Chẳng ai nghĩ vài chén rượu, mấy chai bia “mời” nhau cho cuộc gặp mặt thêm rộn rã lại có thể khiến đường về của chính mình hay một người vô tội nào đó trở nên xa đằng đẵng.
Thêm một tai nạn thương tâm nữa lại vừa cướp đi 2 sinh mạng vô tội ngay khi vụ trước – nạn nhân là nữ công nhân vệ sinh môi trường còn chưa nguôi ngoai. Vậy là, ngay tại Hà Nội, chỉ trong 8 ngày đã diễn ra ít nhất 2 vụ tai nạn mà nạn nhân đều là những người lao động lương thiện. Chỉ 8 ngày có ít nhất 3 gia đình mất đi người mẹ và người ở lại là những đứa trẻ đang ở độ tuổi trưởng thành, rất cần tình yêu thương.
Lý do vẫn lại là uống rượu bia rồi nhưng vẫn lái xe.
Lê Trung Hiếu – người đàn ông đã gây ra vụ tai nạn thương tâm này có kể rằng anh ta uống trong buổi họp lớp. Hẳn cuộc vui ấy khi mọi người cụng ly với nhau không ai nghĩ đến việc sẽ có một ai đó sáng hôm sau bỗng chốc trở thành kẻ giết người. Hẳn cuộc vui ấy, sau màn hô “dzô” hoành tráng, không ai nghĩ mình có thể mất đi một người bạn.
Tôi cũng từng tham gia những cuộc vui như thế, nơi mà đến muộn sẽ bị phạt 3 chén mà bỏ về trước sẽ bị phạt đến 7 chén theo quy định “Vào 3 ra 7”. Tôi cũng từng cùng đám bạn “quây” một đứa bạn khác bằng trò lần lượt mời nó uống. Là ép nó uống, cho nó gục luôn tại bàn. Tôi cũng từng bị ép cho đến khi gục xuống bàn nhậu.
Có một thứ trở thành “văn hoá bàn nhậu” là ép nhau uống, và ai cũng cho rằng đó là chuyện đương nhiên. Cuộc vui đôi khi được đo bằng số chai mà mọi người uống hết. Nghe những câu chuyện kiểu “Hôm ấy 3 thằng cưa hết 6 chai” như thành tích. Nếu không ép uổng nhau uống thì đâu còn gì vui?
Những năm gần đây, việc tuyên truyền “Đã uống rượu bia thì không lái xe” khá mạnh mẽ. Hầu như ai cũng biết điều đó chỉ trừ những kẻ mù chữ hoặc giả cố tính mù chữ. Cũng có những người biết rất rõ ràng khẩu hiệu ấy nhưng dường như vẫn cho rằng “nó trừ mình ra”.
Nhưng sau cùng, ngay cả những người biết và thuộc nằm lòng khẩu hiệu ấy, thì câu hỏi đặt ra là uống đến ly thứ bao nhiêu thì mọi người quên? Bao nhiêu người say tít rồi nhưng vẫn tự tin lái xe về? Bao nhiêu người cho rằng mình say lái xe về cùng lắm là mình chết chứ chẳng chết ai? Bao nhiêu người chỉ quan tâm việc mình về đến nhà an toàn mà chẳng quan tâm đến bạn nhậu với mình về nhà an toàn hay không? Và bao nhiêu người cho rằng công an lập chốt trước cửa quán bia, nhà hàng là “ăn tiền” phá hoại chuyện kinh doanh của người khác, khiến lãnh đạo ngành phải kêu rằng “lập chốt kiểm tra trước quán bia nhà hàng là… phản cảm”?
Trong những cuộc nhậu, bao nhiêu người dám từ chối những ly rượu, cốc bia chỉ vì mình sẽ lái xe về chốc nữa? Từ ly rượu, cốc bia đầu vì nể đến ly rượu thứ 2, cốc bia thứ 3 là bao xa? Bao nhiêu người chọn việc bỏ xe lại bắt xe ôm hoặc taxi về khi đã thấy đủ nồng độ cồn bị cấm lái xe? Hay họ vẫn chỉ nghĩ rằng mình chưa say, mình vẫn có thể lái xe về?
