Khi nhìn những tấm biển lò luyện thi đại học dần được gỡ xuống, nhiều người thấy thở phào nhẹ nhõm vì không phải chứng kiến cảnh tượng học sinh chen nhau đông nghẹt đến tội nghiệp. Nhưng với nhiều người, đó lại là cả bầu trời ký ức những năm tháng học sinh.
Bài báo về “những tấm biển lò luyện thi đại học cũ mèm được gỡ xuống” lướt qua newsfeed Facebook tôi; việc tháo dỡ một tấm biển là điều không có gì đặc biệt nhưng sao tôi thấy lòng mình nghĩ ngợi khi đọc thông tin kia. Tháo tấm biển luyện thi đại học kia xuống mà cảm giác như một ký ức của thế hệ 8x, 9x bị cuốn văng khỏi dòng chảy hiện đại.
Những lò luyện thi đại học của các anh chị 8x hay lứa 9x chúng tôi cũng chẳng khác gì nhau là mấy; vẫn là hàng trăm con người chen nhau trong một căn phòng chẳng mấy gì rộng rãi, căng tai lên để nghe thầy giảng và chép bài, sao cho hết một buổi cũng bình xong một tác phẩm văn học. Ngột ngạt là thế, chật chội là thế nhưng nó đã thành một phần kỷ niệm mà bây giờ chỉ có trong lời kể của bố mẹ dành cho những đứa trẻ.
“Nhanh lên chúng mày ơi, đi nhanh còn chiếm chỗ bàn đầu”.
Đó là những những lời hò nhau, gọi nhau í ới của đám bạn sau mỗi buổi học chính. Đạp xe nhanh lên, không tới lò muộn là ngồi “chỗ xấu”.
Có lẽ hỏi 10 người họ nhớ gì về những lò luyện thi đại học, cả 10 người đều trả lời là “nóng”. Làm sao mà không nóng được cơ chứ, căn phòng trong hội trường văn hóa hay giảng đường đại học nào đó bỗng chen nhau vài trăm con người, điều hòa hồi đó còn là thứ xa xỉ, chỉ có tiếng quạt trần ro ro và cái nóng hầm hập.
Dọc những con phố nổi tiếng như Chùa Bộc, Xuân Thủy hay Nguyễn Trãi, lò luyện thi nào chắc cũng như vậy.
“Nóng, nói chung là nóng lắm, giờ nghĩ lại vẫn nhễ nhại mồ hôi – cả căn phòng vài trăm người nhiều khi chẳng biết mình ngồi cạnh ai, cứ mệnh ai người đấy học”, Phong Linh (1994) nhớ lại thời còn đi học lò văn. Câu chuyện cái nóng của lò luyện thi như ám ảnh bất cứ lứa học sinh 8x, 9x nào.
“Nhắc đến lò thì điều gợi nên đầu tiên là NÓNG, nóng như bản chất của nó là cái lò vậy. Tưởng tượng 1 cái phòng 50 – 100 mét vuông không điều hòa và chật ních những người là người thì không thể không nóng, đặc biệt là vào mùa hè. Đứa nào mà đến muộn (muộn ở đây là không đến sớm 10-15 phút trước khi lớp học bắt đầu) có khi đứng mà học. Nóng cũng vì cái không khí học trong cái lò ấy, thầy ra bài và giảng nhanh như chớp. Đứa nào đứa đấy lỡ buồn ngủ mà ngáp 2 cái là quay lại mướt mải không kịp thầy giảng luôn. Đặc biệt là mấy lớp luyện Lý – Hóa, giáo viên ra bài cái là cả phòng rộn lên tiếng bấm máy tính để làm bài”, chị Tô Thị Hoan vẫn không quên những ngày ôn thi đại học từ cách đây cả chục năm.
Học sinh hay đùa nhau rằng nếu như cái đói nghèo ám ảnh “Làng” của Kim Lân thì cái sự nóng nực đến tắm cả mồ hôi ám ảnh một thời mơ mộng của đám ôn thi đại học.
Cái nóng ngày đó không phải một kỷ niệm êm đềm gì với những cô cậu học sinh, nhưng không thể lại được với sự nóng ruột trong lòng những cô cậu vừa hết cấp ba. Thi đại học tới nơi rồi, đỗ trượt hay không, cả tương lai nằm ở đó. Thời đấy ai cũng nghĩ vậy; vừa nóng ruột vừa lo sợ bồn chồn. Nóng mấy cũng phải chịu.
Nhà trong Hà Đông nhưng đám bạn tôi, không cuối tuần nào không đạp xe lên Chùa Bộc hay bắt xe bus lên Xuân Thủy để học lò. Tiếng lành đồn xa, những cái tên thầy cô đã thành thương hiệu mà giờ chỉ cần hỏi nhau cũng thấy thân thương “Trước học văn thầy Hưởng đây, tiếng anh cô Chi Mai đây, ơ thế khéo ngồi cùng lớp mà không nhận ra ấy?”!
Có ngồi trong lò luyện thi đại học mới hiểu được khao khát, ước mơ được tới giảng đường của nhiều bạn trẻ lớn như thế nào. Thời của chúng tôi, nhiều người ôm mộng 1-2 năm để thi lại đại học cũng không bỏ cuộc. Anh Minh Hoàng, một 8x đời giữa từng thi lại đại học một lần và thấm thía những trải nghiệm đặc biệt từ cách đây hơn chục năm.
