Theo PGS TS Nguyễn Ngọc Quang – tổng thư ký hội tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp ngày gia tăng mạnh mẽ trong cộng đồng ảnh hưởng tới khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới.
Trẻ hóa tăng huyết áp
Trung bình mỗi năm nước ta có thêm 1% người bị tăng huyết áp bất kể người già trẻ, nông thôn hay thành thị và đặc biệt tăng huyết áp đang trẻ hóa.
Tăng huyết áp được ví như kẻ giết người thầm lặng và nó là thủ phạm gây ra nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, suy thận và hàng loạt biến chứng khác. Ước tính mỗi năm có khoảng 10 triệu người trên thế giới tử vong do tăng huyết áp gây ra và khoảng 100 triệu người bị tàn tật do nó.
PGS Quang cho biết nguyên nhân của tăng huyết áp chưa rõ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng 90% không biết rõ nguyên nhân nhưng 10% có nguyên nhân. Sự tương tác của lối sống stress, lười vận động làm gia tăng mức độ huyết áp.
PGS TS Nguyễn Ngọc Quang – tổng thư ký hội tim mạch Việt Nam
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp nền kinh tế, lối sống, kiểu sống cổ truyền ăn nhiều rau, hoạt động nhiều chuyển sang lối sống mới ăn nhiều thịt, ít vận động, thừa calo gây béo phì và tác động mạnh mẽ tới bệnh lý tăng huyết áp.
Làm thế nào để biết?
PGS Quang cho biết, tăng huyết áp không có dấu hiệu gợi ý. Những dấu hiệu kinh điển là nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó thở chỉ là dấu hiệu nhỏ. Đại đa số người bệnh không biết đến khi đo huyết áp mới biết rằng mình bị tăng huyết áp.
Cách tốt nhất để biết mình có tăng huyết áp hay không PGS Quang cho rằng nên đo huyết áp định kỳ. Nếu người nào có chỉ số huyết áp bình thường (120/80 mmhg) thì đo hàng năm, cao hơn đo thường xuyên hơn. Người đang điều trị tăng huyết áp thì phải đo huyết áp hàng ngày.
Theo PGS Quang bất kể khi nào đi khám bệnh nếu có cơ hội đo huyết áp cũng cần đo. Tăng huyết áp có thể tăng thình lình đôi khi có thể đến sớm hoặc quá trễ.
Đo huyết áp thường xuyên hơn để biết chỉ số huyết áp của mình
Hiện nay, hầu như các phòng khám đều trang bị máy đo huyết áp để đo huyết áp miễn phí cho người bệnh, người thân của họ. Ngoài ra, có thể tự đo huyết áp ở nhà. Hãy nhớ số đo huyết áp như tuổi của mình.
Điều trị huyết áp như thế nào?
PGS Quang cho biết thêm tăng huyết áp diễn ra âm thầm, lâu dài và việc điều trị tăng huyết áp rất lâu và người bệnh phải điều trị suốt đời.
Có hai thành phần chính trong điều trị tăng huyết áp là thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc.
Do tăng huyết áp thường đi kèm các yếu tố khác như thừa cân, béo phì, stress, ăn mặn… nên việc thay đổi lối sống quan trọng giúp chúng ta kiểm soát tăng cường bệnh lý và còn giải quyết các yếu tố khác. Thay đổi lối sống là cách cơ bản trong điều trị tăng huyết áp.
Hiện nay, số người mắc tăng huyết áp cao nhưng đại đa ở độ 1, thời điểm đó hoàn toàn có thể thay đổi lối sống tốt để kiểm soát tăng huyết áp ở độ thấp. Không đưa được con số huyết áp về mức bình thường thì phải dùng thuốc và các bệnh nhân mắc bệnh lý đi kèm khác việc điều trị cần tuân thủ nghiêm ngặt.
Chế độ ăn cần thực hiện như: ăn nhạt, hạn chế rượu bia, thuốc lá, hạn chế các loại chất béo no, mỡ động vật.
Cách tập luyện như thế nào?
Với tập luyện PGS Quang cho rằng điều này rất quan trọng và giải quyết được hàng loạt bệnh tật từ ung thư tới tim mạch, đái tháo đường.
Tập luyện thế nào là vấn đề lớn đặc biệt là ở người trẻ. Bình thường người ra có nhiều động cơ để luyện tập như giảm cân, năng động. Còn bác sĩ thì quan tâm tới tim mạch và béo phì nhiều hơn.
Hiện nay, chúng ta đang có nhiều thói quen di chuyển bằng xe máy, ô tô làm gia tăng các bệnh tim mạch, không còn người đi bộ như trước. Để đảm bảo phòng bệnh tim mạch,
Hội tim mạch Việt Nam đưa ra khuyến cáo cần đảm bảo tối thiểu 150 phút tuần khoảng 30 – 35 phút ngày, ngày nào cũng phải vận động.
Theo PGS Quang chỉ cách vận động rất đơn giản với người làm việc văn phòng ngồi ít, đi lại nhiều 1 tiếng 1 lần nên đứng dậy vươn vai, tập bài thể dục ngắn để giúp người khỏe hơn, giúp không bị tăng huyết áp.
Ngoài hoạt động cần các hoạt động liên quan tới cơ như chơi 1 môn thể thao như yoga, tennis, bóng bàn, tập gym, đặc biệt là tập cơ nếu thực hiện được 1 – 2 lần trên tuần rất tốt cho tim mạch.
“Nếu ở nhà hoặc nơi làm việc của bạn có nhiều tầng có thể đi thang máy cách tầng làm việc 3 tầng và đi thang bộ. Đây là thang đo để kiểm tra sức khỏe tim mạch. Nếu đi 1,5 tầng đã dừng lại phải thở thì cần nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra vì lúc này tim mạch có vấn đề” – PGS Quang cho biết.