Tôi thú nhận rằng mình đã từng nghĩ như họ – những bạn nhậu kia. Cho đến khi phải thấy những người bạn của mình có kẻ bỏ lại cả mạng sống của mình hoặc nhìn thấy những kẻ trở thành thủ phạm gây ra tai nạn chết người. Để biết rằng chỉ một sơ sẩy thôi, uống rượu bia mà vẫn lái xe có thể khiến mình không bao giờ còn gặp lại người thân yêu của mình nữa hoặc có thể sẽ khiến ai đó vĩnh viễn không còn được sống nữa. Và dù kết quả thế nào, điều đó cũng khiến tôi đau thắt lòng vì sợ hãi. Có thể bởi tôi hèn.
Nhiều người không hèn như vậy. Nhiều người sĩ diện hơn tôi. Chả có nhẽ lại thua kém nhau vài ly rượu, mà uống cố. Chả có nhẽ lại sợ những lời thách nhau, mà uống thêm. Chả có nhẽ đang cuộc vui mà lại chối từ, mà uống tiếp. Rồi ra sao thì ra. Rồi đến đâu thì đến.
Thêm một ly rượu, cốc bia cho cuộc vui thêm náo nhiệt. Nhưng đường về có thể vì thế sẽ xa hơn và đích đến có khi là ở trong bệnh viện hoặc trong trại tạm giam. Thêm một ly rượu, cốc bia vì bạn bè gặp nhau là phải hết mình. Nhưng có thể người thân của mình hay người thân của ai đó sẽ không còn có cơ hội gặp lại nhau nữa. Thêm một ly rượu, cốc bia có thể khiến ta vui hơn. Nhưng nỗi buồn sẽ dài mãi mãi cho vợ mình, con mình hay gia đình nạn nhân mà mình đã gây ra tai nạn.
Tôi không biết liệu những vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra có khiến những tiếng cụng ly, những tiếng hò “dzô” sẽ chậm lại một chút, có bớt lại một chút không? Có khiến người ta chọn việc đi nhậu bằng xe ôm, taxi để đi về bằng xe ôm, taxi, kiên quyết đã uống thì không lái xe không?
Chỉ mong là được vậy để những cái chết không trở nên phí phạm. Chỉ mong rằng trong những bữa vui, đừng ai ép nhau phải uống. Mong hơn nữa là những khẩu hiệu, khung avatar nhiều người đang thay trên mạng xã hội có thể khiến người ta biết điểm dừng trong những lần gặp gỡ có bia rượu.
Mong những tai nạn thương tâm có thể khiến dư luận ứng xử mạnh mẽ như như vụ Hùng thang máy 200k – thể hiện sự phẫn nộ với những kẻ say mà vẫn leo lên xe. Hãy coi những kẻ say mà vẫn lái xe như những tên tội phạm cần phải bị bắt giữ lại không cho ra đường, không cho cơ hội lái xe để có thể gây ra tai nạn.
Trong những quán bia, quán rượu hôm nay, ngày mai, làm ơn, hãy nhìn văn hoá ép rượu, những chai, cốc rượu uống cố như những ẩn họa tiềm tàng cho chính sự an toàn của vợ bạn – con bạn và chính bạn. Bởi biết đâu đấy, trong cái đám đang hô “dzô” kia, có kẻ nào đó sẽ gây họa. Nghĩ về điều đó để lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, phản ứng quyết liệt hơn nữa với những kẻ đã uống rượu bia mà vẫn lái xe. Bất kể kẻ đó là ai, bạn thân hay sơ. Hãy biết sợ cho chính người thân của mình chứ không chỉ biết sợ cho mình.
Hôm nay, bạn sẽ bỏ một cuộc nhậu vì bạn cần lái xe về nhà an toàn với gia đình bạn chứ?