“Đó là một điều quá đặc biệt; đối với những học sinh ở huyện, không có lò luyện, phải đi lên thị xã hoặc thành phố, thì hầu hết mọi người cũng bắt đầu cuộc sống tự lập, y như những bạn vào đại học rồi vậy. Vừa làm quen, thích nghi cuộc sống mới, trưởng thành hơn, thì nhiều kỉ niệm về trọ học. Đó thực sự là trải nghiệm khó quên trong đời. Là một học sinh của “lớp 13″ mới thấy khao khát được vào đại học lớn thế nào”.
Nhà ở thị xã, ngày xưa hay có họ hàng ở quê lên trọ học cả tháng trước khi thi đại học để đến các trung tâm luyện thi. Tôi nhớ hồi đó không khác gì trong bộ phim “Chuyện nhà Mộc” – quê tôi nghèo, có những phụ huynh chỉ có một ước ao cả đời rằng con vào được đại học. Họ đưa con tìm từng lò luyện thi đại học với hy vọng rằng cuộc đời con cái sẽ sang một trang mới.
ở huyện, không có lò luyện, phải đi lên thị xã hoặc thành phố, thì hầu hết mọi người cũng bắt đầu cuộc sống tự lập, y như những bạn vào đại học rồi vậy. Vừa làm quen, thích nghi cuộc sống mới, trưởng thành hơn, thì nhiều kỉ niệm về trọ học. Đó thực sự là trải nghiệm khó quên trong đời.
Tôi biết có nhiều câu chuyện không hay ở các lò luyện thi nhưng nhiều nơi thực sự đã nâng đỡ cho đám học sinh chúng tôi những ngày cận thi. Có những người bước tiếp được vào trường đại học nhưng còn đó nhiều ước mơ dang dở. Vui buồn quanh những lò luyện thi đại học, năm nào cũng có nhưng những ước mơ thay đổi cuộc đời chưa bao giờ dừng lại.
Cái nóng, ồn ào, chật chội và sự khó chịu từ những người không muốn học nhưng vẫn phải “tới lớp vì bố mẹ” đôi khi khiến người ta “sợ” những lò luyện thi đại học. Ấy vậy mà ta vẫn tìm được nhiều kỷ niệm êm đềm của thời học sinh nơi những lớp học hàng trăm người này.
“Kỉ niệm đi học lò cũng nhiều, vì dù học khá căng thì vẫn là học sinh; vẫn nghịch và thích kết bạn. Nhất là thời điểm học lò còn là độ tuổi rất hợp để yêu đương. Mình cũng từng có một mối tình khi đi ôn lò, sau đó còn trốn học mấy buổi đi chơi. Tất nhiên nó không kéo quá dài nhưng cũng là một kỉ niệm của tuổi trẻ cũng như khi đi học lò”, chị Hà Đặng 34 tuổi chia sẻ. Những buổi gặp nhau trên lớp học thêm ấy chỉ chưa đầy hai tiếng, đủ để bảo nhau “ngồi dịch ra”,” ê cho mượn quyển vở chép coi” hay “đến sớm chiếm chỗ cho tao buổi sau nhé” cũng đủ khiến trái tim nhiều người khẽ rung động.
Thời ấy chẳng có Facebook, điện thoại đứa có đứa không, những ngày đạp xe cùng nhau đi học thêm lại được dịp hàn huyên trò chuyện, từ hàng ăn “cho chắc bụng rồi mới học được” vào tới tận lớp học. Những cô bạn e thẹn khi bị gán ghép với một cậu bạn trường khác, một đứa nào đau bụng quá mà lớp đông không ra được, có khi vừa học vừa nhai rôm rốp mấy món ăn vặt giấu dưới ngăn bàn – những kỷ niệm đó, nghe kể lại thì nhỏ bé giản đơn mà được sống trong những ngày ấy mới thấy nó có ý nghĩa với một thế hệ như thế nào.
Những lớp học lò cũng lùi dần vào dĩ vãng khi thi đại học đã không còn giống như ngày xưa. Học sinh giờ đây cũng có đầy đủ sách vở, tài liệu, Internet để học tập hiệu quả hơn hay học trong các nhóm nhỏ với cơ sở vật chất tốt. Các lò luyện thi giờ trở thành một điều xa lạ chỉ còn trong ký ức của các anh chị đi trước.
“Mình nghĩ vai trò của thầy cô giáo tại các trung tâm đã giảm so với ngày trước. Ngày trước sách tham khảo ít, và công nghệ cũng không nhiều, giờ thì Youtube và các diễn đàn, trao đổi trực tuyến nhiều. Người học có thể học bất cứ ở đâu. Ngày xưa, thầy cô là cả bầu trời tri thức, còn bây giờ cái gì không biết cứ hỏi Google”, anh Hoàng chia sẻ.
Những lò luyện thi đông đúc, chật chội mất đi cũng khiến nhiều người thấy vui – vui vì học sinh đã có nhiều điều kiện học tập hơn, không phải khổ sở chen chúc vất vả và vui hơn giáo dục Việt Nam đã thay đổi và chuyển mình theo hướng tích cực. Ít nhiều người sẽ buồn khi một ký ức không còn được nối tiếp nhưng có những điều, sẽ chỉ nên thuộc về quá khứ mà thôi.
Lò luyện thi đại học là vậy.