Từ đôi bàn tay khéo léo của các phật tử vốn là những nông dân chính hiệu đã tạo nên một quần thể công trình bằng cây tre Việt Nam khá độc đáo, thú vị ở chùa Lệ Minh (Niệm phật đường Lệ Xuyên), xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Những ngày trước Đại lễ Phật đản năm nay, không gian tre ấn tượng ở ngôi chùa làng thơ mộng này đã thu hút đông đảo phật tử, người dân từ khắp nơi tìm đến tham quan, chụp hình lưu niệm.
Kỳ đài và “cầu ánh sáng” bằng tre tại chùa Lệ Minh ở thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong – Ảnh: Đ.V
Độc đáo quần thể công trình từ… tre
Chùa Lệ Minh toạ lạc ở thôn Lệ Xuyên, tuy quy mô khá nhỏ nhưng có địa thế đẹp. Khung cảnh nơi đây mang dáng dấp thuần hậu, gợi nét yên bình của làng quê thôn dã. Chảy ngang qua trước chùa là một nhánh sông nhỏ, cồn bãi với những bãi cỏ xanh mướt và từng khoảnh ruộng lúa đã chín vàng ươm. Đây là địa điểm được Giáo hội Phật giáo huyện Triệu Phong chọn tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567.
Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 trên địa bàn huyện Triệu Phong diễn ra từ ngày 8 đến 15/4 Âm lịch. Trong đó, ngày 8/4 Âm lịch, Giáo hội Phật giáo huyện Triệu Phong sẽ tổ chức chính thức đại lễ cấp huyện ở chùa Lệ Minh, sau đó lan toả ra các chùa, cơ sở phật giáo trên địa bàn huyện. Dự kiến có khoảng 2.000 phật tử, đạo hữu tham gia đại lễ, trong đó có khoảng 600-700 trại sinh tham gia cắm trại tại chùa Lệ Minh (khoảng 100 trại). Tại chương trình đại lễ còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, tiệc buffet chay phục vụ hàng nghìn người, lễ cúng dường với chủ đề “Sen đầu hạ”… |
Ông Trương Thanh Quỳnh, Trưởng Phân ban gia đình phật tử – Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Triệu Phong – người phụ trách quản lý phần việc thực hiện các công trình cho biết: sau hơn một tháng ròng rã, liên tục triển khai, đến nay các công trình bằng tre phục vụ đại lễ đã cơ bản hoàn thành.
“Từ đây cho đến ngày tổ chức lễ, chúng tôi sẽ trang trí thêm các câu chữ, hoa văn, đèn, hoa… tại các công trình bằng tre phục vụ đại lễ. Dù mới hoàn thành phần thô nhưng những ngày qua có rất đông người dân địa phương, người qua đường ghé thăm, chụp ảnh”, ông Quỳnh nói. Quần thể các công trình bằng tre được thực hiện tại chùa Lệ Minh bao gồm: Kỳ đài cao 40 m, lễ đài rộng 150 m2 , “cầu ánh sáng” bắc qua sông, nhà triển lãm cuộc đời Đức Phật, cổng tam quan, trại sàn, hệ thống cọc dựng 7 đoá sen trên mặt sông…
Ông Quỳnh cho biết, đã có khoảng 1.000 cây tre loại tốt, dài, thẳng được lựa chọn kỹ lưỡng để tạo nên các công trình bằng tre này. Hầu hết những cây tre làm công trình do phật tử sinh hoạt tại gần 80 ngôi chùa trên địa bàn toàn huyện tự nguyện công đức và tự tay thi công.
“Những năm gần đây, đến dịp đại lễ Phật đản, Giáo hội Phật giáo huyện đều lần lượt chọn mỗi ngôi chùa khác nhau để tổ chức lễ cấp huyện và các công trình phục vụ lễ đều được chọn làm bằng tre rất ấn tượng.
Những người thực hiện các công trình cũng nhờ đó mà tay nghề ngày càng cao, dù họ vốn chỉ là người làm nghề nông. Năm nay, tổng thể không gian các công trình được bố trí hài hoà, thuận tiện cho việc đi lại và có tính mỹ thuật cao, được nhiều người khen ngợi”, ông Quỳnh nói thêm.
Các phật tử hoàn tất những công đoạn cuối cùng của công trình chào mừng Đại lễ Phật đản – Ảnh: Đ.V
Là một trong những người có nhiều kinh nghiệm, được xem là “kiến trúc sư trưởng” có nhiều đóng góp kiến tạo nên các công trình, ông Nguyễn Hữu Trang, phật tử ở thôn Dương Lệ Văn, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỏ ra phấn chấn khi ngắm nhìn công trình kỳ đài cao vời vợi với lá cờ Phật mang biểu tượng hòa bình. Ông nói, đây là một trong những công trình khó khăn nhất vì có chiều cao lớn, trụ đế rộng và nhiều khối phức tạp.
“Đối với công trình kỳ đài, chúng tôi phải trực tiếp lên bản vẽ tỉ mỉ, đo đạc, cắt tre thật kỹ lưỡng và kết nối các trụ đỡ, các thanh tre với nhau một cách chính xác. Để dựng nên công trình hoàn chỉnh, chúng tôi phải thi công chia làm 4 khối, sau đó kết nối, cố định các khối với nhau bằng bù lông – ốc vít chắc chắn. Riêng phần chân đế, chúng tôi phải thuê xe cẩu di chuyển từ nơi thi công đến nơi dựng vì quá nặng và có kích thước lớn.
