Trái với nhiều luồng ý kiến từ dư luận, Johnny Trí Nguyễn tỏ ra cảm thông và bênh vực những võ sư cổ truyền vừa để thua tan tác khi đối đầu Từ Hiểu Đông hay các võ sĩ hiện đại.
Vừa qua, dư luận Trung Quốc đã tốn rất nhiều giấy mực để nói về thất bại của võ sư Vịnh Xuân Quyền Lữ Cương trước võ sĩ MMA nghiệp dư Từ Hiểu Đông cũng như nhiều màn thi đấu gây tranh cãi của các võ sư võ cổ truyền ở nước này. Không ít luồng ý kiến từ dư luận đã lên án trào lưu “ảo tưởng” đang ngày càng trậm trọng, làm mất đi giá trị quý báu của võ cổ truyền ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tuy nhiên, thay vì phê phán những thất bại của Lữ Cương, Điền Dã hay những màn công phu gây tranh cãi của “cao thủ truyền điện” Trương Pháp Nghĩa thì võ sư – HLV Johnny Trí Nguyễn của Việt Nam lại đưa một quan điểm hoàn toàn khác biệt.
Tài tử điện ảnh Johnny Trí Nguyễn xuất phát điểm cũng tập luyện võ cổ truyền (tập Liên Phong Quyền do ông nội sáng lập) nhưng sau đó lại đào tạo cả tán thủ, MMA… Khi nói về những Lữ Cương, Điền Dã, Trương Pháp Nghĩa của Trung Quốc, Trí Nguyễn cho rằng những nhân vật hoàn toàn không đáng bị chỉ trích từ dư luận.
“Đầu tiên, tôi không thể đánh giá được trình độ của Từ Hiểu Đông. Muốn biết khả năng thật sự của Đông thì phải xem anh ta đấu với một võ sĩ tập luyện MMA nhưng chúng ta chưa được xem nên không thể đánh giá cảm tính được.
Chúng ta cũng không thể khẳng định được những võ sư vừa thất bại (Lữ Cương, Điền Dã…) có trình độ thấp được. Có thể là trình độ của họ rất cao trong chuyên sâu của họ. Chỉ có điều chuyên sâu của họ không áp dụng được trong khuôn khổ MMA.
Tôi lấy ví dụ một người rất siêu chuyên môn kiếm Nhật chẳng hạn. Đó cũng là một loại hình võ thuật nhưng họ lên đài đấu với một võ sĩ MMA chỉ ở tầm bình thường thôi, họ vẫn sẽ thất bại”.
Theo Johnny Trí Nguyễn thì những võ sư Lữ Cương, Điền Dã… có thể hoàn toàn không kém ở chuyên môn sâu của họ.
Nhân vật chính trong phim “Dòng máu anh hùng” cũng đưa ra quan điểm rằng các võ sư Trung Quốc thất bại hoàn toàn không phải bởi họ bị “ảo tưởng” như một số luồng ý kiến chỉ trích. Ngoài ra, việc so sánh trình độ của võ cổ truyền và võ hiện đại bằng kết quả trên võ đài là một sự khập khiễng.
“Tôi nghĩ những thể thức thi đấu và những võ sĩ chuyên đấu sàn dùng những đòn thế đã có trong võ thuật hàng ngàn năm nay. Chỉ là đòn thế đó liên tục được thí nghiệm, nâng cấp và mài bén để mang tới hiệu quả cao nhất. Như những thể thức đua xe thì thân xe, bánh xe, động cơ cũng đã có từ lâu đời, chỉ là các chi tiết luôn được thí nghiệm rồi nâng cấp để mang tới hiệu quả tốt nhất trên đường đua.
Với cái tên gọi là Võ Cổ truyền thì không thể phát triển và tiến hóa được. Vậy thì võ cổ truyền sẽ thuộc về khía cạnh bảo tồn văn hóa xưa. Và đương nhiên là một chiếc xe cổ không thể thắng được chiếc xe công thức 1 trên đường đua nhưng nó vẫn có những giá trị khác”.
