Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), toàn ngành giáo dục tỉnh nhà luôn chủ động thực hiện đổi mới trên tất cả các mặt hoạt động nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà.
Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Thanh Hóa).
Bằng tình yêu nghề, khát khao cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của các thầy, cô giáo và tinh thần hiếu học của các em học sinh (HS), chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Thanh Hóa) không ngừng nâng cao qua từng năm học. Cô giáo Đỗ Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường luôn coi trọng việc xây dựng và bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên (GV) đúng chuyên môn, phù hợp với năng lực; tạo điều kiện cho GV học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như khơi dậy lòng đam mê, nhiệt huyết trong mỗi GV. Trong mỗi tiết dạy, Ban giám hiệu nhà trường luôn yêu cầu GV phải biết khích lệ tinh thần học tập chăm chỉ, cần cù, sáng tạo của HS. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương nền nếp trong dạy học, kiểm tra đánh giá, gắn trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đề cao tinh thần đổi mới và sáng tạo trong quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Từ quan điểm chỉ đạo cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhà trường đã “gặt hái” được nhiều thành quả đáng tự hào trong quá trình dạy và học. Đơn cử như năm học 2020-2021, HS nhà trường đạt 71 giải cấp quốc gia, cấp tỉnh và thành phố, đến năm học 2021-2022 đạt 132 giải. Kết thúc học kỳ I, năm học 2022-2023, HS nhà trường đạt 36 giải các cấp, trong đó có 17 giải quốc gia. Đặc biệt, tại Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi Việt Nam, nhà trường có em Nguyễn Bảo Trân lớp 5E đạt giải Nhất toàn quốc khối tiểu học. Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS thông qua việc lồng ghép trong chương trình dạy học chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động đội, hoạt động sao nhi đồng, từ đó giúp các em phát triển toàn diện.
Không riêng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, ở tất cả các đơn vị trường khác trong tỉnh hoạt động dạy và học đang được các nhà trường đẩy mạnh theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà. Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Thống Nhất (Yên Định) Vũ Văn Thành, cho biết: Mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức, nhất là thời gian đầu sáp nhập trường, tuy nhiên, được sự quan tâm của ngành giáo dục, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực của đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên và HS, khó khăn từng bước được tháo gỡ. Theo đó, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao. Mỗi năm nhà trường có hàng trăm em đạt giải trong các kỳ thi HS giỏi các cấp. Riêng trong năm học 2021-2022, có 2 HS đạt giải HS giỏi quốc gia. Trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 và 2021-2022, nhà trường có điểm bình quân tăng so với đầu vào vượt 22, 23 bậc, góp vào thành tích chung của ngành giáo dục tỉnh nhà.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, kết thúc học kỳ I, năm học 2022-2023, với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của Bộ GD&ĐT, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, sự ủng hộ của các cấp chính quyền cơ sở và toàn thể Nhân dân, toàn ngành giáo dục tỉnh nhà tiếp tục phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Trong học kỳ này, toàn ngành giáo dục đã thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển giáo dục, nhiệm vụ năm học. Quy mô trường lớp ở các cấp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cơ sở vật chất trường học được các cấp chính quyền và Nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy học. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 25.000/28.000 phòng học kiên cố (đạt tỷ lệ 89,29%); 100% các trường tiểu học, THCS được trang cấp thiết bị, đồ dùng dạy học thực hiện Chương trình GDPT 2018, tuy nhiên, số lượng thiết bị còn hạn chế.
Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn, an ninh trường học, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và thực hiện; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học được đẩy mạnh và ngày càng phát huy hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo cơ sở tiếp tục được đổi mới, hiệu quả, góp phần siết chặt nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học. Kết thúc học kỳ, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được duy trì ổn định. Thi HS giỏi văn hóa cấp tỉnh, khối THCS có 1.240 HS đạt giải, đạt tỷ lệ 54,94%; khối THPT có 2.082 HS đạt giải, đạt tỷ lệ 54,30%; khối giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên có 127 HS đạt giải, đạt tỷ lệ 50,40%…
Để phát huy kết quả đạt được, hoàn thành tốt nhiệm vụ học kỳ II và cả năm học 2022-2023, tại hội nghị sơ kết học kỳ I mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức nhấn mạnh: Toàn ngành tiếp tục kiên trì mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp quản lý giáo dục; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, tập trung tổ chức các kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, nền nếp, kỷ cương; tăng cường các điều kiện giáo dục như cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đội ngũ giáo viên nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng GD&ĐT trong giai đoạn đổi mới.
Bài và ảnh: Lê Phong
Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/giao-duc/kien-tri-muc-tieu-doi-moi-va-nang-cao-chat-luong-giao-duc/180431.htm