Khi dựng xong còn phải chằng chéo dây thép theo nhiều hướng để giữ vững công trình trước gió mạnh. Làm xong công trình này, ai cũng thở phào nhẹ nhõm và tự tin hơn với các công trình khác”, ông Trang cho hay. Ấn tượng không kém là chiếc “cầu ánh sáng” làm bằng tre, rộng khoảng 2 m, dài khoảng 20 m, cao so với mặt nước từ 1,5-2 m.
Cầu có lan can tay vịn cách điệu lượn sóng mềm mại, mặt cầu ghép từ những thanh tre già và toàn bộ thân cầu được đặt đứng vững trên hệ thống cọc cố định chắc chắn được găm xuống đáy sông.
Cùng với đó là chiếc cổng tam quan dẫn vào khuôn viên chùa cũng được làm khá kỳ công, chắc chắn với các hoạ tiết tre uốn cong trên phần mái rất đẹp mắt. Cổng nằm ngay cạnh những ruộng lúa mướt mắt, một bên là mặt sông êm đềm với những khóm hoa sen, gợi nét bình an thanh tịnh.
“Mỗi công trình đều có những công đoạn, phần việc khó dễ khác nhau nhưng khi hoàn thành đã toát lên được vẻ đẹp tự nhiên, thuần hậu có thể cảm nhận được. Chúng tôi rất vui vì đã có đóng góp công sức để tạo nên các công trình bằng tre độc đáo này”, ông Trang phấn khởi chia sẻ.
Thông điệp bảo vệ môi trường
Anh Nguyễn Dũng (48 tuổi) quê quán ở thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, hiện sinh sống làm việc tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trở về quê nhiều ngày nay để lo việc gia đình. Khi thấy chùa làng mình có những công trình bằng tre rất đẹp, anh tranh thủ ra chụp hình gửi về khoe với vợ con cũng như giữ làm kỷ niệm cho mình.
Anh Dũng xúc động nói: “Tôi rời xa quê hương mấy chục năm rồi nhưng tình cảm với quê nhà luôn dạt dào trong trái tim. Hồi còn nhỏ tôi cùng bạn bè đồng trang lứa trong làng, xóm hay tham gia sinh hoạt, cắm trại, tập văn nghệ, tu học tại chùa.
Bây giờ trở lại không gian bình yên đáng nhớ này, cảm xúc trong tôi thật khó tả, cả một bầu trời kỷ niệm tuổi thơ như hiện ra trước mắt. Đúng là đi qua hơn nửa đời người rồi nhưng vẫn thấy mình như bé lại trong từng góc làng, chốn quen thuộc ở quê hương”.
Cũng như anh Dũng, nhiều người đi đường ngang qua nhận thấy cảnh quan độc đáo của những công trình bằng tre ở chùa Lệ Minh không khỏi ngạc nhiên và tò mò nán lại tham quan, chụp hình ở tất cả các công trình.
Đi ngang chiếc “cầu ánh sáng” uốn cong mềm mại trên mặt sông dẫn qua khu trưng bày triển lãm các hình ảnh, tư liệu về cuộc đời của Đức Phật, chị Nguyễn Hoài Phương, TP. Đông Hà, thích thú nhờ bạn chụp hàng chục bức ảnh. “Phía sau lưng là kỳ đài cao vút với cờ bay trên đỉnh, nơi mình đứng là chiếc cầu tre và bên kia cồn bãi đất là nhà trưng bày triển lãm về Đức Phật với cỏ xanh, rồi đồng lúa vàng.
Thật sự cảnh vật ở đây rất đẹp và yên lành. Mình rất thích và sắp tới Đại lễ Phật đản sẽ rủ thêm bạn bè về tham quan, chụp ảnh kỷ niệm”, chị Phương phấn chấn cho biết.
Cổng tam quan làm bằng tre dẫn vào khuôn viên chùa Lệ Minh gợi nét thanh bình, yên ả – Ảnh: Đ.V
Đại đức Thích Nguyên Mãn, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Triệu Phong cho biết, quần thể công trình bằng tre được làm tại chùa Lệ Minh phục vụ đại lễ năm nay là tâm huyết, công đức vô lượng của các phật tử huyện Triệu Phong.
“Họ đã làm với tất cả sự nhẫn nại, niềm tin Phật pháp và cũng xem việc này như một khoá tu bổ ích, lý thú để tạo ra được những công trình bằng tre thật đẹp đẽ, mang đậm hồn cốt quê hương.
Dù việc thi công bộn bề, có mưa nắng, có vất vả trong một thời gian dài nhưng hầu hết các phật tử đều đã hoàn thành tâm nguyện và rất hài lòng với các công trình, phần việc công đức đầy ý nghĩa của mình.
Các công trình bằng tre chúng tôi làm phục vụ Đại lễ Phật đản xuyên suốt những năm qua cho đến nay đều mang thông điệp giáo dục bảo vệ môi sinh, môi trường nhằm cổ vũ xây dựng cuộc sống xanh, cảnh quan xanh – sạch – đẹp”, Đại đức Thích Nguyên Mãn chia sẻ thêm.
Để giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, sắp tới ban tổ chức đại lễ cũng sẽ bố trí các thùng rác làm bằng tre trong khu vực tổ chức các hoạt động đại lễ…
Đức Việt
Nguồn Báo Quảng Trị: https://baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/khong-gian-tre-viet-o-chua-le-minh/177024.htm