Trí Nguyễn tỏ ra cảm thông với thất bại của Lữ Cương hay một số võ sư cổ truyền ở Trung Quốc.
Đặc biệt, khi nói về bí kíp Lăng Không Kình hay còn gọi nôm na là “Công phu truyền điện” của một số võ sư cổ truyền Trung Quốc, Johnny Trí Nguyễn nêu quan điểm cho rằng chúng ta không thể kết luận đây là thứ võ công được “bịa đặt”.
“Khả năng của môn võ đó đến đâu thì tôi không biết. Riêng tôi chỉ biết những gì mình tự trải nghiệm. Trong võ có những bí kíp không ai có thể giải thích nổi. Như khí lực là cái mà nhiều người có và mọi người có thể tự trải nghiệm nó ngay lập tức mặc dù chưa từng tập luyện.
Những thứ tôi tự trải nghiệm về khí lực thì không ai có thể giải thích được, khoa học vẫn còn chưa giải mã được”.
Johnny Trí Nguyễn tiếp tục cho rằng những “dân võ” không nên dùa theo dư luận để chỉ trích những võ sư cổ truyền Trung Quốc:
“Tôi không cho những thứ mình thấy trên mạng là tự trải nghiệm. Cái gì tôi tự thân trải nghiệm thì sẽ biết. Cái gì chưa tự thân trải nghiệm thì chưa biết, vậy thôi.
Sự đánh giá cũng chỉ dựa trên những thứ mình đã biết, đã tinh. Còn không, nó cũng chỉ có giá trị như sự đoán mò thôi. Những thứ mình biết nó không bằng một hạt cát trong vũ trụ không có giới hạn này. Thế sao không can đảm nhận là mình chưa biết.
Dư luận thì luôn chỉ là dư luận, ít khi có dư luận thoải mái thoải mái tốt đẹp. Vậy thì mình coi có nên tham gia vào cái gì đó ít đẹp nhiều phiền không?”.
Trí Nguyễn khẳng định anh từng có những trải nghiệm về khí lực trong võ thuật mà khoa học cũng không giải thích nổi.
Cuối cùng, Johnny Trí Nguyễn đưa ra một góc nhìn riêng về võ cổ truyền và cho rằng dù ở Trung Quốc hay Việt Nam, sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu võ cổ truyền và võ hiện đại thi đấu với nhau.
“Thực ra với tôi thì không có khái niệm võ hiện đại. MMA là thể thức thi đấu, không phải môn võ. Nếu cần phân tích thì mình nên nhìn rõ để so sánh. Kể cả kickboxing, Muay Thái, tán thủ… cũng đều là các thể thức thi đấu, không phải môn võ thuật. Cùng với boxing, wrestling (nhiều loại), vẫn là thể thức thi đấu.
Mình có thể định nghĩa một môn phái võ là có Tổ. Còn một thể thức thi đấu là có điều lệ thi đấu. Mà với tôi thì cũng không có môn võ nào tên là “Võ cổ truyền” cả. Không có Tổ thì không phải môn võ. Có thể gọi là một liên đoàn thì được.
Ở Việt Nam, văn hóa đấu võ đài tự do giữa các phái võ đã xưa rồi. Trước đây, các võ đài vẫn đấu không hạng cân, không thể thức, không giới hạn điều gì cả. Ở góc đài có hai cái hòm để sẵn. Mà chính vì không có hạng cân thì không phải là thể thao. Để cân bằng sự chênh lệch thì không giới hạn bất kỳ đòn thế nào từ móc mắt, tấn công hạ bộ… Thi đấu như vậy không thể gọi là thể thao được”.
Johnny Trí Nguyễn cho rằng việc các võ sư ở các môn phái cổ truyền lên đấu đài không phải là thi đấu thể thao.
Võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông đánh bại võ sư Vịnh Xuân Lữ Cương sau 47 giây
Trận đấu giữa võ sĩ Taekwondo và cao thủ võ cổ truyền Trung Quốc