệ và thiết bị mà còn là cơ hội cho Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất thiết bị hạ tầng ICT.
“100% người Việt Nam có điện thoại thông minh cũng sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Phương án sớm tắt sóng công nghệ 2G đã được Bộ TTTT nghiên cứu”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, ông đề cập đến an toàn, an ninh mạng như là tiền đề của chuyển đổi số an toàn, tạo niềm tin cho mọi người tham gia.
Và lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam là dựa trên các platforms, theo Bộ trưởng. Bởi một nền tảng có thể kết nối hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp.
“Lợi thế Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp CNTT có năng lực, đã trưởng thành trong mấy chục năm vừa qua, có thể phát triển các platforms phù hợp cho chuyển đổi số Việt Nam”, ông nói.
Còn với đào tạo, Bộ trưởng Hùng nói rằng trước mắt cần tập trung vào đào tạo lại và đào tạo nâng cấp.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước cho việc chuyển đổi số gồm: Đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực; Sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực; Tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
“Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nó tạo cơ hội cho các đổi mới sáng tạo. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.